Xã hội

Nghiên cứu các loại hình sinh kế các nhóm hộ nghèo thích ứng với BĐKH

Thúy Nhi 25/07/2023 - 11:12

Sau 1 năm triển khai giai đoạn 2 dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của các nhóm hộ nghèo thông qua các loại hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu” tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu góp phần tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số tại địa bàn dự án thông qua việc áp dụng các giải pháp nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng và nhóm tiết kiệm tự quản thôn bản.

Theo Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA), từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2022, với sự hỗ trợ của tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BfdW) và tổ chức AoP, Viện CISDOMA đã phối hợp cùng UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) triển khai thành công dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của các nhóm hộ nghèo thông qua các loại hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu” trên địa bàn 3 xã thuộc huyện Tam Đường. Các loại hình sinh kế do dự án hỗ trợ triển khai như nuôi ong mật, nuôi lợn bản địa, trồng cỏ nuôi cá, trồng nấm rơm, du lịch cộng đồng… đã góp phần nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và thu nhập cho người dân cũng như tạo được sự gắn kết cộng đồng trên địa bàn dự án.

Để duy trì và nhân rộng kết quả của dự án, Viện CISDOMA và UBND huyện Tam Đường đã xây dựng đề xuất và vận động tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BfdW) và AoP tài trợ giai đoạn 2 từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2025, trong đó mở rộng thêm 3 xã. Trong giai đoạn 2 dự án, Viện CISDOMA sẽ phối hợp cùng các đơn vị chức năng huyện tiếp tục thúc đẩy các giải pháp nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng và nhóm tiết kiệm tự quản thôn bản (VSLA).

343147842_929730874931150_2018980253504904511_n(1).jpg
Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Đường đang hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc cây mắc ca tại các đồi chè. (Ảnh ST)

Hướng tiếp cận nhằm thúc đẩy du lịch cộng đồng được chia thành 3 giai đoạn gồm: i) Khảo sát và lập kế hoạch (Xây dựng kế hoạch phát triển DLCĐ cho từng bản; Thiết kế các tour trải nghiệm chi tiết; Thúc đẩy thành lập Ban quản lý DLCĐ, các tổ nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng tại các bản); ii) Các hoạt động hỗ trợ phát triển DLCĐ tại bản (Các khóa tập huấn nâng cao năng lực về dịch vụ du lịch; Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để các gia đình và cộng đồng cải tạo cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ du lịch; Hướng dẫn hộ gia đình xây dựng kế hoạch đầu tư để vay vốn ngân hàng; Xây dựng các hướng dẫn phát triển DLCĐ tại bản; iii) Các hoạt động truyền thông và kết nối thị trường (Chương trình tour trải nghiệm kết nối khách hàng và thị trường; Thiết kế các video, áp phích truyền thông quảng bá).

Hoạt động VSLA dự án phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ địa phương triển khai theo các bước sau: i) Lựa chọn các cán bộ Hội để tập huấn trở thành hạt nhân nòng cốt; ii) Các hạt nhân nòng cốt cùng với dự án thành lập và duy trì các nhóm VSLA tại thôn bản; iii) Thúc đẩy ứng dụng CNTT trong hoạt động của nhóm VSLA.

Với việc triển khai giai đoạn 2 dự án, kỳ vọng sẽ góp phần tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số tại địa bàn dự án thông qua việc áp dụng các giải pháp nông nghiệp sinh thái, du lịch cộng đồng và nhóm tiết kiệm tự quản thôn bản.

Theo Viện CISDOMA sau 1 năm hoạt động, Dự án đã thu được nhiều kết quả. Cụ thể về phân tích về thực trạng và tiềm năng của quá trình chuyển đổi nông học: tháng 10/2022 đã thực hiện khảo sát xây dựng thuyết minh triển khai các mô hình nông nghiệp theo hướng sinh thái với sự tham gia của 164 người (96 nữ) là cán bộ chức năng,chính quyền và người dân địa phương. Báo cáo khảo sát và thuyết minh 06 mô hình đã được xây dựng và thống nhất. Tháng 2 năm 2023 đã thực hiện khảo sát đầu kỳ dự án với sự tham gia của 400 hộ dân và cán bộ địa phương (nữ chiếm42,3%). Báo cáo khảo sát đã được xây dựng để làm căn cứ so sánh kết quả khi kết thúc dự án và xây dựng các công cụ giám sát, đánh giá dự án. Tháng 5 năm 2023 đã thực hiện khảo sát hoạt động sản xuất nông nghiệp của 02 bản du lịch để góp phần phục vụ mục đích phát triển du lịch với sự tham gia của 35 người dân (03 nữ). Báo cáo khảo sát đã được xây dựng để bổ sung cho kế hoạch phát triển du lịch tại 02 bản giai đoạn 2023-2025.

Đặc biệt, từ ngày 14-19/02/2023 đã triển khai các cuộc họp thành lập các nhóm nhóm nông dân phát triển sinh kế tại thôn bản. Tổng số có 23 Nhóm phát triển sinh kế đã được thành lập với 545 thành viên (200 nữ). Các nhóm phát triển sinh kế đã được biết về cách tiếp cận thực hiện các mô hình/giải pháp can thiệp của dự án, các mô hình/giải pháp dự kiến triển khai tại bản. Các nhóm cũng đã thảo luận thống, nhất quy chế nhóm, bầu chọn trưởng nhóm, phó nhóm, kế hoạch của nhóm để triển khai các mô hình phát triển sinh kế theo hướng sinh thái.

Đã hợp tác với Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) biên soạn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật triển khai 06 giải pháp nông nghiệp sinh thái phù hợp với địa phương. Trong mỗi giải pháp hướng dẫn các kỹ thuật trồng trọt (lúa, cây ngô, cây rau, cây ăn quả ôn đới, cây chè), kỹ thuật chăn nuôi (trâu bò, lợn, gà), các kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại theo hướng sinh học, tạo nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng, tạo nguồn thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu sẵn có, xử lý chất thải chăn nuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu các loại hình sinh kế các nhóm hộ nghèo thích ứng với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO