Từ thị trấn Anh Sơn, tôi theo chân anh Đặng Đình Luận – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Anh Sơn để vào xã Hùng Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Trên, xe dù đã nghe anh Luận kể nhiều về “lịch sử” của vùng đất này nhưng khi đặt chân tới nơi vẫn khiến tôi không khỏi bất ngờ.
Vừa đến trung tâm xã, trụ sở làm việc xã Hùng Sơn khang trang, sạch đẹp hiện ra trước mắt. Vừa bước vào cổng, do đã có hẹn trước nên ông Trần Minh Hoàn – Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn hồ hởi tiếp đón. Chưa kịp nghỉ chân uống nước, tôi đề xuất ông Hoàn cho đi “thăm” các đồi chè luôn cho “nóng”…
Vùng đất khô cằn, sỏi đá Hùng Sơn nay được bao phủ bởi những đồi chè xanh mát. |
Hăm hở theo chân ông Hoàn, anh Luận lên đỉnh đồi chè thuộc xóm 5 giữa cái nắng chang chang. Phóng tầm mắt ra xa, những đồi chè mênh mong, xanh mướt đã xua đi cái nắng oi ả của miền Tây xứ Nghệ.
“Chỉ cách đây độ 2 chục năm về trước, những quả đồi xanh mướt này chỉ toàn cây cỏ dại. Sau đó bà con có trồng sắn và một số cây khác nhưng năng suất cũng rất thấp. Có giai thoại rằng, con gái các xã khác thề rằng: “Lấy chồng về mô cũng được, chứ không làm dâu Hùng Sơn”. Xưa, nói về Hùng Sơn là nói về vùng đất nghèo khó, xã bị cô lập với đường quốc lộ 7 bởi con sông Lam, đò giang cách trở. Người Hùng Sơn quanh năm lam lũ nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc” – Ông Hoàn, nhớ lại thuở “hàn vi”.
Tìm gặp những người “không đủ ăn, đủ mặc” năm xưa, ai cũng lắc đầu ngao ngán cho cái thời “một phần cơm, ba phần sắn”. Bà Trần Thị Lý, hiện là Giám đốc HTX chè Minh Sáng ở xóm 5 chỉ vào cậu con trai đang học đại học mà rằng: “Năm xưa sinh nó ra, tôi không đủ sữa cho con bú, phải hoà đường vào nước cơm cho ăn. Chỉ toàn sắn với khoai thì đào đâu ra sữa cho con cơ chứ”.
Bà con Hùng Sơn thu hái chè. |
Còn ông Võ Văn Đồng – chồng bà góp vào câu chuyện: “Không nhắc đến thì thôi, đã nhắc đến là khó cầm lòng được. Thời chúng tôi, mấy đứa được đi học cấp 3 đâu, tôi học xong lớp 7 coi như là học cao lắm rồi. Đất đai ít, lại thiếu nước tưới, quanh năm khô cằn, thế là đói ăn triền miên, đói truyền đời. Nhận được quả đồi thì đất cứng như đá, nhiều hôm mệt quá, đứng chống cuốc mà nước mắt cứ tuôn ra…thật sự quá bế tắc”.
Cùng góp vào quá khứ “đau khổ” với vợ chồng ông Đồng, ông Nguyễn Văn Nghị ở cùng xóm hồi tưởng: Tôi rời quân ngũ, về đi hỏi vợ có ai thèm lấy đâu, nguyên nhân là nhà mình nghèo quá. Cũng có vài o ưng mình, nhưng khổ nỗi là bố mẹ họ lại cấm cản. Người ta nói, về chi cái xứ chó ăn đá, gà ăn sỏi ấy.
“Nhưng mà tui không trách chi họ cả, ngược lại, những lời chê bai ấy đã cho tui thêm nghị lực để cố gắng làm lụng để thoát khỏi cảnh cơ hàn thuở ấy” – ông Nghị đã rạng rỡ trở lại.
Nói đoạn ông Nghị nhâm ly trà rồi tiếp: “Hùng Sơn chúng tôi đổi đời là nhờ cái anh chè xanh này đấy. Các chú uống đi rồi biết, chát trước, ngọt sau, lại ngọt lâu, như con người Hùng Sơn vậy đó. Như nhà bà Lý, ông Đồng đây, ngày xưa đói như rứa mà giờ thì chi cũng có. Chè cả đấy. Chè xây nhà, chè mở xưởng, chè mua sắm đồ đạc, chè nuôi 3 đứa con đi học đại học…”.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Anh Sơn và UBND xã Hùng Sơn kiểm tra đồi chè ở xóm 5. |
Thành quả sau nhiều năm là vậy, nhưng theo bà Lý thì cũng không “dễ ăn” thế đâu, nhất là thời kỳ đầu, khi chưa có vốn, chưa có máy móc thì cực lắm. Hai vợ chồng sấp mặt từ sáng đến tối mới xong được nửa luống chè.
Hồi đó, phải mang chè xuống tận nhà máy dưới xã Long Sơn mới bán được, những vài chục chục cây số, lại phải qua đò. Vất vả lắm. Đó là chưa kể gặp năm nắng hạn, chè chết hàng loạt. Cứ nắng ngày nào là ruột nổ đôm đốp ngày đó.
Được vài ba năm nay, thời tiết tương đối thuận hoà nên cây chè phát triển tốt. Khổ thế, năm nay không hạn thì lại gặp phải dịch Covid-19, chè đạt năng suất cao nhưng giá lại xuống quá thấp hơn bình thường vì không xuất được hàng.
Dịch Covid-19 đang nóng ở khắp cả nước cũng không đẩy lùi được sự háo hức của chúng tôi về với “vùng đất chết” đã vươn mình “sống lại” một cách kỳ diệu. Bà Lý là hộ đầu tiên đến với cây chè ở vùng đất khó Hùng Sơn. Bà Lý kể: Gia đình tôi là hộ đầu tiên xung phong thí điểm trồng chè này. Người ta nói là biết “đi tắt đón đầu”, nhưng thú thật là hồi đó đói quá, có chủ trương của cấp trên, mình tin nên làm. Năm đầu – 2003, gia đình chúng tôi trồng được gần 2 ha. Từ trồng chè, nồi cơm đã bớt độn sắn, con cái có tiền đi học hành với chúng bạn… phấn khởi quá.
Võ Văn Đồng đang làm các công đoạn sấy chè tại HTX chè Minh Sáng. |
Cứ thế, mỗi năm diện tích chè lại tăng thêm một ít. Chè cho thu hoạch 6-7 vụ một năm tùy thuộc thời tiết và khả năng chăm sóc. Một ha chè đạt 30-35 tấn chè búp tươi. Mỗi tấn ở thời điểm hiện tại có giá là 3,5 triệu đồng, còn như năm 2019 thì giá chè “đạt đỉnh” với hơn – 5 triệu đồng. Hiện gia đình tôi trồng được hơn 3 ha, còn phần lớn thời gian là tập trung cho khâu chế biến.
“Chè Hùng Sơn rất thơm ngon, nhưng chưa có tiếng trên thị trường. Bà con chủ yếu bán chè tươi cho các xưởng sơ chế mà không đầu tư làm chè sạch. Từ đó tôi quyết tâm thành lập HTX, mở xưởng chế biến để nâng cao giá trị cho chè Hùng Sơn. HTX chúng tôi có 7 thành viên, từ khâu trồng trọt, chăm bón, thu hái, chế biến đều làm theo đúng quy trình VietGAP, được kiểm tra và đánh giá hàng năm” – Bà Lý nói nguyên nhân vì sao lại thành lập HTX do chính mình làm giám đốc.
Chè Hùng Sơn rất thơm ngon, nhưng chưa có tiếng trên thị trường. Bà con chủ yếu bán chè tươi cho các xưởng sơ chế mà không đầu tư làm chè sạch. |
Để xây dựng được xưởng chế biến chè như bây giờ, gia đình bà Lý không chỉ đầu tư tiền bạc lên đến hàng tỷ đồng mà phải cử chồng “khăn gói” ra tận đất chè Thái Nguyên để học nghề. Sau 6 tháng ròng rã đi “du học”, tưởng “ngon lành” rồi, thế mà mất 2 năm lỗ ngược lỗ xuôi mới có được hộp chè mang thương hiệu Minh Sáng như ngày hôm nay.
Ông Đồng kể về quãng thời gian đi “du học” của mình: “Nói là đi học chứ thực ra chẳng khác gì đi làm thuê, vất vả đủ đường. Nhưng, lòng cứ bảo dạ, không học sẽ không thành công nên tôi quyết tâm khổ mấy cũng chịu. Khó nhất là bí quyết làm săn búp, nước thắm màu xanh mà vẫn giữ được hương thơm đặc trưng của chè. Đây là khâu quyết định chất lượng chè xanh. Học xong, về háo hức đứng máy, nào ngờ thất bại hoàn toàn. Hai năm trời, tôi đã phải đổ đi không biết bao nhiêu là chè. Thế rồi, bí quyết cũng đã được tìm ra. Đó là yếu tố nhiệt độ sấy ngay khi cho chè vào máy…đây là “bí mật nghề nghiệp” nhé!” – ông Đồng chia sẻ.
Vùng đất khô cằn Hùng Sơn đã “thay da đổi thịt” nhờ trồng cây chè. |
Bà Lý vui mừng nhìn quanh xóm làng nói: Bà con chúng tôi ở đây chẳng khác gì công chức, tháng nào cũng có tiền đều đều, nhà ít nhất mỗi tháng cũng có chục triệu đồng chứ chẳng ít. Trẻ con ở xã này, đứa nào cũng được học hành tử tế, không như thời chúng tôi. Lớn lên, đứa nào không đi đại học thì cũng học nghề, tệ lắm ở nhà làm chè cũng không lo bị đói. Tiền từ chè cả đấy. Chè hấp dẫn đến mức, nhiều nhà đang khai thác sớm rừng keo lai để chuyển nhanh sang trồng cây chè.
toàn xã Hùng Sơn có hơn 600ha chè, hơn 10.000 tấn chè các loại được tiêu thụ, doanh thu đạt gần 40 tỉ đồng. |
Ông Trần Minh Hoàn – Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, phấn khởi cho biết: “Hiện nay toàn xã có hơn 600ha chè, hơn 10.000 tấn chè các loại được tiêu thụ, doanh thu đạt gần 40 tỉ đồng. Từ ngày có cây chè, đời sống bà con xã Hùng Sơn đã nâng cao rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người cao nhất toàn huyện, hơn 53 triệu đồng/người. Tới đây, đập nước Hùng Sơn được xây dựng, những quả đồi kia sẽ thành những đảo chè quyến rũ du khách thập phương. Còn trước mắt chúng tôi đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, chú trọng vào đường sá và tiêu chí môi trường như làm cống thoát nước, thùng đựng rác thải và trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp. Hiện, toàn hệ thống chính trị đang quyết tâm cuối năm 2021 này sẽ về đích”.