Xã hội

Những câu chuyện kể bên hầm Đại tướng

Trần Hương 01/05/2024 - 08:33

(TN&MT) - Mường Phăng - Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, địa danh gắn liền với tên tuổi vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp - người được Bác Hồ trao quyền “tướng quân tại ngoại” quyết định toàn bộ các hoạt động của chiến dịch trong 56 ngày đêm ròng rã để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” vào ngày 7/5/1954.

70 năm sau ngày giải phóng, Mường Phăng hôm nay đã khác, nhưng cánh rừng già dưới chân núi Pú Đồn vẫn luôn rì rầm những câu chuyện kể về Đại tướng, về trận chiến lịch sử năm nào. Cả rừng cây âm âm gió hát, như lời người than vãn nhớ cố tri.

Ký ức không quên!

Chiều tháng 4 lịch sử, tôi bâng khuâng bước trong rừng già dưới chân núi Pú Đồn, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 tọa lạc dưới những tán lá xanh thẫm mà đồng bào Thái ở Mường Phăng hay gọi với cái tên thân thương “rừng Đại tướng”.

Rừng cây âm âm, rực lên bông hoa chuối. Bìa rừng, tiếng con chim “bắt cô trói cột” hót lanh lảnh một hồi rồi im bặt. Chúng tôi lọt thỏm giữa đại ngàn mênh mông, ẩm lạnh; cánh rừng nguyên sinh trầm mặc, già nua và hùng vĩ; sương đọng trên tán lá nhỏ xuống như nước mắt rừng khóc nhớ người tri kỷ. Cả rừng Mường Phăng đang rì rào gió hát, khúc hồn thiêng ru ngàn sĩ tử trong giấc ngủ ngàn thu vọng thẳm sâu vào lòng đất mẹ.

Đại tướng ơi! Cả rừng Mường Phăng đang nhớ Người..!

Người Mường Phăng kể về Đại tướng

Hôm đó, Trưởng bản Cầm Văn Tâm dẫn đường đưa chúng tôi lên thăm hầm Đại tướng. Tất cả lặng im đi trong cánh rừng, đến một căn lán, anh dừng lại bảo: “Đến lán ngủ của điện báo viên rồi. Chúng ta nghỉ đây một lát nhé..!”

c6084638-212b-474d-83b4-591537bc5f8b.jpg
Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên

Dừng chân trong lán, cụ ông Lường Văn Pâng tay vừa bóp gối vừa nói: “Già rồi! Chắc chỉ lên thăm hầm Đại tướng được lần này nữa thôi! Nhớ năm 2004, Đại tướng lên thăm bà con Mường Phăng, sau khi bắt tay một lượt, Đại tướng bảo: “Thôi bà con về đi làm đi, đừng bỏ nương rẫy như thế. Gặp nhau như thế này là vui rồi...!” Sau năm đó, tôi được người ta thuê trông coi, bảo vệ hầm Đại tướng cho đến tận năm 2009. Từ lúc nghỉ làm, năm nào tôi cũng lên thăm hầm Đại tướng 1 lần. Giờ thì yếu rồi… chắc năm sau không lên được nữa!”

Ông Lường Văn Pâng năm nay đã 84 tuổi. Ông kể, từ đời cụ ông, bố ông đã ở Mường Phăng. Ông từng là Hạ sỹ quan Tiểu đội 1, Đại đội 30, thuộc Bộ Tham mưu Quân khu Tây Bắc, đóng quân ở Lai Châu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1968 đến năm 1975. Sau khi ra quân, ông được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và sống ở Mường Phăng đến tận bây giờ.

Nhớ lại ký ức năm xưa, ông Pâng bồi hồi, năm người Pháp xâm lược Điện Biên Phủ, ông Pâng mới khoảng 13, 14 tuổi... Trong bản Mường Phăng có bà Lò Thị Đôi (mất năm 2014), bà Lường Thị Ún (mất năm 2005), ông Lò Văn Bóng (mất năm 2013) là lính gác vòng ngoài cho Đại tướng. Bà Đôi được Đại tướng phong làm Trưởng ban Dân vận địa phương, có nhiệm vụ vận động chị em phụ nữ, bà con dân bản ủng hộ, tiếp tế lương thực phục vụ cho chiến dịch. Trước ngày mở cuộc Tổng tiến công, bà Đôi vận động được 9 tấn lúa, 5 con trâu để ủng hộ cho kháng chiến.

Bà Đôi từng kể, hôm Đại tướng dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình và bắt đầu xây dựng Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Đại tướng dặn bà: “Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cô là Trưởng ban Dân vận của địa phương, phải tích cực tuyên truyền cho bà con ủng hộ chiến dịch, nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật việc quân ta xây dựng căn cứ chỉ huy để đảm bảo cho chiến dịch toàn thắng.”

Thế nên, mãi tận đến khi giải phóng Điện Biên, ông mới biết Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm ngay trong bản của mình. Ngày đó, mỗi lần đi chăn trâu là bố ông lại dặn: "Ai về hỏi ở đây có bộ đội Việt Minh không thì bảo “3 không”; không thấy, không nghe, không biết… nhớ chưa!”

Ngồi kế bên, ông Lò Văn Biên - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng, con trai cụ Lò Văn Bóng - lính gác vòng ngoài cho Đại tướng - lên tiếng: “Năm 1954, bố tôi lúc đó mới 24 tuổi, được lựa chọn tham gia lực lượng bảo vệ vòng ngoài Sở Chỉ huy, ông được phát một khẩu súng trường, quân phục, giày vải... Năm 2004, khi ấy bố tôi còn sống, Đại tướng về thăm Mường Phăng, Đại tướng tặng bố tôi chiếc đài cát-sét. Giờ tôi vẫn giữ nguyên kỷ vật ấy”.

Chúng tôi tiếp tục hành trình, ông Pâng chỉ vào những thân cây dẻ to bằng hai vòng tay ôm trong rừng Đại tướng: “Thân cây này nếu biết nói thì nó sẽ kể rất chi tiết về những ngày Đại tướng sống và chỉ huy chiến dịch ở đây...”

Niềm tự hào của Mường Phăng

Hôm sau, tôi lang thang trên bản, gặp những gia đình người Thái sinh sống lâu đời ở Mường Phăng. Họ kể cho tôi nghe nhiều chuyện về Đại tướng, về những người của bản từng tham gia kháng chiến và cả những câu chuyện về những ngôi trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

418ce0b5-227a-4cb5-bf24-d8bc83734fdb.jpg
Vợ chồng ông Lường Văn Pâng kể lại những câu chuyện về Đại tướng

Mặt trời vượt ngọn tre rừng Pá Hốc Khiều, dân bản Mường Phăng kéo về, người cầm cuốc, cầm thuổng… đi về phía hầm Đại tướng. Người phụ nữ trung niên đi xe máy từ hướng Trụ sở xã Mường Phăng gọi lại: “Các bác ơi, chúng ta làm từ đầu này kia mà... Anh Diện ơi… Anh cho các bác làm từ đây nhé!”

Người vừa nói là cô Nguyễn Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp. Hôm nay, cô cùng anh Diện - Bí thư Chi bộ bản Mường Phăng, Hội trưởng Hội Phụ huynh cùng bà con dân bản ra quân trồng hoa trên dải phân cách, đường dẫn vào chân hầm Đại tướng.

Anh Diện bảo: “Gần đến Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, dân bản chúng tôi chuẩn bị trang trí bản làng, đường vào hầm Đại tướng cho thật đẹp để tri ân Đại tướng”.

Hôm nay, hơn 200 người dân Mường Phăng đổ ra đường dọn vệ sinh, trồng cây, cải tạo khuôn viên bồn hoa cây cảnh. Nghe nói không khí này đã diễn ra cả tháng nay, người dân ở các bản xa như: Co Líu, bản Bua, bản Mon cũng về tham gia đóng góp ngày công. Học sinh các trường học và người dân ở các xã lân cận như Pá Khoang, Nà Nhạn cũng mang hoa về trồng, cùng góp ngày công để làm đẹp con đường dài 3km từ Trung tâm xã Mường Phăng dẫn đến chân hầm Đại tướng.

Không chỉ nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bản làng mới được đầu tư cho giàu đẹp, mà nhiều năm nay, người Mường Phăng đã biết vươn lên thay đổi diện mạo làng, bản, tiến tới giảm nghèo. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo cả xã Mường Phăng chiếm 42,6% thì đến nay đã giảm còn 3 hộ (chiếm 0,02%). Thu nhập bình quân đầu người từ 3,5 triệu đồng (năm 2011) tăng lên 46 triệu đồng/người/năm (năm 2023). 100% các tuyến đường giao thông liên xã, liên bản được nâng cấp, mở rộng; y tế, giáo dục có đầy đủ cơ sở vật chất và 100% bản có đường điện lưới quốc gia; trẻ em được đi học, người gia được chăm sóc…

Về Mường Phăng hôm nay, tôi cảm nhận sự đổi thay từ con đường cho đến nếp nhà bản Thái, bản Mông. Cách giao tiếp của bà con dân bản cũng khác xưa, phần lớn người dân đều biết nói tiếng Việt. Nhiều gia đình còn kinh doanh nhà hàng ăn uống và làm du lịch… Sự đổi thay ấy là nhờ nỗ lực của bà con, sự quan tâm các cấp ủy Đảng, chính quyền và những chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, bà con Mường Phăng nói riêng.

Mường Phăng khoác lên mình một diện mạo nông thôn mới, văn minh và no đủ. Những câu chuyện kể về Đại tướng, về Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 mãi là niềm tự hào của dân bản Mường Phăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những câu chuyện kể bên hầm Đại tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO