Đất đai

Nho Quan (Ninh Bình): Dấu ấn giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc

Anh Tú 14/09/2018 18:01

(TN&MT) - Nho Quan là huyện miền núi duy nhất với nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống và đặc biệt khó khăn của tỉnh Ninh Bình.

Tuy vậy, những năm qua, đời sống của bà con dần được cải thiện nhờ chính sách giao đất, giao rừng để bà con sản xuất nâng cao chất lượng đời sống. 

Nho Quan có 26 xã, 1 thị trấn, trong đó 5 xã đặc biệt khó khăn, 31 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II. Số hộ dân tộc thiểu số 7.443 hộ/43.386 hộ trong toàn huyện (chiếm 17%), chủ yếu là dân tộc Mường (chiếm 98%), còn lại là các dân tộc Nùng, Tày, Thái, Dao, Sán Chay, M Nông, Ê đê,... chiếm 2%.

anh-1_dtts-1-.jpg
Nhò chính sách giao rừng, đời sống của bà con đồng bào DTTS được cải thiện

Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung chủ yếu ở 8 xã, gồm: Xích Thổ, Thạch Bình, Yên Quang, Văn Phương, Cúc Phương... Bà con chủ yếu sống bằng nghề chính là làm ruộng trồng cây mầu (ngô, sắn, mía...), cấy lúa nước trồng rừng. c Ông Đinh Đức Thọ - Trưởng phòng TN&MT huyện Nho Quan cho biết: Trong những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác giao đất, giao rừng và đảm bảo đời sống cho nhân dân như: hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt... Về giao đất, trên địa bàn huyện Nho Quan mới thực hiện việc chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất từ năm 2008, Ban quản lý rừng phòng hộ đã giao về cho UBND các xã có đất rừng quản lý để giao lại cho hộ gia đình, hiện tại có UBND xã Quảng Lạc đã hoàn thiện hồ sơ giao đất rừng sản xuất cho 53 hộ gia đình với diện tích 37,2 ha.

Về giao rừng sản xuất, tính đến tháng 12/2016, trên địa bàn huyện Nho Quan có 548 hộ gia đình, cá nhân được giao rừng sản xuất, trong đó, số hộ là người dân tộc thiểu số là 363 hộ, diện tích giao là 538,5 ha. Về giao bảo vệ rừng phòng hộ: Đến 12/2016, Ban quản lý rừng huyện Nho Quan đã giao khoán bảo vệ rừng cho 263 hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số trên địa bàn 5 xã (Xích Thổ, Quảng Lạc, Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương, Thạch Bình), tổng diện tích giao khoán là 1.280,3 ha.

dat-giao-khoan-la-gi-dat-giao-khoan-co-duoc-chuyen-nhuong.jpg
Nho Quan có 548 hộ gia đình, cá nhân được giao rừng sản xuất, trong đó, số hộ là người dân tộc thiểu số là 363 hộ

Sau khi giao đất, giao rừng, người dân được sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp kết hợp theo quy chế quản lý rừng và được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích được giao, được thuê, bán thành quả lao động, kết quả đầu tư cho người khác. Được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư để bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng.

Được hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ về vốn theo chính sách của Nhà nước để bảo vệ và phát triển rừng và được hưởng lợi ích do các công trình công cộng bảo vệ, cải tạo rừng mang lại. Được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp đối với rừng được giao được thuê nên bà con rất yên tâm đầu tư, sản xuất, từ đó, đời sống ngày một được cải thiện rõ nét.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Nho Quan cho biết: Chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được đẩy mạnh, là bước chuyển căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, gắn quyền lợi và trách nhiệm, tạo điều kiện để người dân bảo vệ rừng, yên tâm quản lý, đầu tư phát triển rừng trên diện tích rừng được giao, góp phần tích cực tới sản xuất lâm sản hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi; nâng cao tư duy kinh tế cho các hộ gia đình, cá nhân; tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, các hộ nghèo. Nâng cao độ che phủ của rừng, tránh gây lãng phí đất đai, tài nguyên trên địa bàn huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nho Quan (Ninh Bình): Dấu ấn giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO