Xã hội

Hạnh Phúc chuyển mình làm du lịch

Thanh Ngà 07/09/2023 11:23

(TN&MT) - Mang tên thôn Hạnh Phúc nhưng ở đây 3 không, không điện, không thông tin, không hạ tầng...đói nghèo đeo bám quanh năm với những con người lầm lũi sống dưới chân núi nơi bản nhỏ. Thế rồi, phong trào xây dựng nông thôn mới tràn về, thôn có điện, có đường, người dân bắt đầu suy nghĩ đến việc làm du lịch sinh thái cải thiện kinh tế gia đình. Hướng đi mới đã làm thay đổi toàn điện thôn bản heo hút ngày xưa, trả lại cuộc sống đúng như tên của nó...Hạnh Phúc...!

Hạnh Phúc không còn “đói” điện

Lần đầu tôi tới thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là dịp diễn ra Hội nghị đánh giá mô hình điểm “thôn hạnh phúc”. Hội nghị được thôn chọn tổ chức đúng vào ngày 28/6 - Ngày Gia đình Việt Nam. Ở đây, tôi được tham gia các hoạt động vui chơi cùng người dân, được mắt thấy tai nghe những đổi thay trên quê hương Hạnh Phúc.

Mô hình “Gia đình hạnh phúc”, “Khu dân cư hạnh phúc”, “Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”… được tỉnh Yên Bái phát động triển khai tới các địa phương nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.

z4496231684281_b118ae3793f48ca0d5bffd453f2b2526(1).jpg
Người dân phấn khởi tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6)

Chứng kiến không khí vui tươi của ngày hội, anh Nguyễn Văn Phú - Trưởng thôn Hạnh Phúc không khỏi bồi hồi khi nhắc lại quãng thời gian chật vật đã qua. Theo lời anh kể, trước đây cuộc sống của người dân vất vả lắm, do điều kiện giao thông khó khăn nên hơn 300 hộ dân trong thôn đều chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Không có điện thì không thể phát triển kinh tế được, người dân cũng “đói” tinh thần vì không thể sử dụng các phương tiện nghe nhìn. Những ngày ấy, “đói” điện đã kéo theo đủ các loại “đói” của bà con...

“Lúc cả thôn chưa có điện, bà con phải lấy ánh sáng từ bếp củi và đèn dầu “làm điện” để phục vụ sinh hoạt. Tối đến, cả làng tù mù trong ánh sáng đèn le lói. Không có điện thì không được xem tivi như người dân nhiều thôn khác nên người làng mình “đói” thông tin lắm. Trong làng có vài nhà mua được đài lắp pin để nghe tin tức nhưng đài nhỏ thì không đủ cho cả nhà nghe mà đài to thì tốn nhiều pin. Thường đêm xuống là lũ trẻ trong thôn đi ngủ sớm chứ chẳng thể học hành gì được. Giờ có điện người dân phấn khởi lắm, nhiều nhà đã mua được ti vi, tiếp cận được thông tin là thêm phần mở mang đầu óc, đời sống của người dân dần được nâng lên”, anh Phú tâm sự.

z4470216700925_156ea99720a474d1fbeccf4a827a8347.jpg
Đời sống văn hoá tinh thần ngày được nâng lên

Thế rồi niềm vui đã đến khi thôn được huyện chọn triển khai mô hình điểm xây dựng “Thôn hạnh phúc”. Được sự hỗ trợ của UBND huyện Văn Yên, chính quyền và người dân Hạnh Phúc đã từng bước nỗ lực hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới với hy vọng cuộc sống sẽ đổi thay, thôn được sử dụng điện lưới quốc gia và thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Qua hơn một năm triển khai xây dựng mô hình, diện mạo nông thôn mới đã hình thành trên vùng quê Hạnh Phúc, đời sống của người dân trong thôn được nâng lên. Đến nay, trong tổng số 328 hộ của cả thôn, có 216 hộ có mức sống khá và giàu; 61 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18%. Thôn phấn đấu tiếp tục giảm 32 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,6% vào cuối năm 2023.

a3.jpg
Bà Lã Thị Liên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên tham gia các hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) cùng người dân thôn Hạnh Phúc

Là địa phương giàu tiềm năng với cảnh đẹp, không khí trong lành mát mẻ, có dòng thác Khe Chè với 2 tầng thác lớn và các điểm thác nhỏ cùng những phiến dá dọc khe xanh mát. Cùng với đó là các sản phẩm nông sản và ẩm thực đặc trưng có thể phát triển thành sản phẩm du lịch như: Gà, lợn bản địa, cá suối, ốc suối, thịt trâu sấy, măng đắng, rau rừng, xôi ngũ sắc, bánh lẳng…Bên cạnh đó, trang phục dân tộc, các nhạc cụ, đạo cụ và những làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian độc đáo luôn được quan tâm, phục dựng, duy trì, bảo tồn và phát huy thông qua các hoạt động văn hóa quần chúng và lễ hội. Với những thế mạnh đó, huyện và xã đang tập trung xây dựng điểm Du lịch sinh thái Hạnh Phúc để phát triển kinh tế dựa vào thiên nhiên.

Làm du lịch để bảo vệ môi trường

Trở lại thôn Hạnh Phúc lần này, tôi thực sự vui mừng khi chính mô hình điểm của thôn đã góp phần kích cầu để địa phương phát triển mô hình Hợp tác xã (HTX) du lịch sinh thái - một trong bốn HTX du lịch sinh thái mà huyện Văn Yên xây dựng.

Đón tôi từ Trung tâm huyện tới thôn Hạnh Phúc để “chia vui” trong lễ ra mắt HTX du lịch sinh thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Lã Thị Liền chia sẻ: Đối với những địa phương có tiềm năng như thôn Hạnh Phúc, huyện sẽ tạo điều kiện để phát triển du lịch. Tuy nhiên, quan điểm của huyện là hạn chế tối đa tác động đến môi trường sinh thái, vì thế, du lịch sinh thái là hướng đi được ưu tiên lựa chọn…

a2(1).jpg
Thôn Hạnh Phúc với cảnh đẹp, không khí trong lành mát mẻ, có dòng thác Khe Chè với 2 tầng thác lớn và các điểm thác nhỏ cùng những phiến dá dọc khe xanh mát

Sau thời gian khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, Đại hội Đảng bộ xã Tân Hợp lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã Quyết nghị xây dựng điểm du lịch sinh thái - cộng đồng tại thôn Hạnh Phúc, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ của Đảng bộ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ huyện Văn Yên, Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ xã Tân Hợp và các nghị quyết, kế hoạch chuyên đề của tỉnh, của huyện về phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, ngay từ đầu năm 2022, Đảng ủy xã Tân Hợp đã chỉ đạo UBND xã Tân Hợp xây dựng kế hoạch, quyết tâm đưa mô hình du lịch sinh thái - cộng đồng thôn Hạnh Phúc đi vào hoạt động trong năm 2023.

Du khách đến thăm và trải nghiệm còn được thưởng thức nhiều món ăn của người dân bản địa

Ông Triệu Quốc Toản - Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết: Đảng ủy, UBND xã đã lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai vận động nhân dân tham gia HTX, tổ chức cho các thành viên HTX đi tham quan học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng; hướng dẫn HTX mở rộng và chỉnh trang tuyến đường vào điểm du lịch sinh thái, xây dựng nhà sàn sinh hoạt cộng đồng, xây dựng bể nuôi cá tầm; cải tạo bãi tắm, lối lên thác, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về mô hình du lịch…

Sau khi được triển khai về cách làm du lịch, người dân dần thay đổi nhận thức trong nếp sống, nhất là việc tạo cảnh quan môi trường, đường làng ngõ xóm được chỉnh trang, đặc biệt, người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước.

Ông Đặng Văn Thiên - 1 trong 7 thành viên thành lập nên HTX Du lịch Hạnh Phúc chia sẻ: “Ngành nghề kinh doanh chính là phát triển mô hình du lịch cộng đồng, gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá đặc sắc của các dân tộc. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện Văn Yên và xã Tân Hợp, thời gian qua, các hộ gia đình trong HTX chúng tôi đã quyết tâm, tập trung cao độ hoàn thành các phần việc, hạng mục xây dựng điểm du lịch sinh thái - cộng đồng theo kế hoạch đã đề ra, hiện nay đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch”.

Một trong những lý do thành lập HTX được ông Thiên chia sẻ, đó là, ông mong muốn người dân cùng nhau làm du lịch để có thêm thu nhập thay vì lên rừng chặt cây lấy gỗ bán. Làm du lịch để cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước phục vụ người dân và du khách.

“Giờ chúng tôi có thể phục vụ được khoảng 100 du khách cùng lưu trú. Tới đây, du khách sẽ được tham quan, tắm thác, du lịch mạo hiểm, leo núi. Sau khi tham quan trải nghiệm, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn đặc trưng của người bản địa như: Cá nướng, gà nướng, ốc suối, rau rừng...”, ông Thiên phấn khởi chia sẻ.

13a.jpg
HTX Du lịch thôn Hạnh Phúc có thể phục vụ khoảng 100 du khách cùng lưu trú

Cũng nhờ làm du lịch mà người dân biết quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường. Chị Hoàng Thị Hương, người dân sinh sống ở thôn Hạnh Phúc cho biết: “Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền vận động bà con vệ sinh, quét dọn các tuyến đường trong thôn, dọn dẹp khơi thông rãnh thoát nước, trồng cây xanh, trồng hoa tạo cảnh quan môi trường. Không những vậy mọi người cùng nhau tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước để đảm bảo môi trường, cảnh quan phục vụ cho người dân và du khách”.

Bên cạnh những thành quả bước đầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Lã Thị Liền vẫn còn nhiều trăn trở. Bởi Hạnh Phúc là thôn còn nhiều khó khăn về mọi mặt, đường sá đi lại còn khó khăn, cách làm du lịch chưa bài bản như các điểm du lịch khác của huyện. Tuy nhiên, với quyết tâm giúp địa phương thoát nghèo bền vững, thời gian tới, huyện sẽ có những chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch, đặc biệt là thôn Hạnh Phúc, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về du lịch, hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông, tạo điều kiện để du lịch của Văn Yên phát triển. Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lã Thị Liền: “Phát triển du lịch phải trên cơ sở bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, giữ gìn vệ sinh môi trường và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá bản địa. Có như vậy thì mô hình “thôn hạnh phúc” mới thực sự mang hạnh phúc cho dân”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạnh Phúc chuyển mình làm du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO