Môi trường

Giữ môi trường làng nghề, ổn định việc làm vùng nông thôn

Khánh Ly 02/11/2023 - 16:39

(TN&MT) - Làng nghề đóng vai trò quan trọng đối với việc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Mặc dù vậy, sự phát triển “nóng” trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao, khó kiểm soát, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của làng nghề.

Đóng góp giảm nghèo cho địa phương

Theo Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), cả nước có 1.951 làng nghề (trong đó có 1.062 làng nghề và 889 làng truyền thống) đã được công nhận theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP. Tính riêng làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) đã chiếm gần 85% tổng số làng nghề.

Tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất trong làng nghề CN-TTCN của cả nước năm 2022 đạt khoảng hơn 55.000 tỷ đồng, tăng 13,75% so với năm 2018. Các làng nghề giải quyết việc làm cho hơn 1,2 triệu lao động, tăng 1,27% so với năm 2018. Trong đó, số lao động thường xuyên chiếm 75%, lao động thời vụ chiếm 25%, chuyên gia có tay nghề cao là 2.994 người.

Lao động trong các làng nghề chủ yếu là người cao tuổi, lao động nông nhàn, lao động từ các khu công nghiệp trở về và những lao động yếu thế tại địa phương. Tính chung thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng.

anh-1(3).jpg
Làng nghề ngày càng phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho người dân

Hình thức tổ chức sản xuất hiện nay trong các làng nghề CN-TTCN chủ yếu vẫn là sản xuất tại các hộ gia đình, với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nhưng đang có xu hướng chuyển mạnh sang các mô hình tổ chức liên kết sản xuất.

Ở nhiều địa phương đã hình thành hệ thống các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư liên kết với các hộ gia đình, làng nghề trong cung ứng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làm tăng nhanh sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người lao động và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Điển hình tại tỉnh Ninh Bình và Vĩnh Long đã hình thành một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng mây tre đan, liên kết với hàng trăm làng nghề, hàng chục nghìn hộ gia đình để đào tạo nghề, cung cấp nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể nói, việc phát triển làng nghề nói chung, làng nghề CN-TTCN nói riêng đã góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động trong các làng nghề cao hơn gấp 2-3 lần lao động thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực có làng nghề thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước, qua đó, góp phần ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Lợi ích của việc phát triển làng nghề không chỉ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa lâu dài. Điểm chung của nhiều làng nghề là thường nằm trên các trụ giao thông đường bộ hay đường sông. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các điểm/tuyến du lịch lữ hành. Ngoài những lợi thế như cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, nét văn hóa đặc sắc, các làng nghề còn có sức hút đặc biệt bởi mỗi làng lại gắn với một vùng văn hóa hay hệ thống di tích lịch sử.

anh-2(1).jpg
Tiềm năng phát triển du lịch tại làng nghề sẽ góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của nhóm ngành công nghiệp/dịch vụ của địa phương

Bên cạnh đó, khách tham quan còn được tận mắt theo dõi quá trình sản xuất ra các sản phẩm, thâm chí là tham gia thực hành vào khâu sản xuất nào đó, chính điều này tạo nên sức hấp dẫn của du lịch làng nghề. Tiềm năng phát triển du lịch tại làng nghề sẽ góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của nhóm ngành công nghiệp/dịch vụ của địa phương.

Khuyến khích cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường

Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển hoạt động sản xuất tại làng nghề cũng đặt ra nhiều thách thức. Đặc biệt, môi trường làng nghề đang nổi lên như một vấn đề cấp bách, nóng hổi. Cùng với việc gia tăng phát triển cả về số lượng làng nghề và loại ngành nghề, ô nhiễm môi trường cũng ngày càng tăng, nhiều nơi vượt quá tầm kiểm soát của các cấp chính quyền. Nhận thức được vấn đề đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề.

Ở góc độ văn bản qui phạm pháp luật, Luật Bảo vệ môi trường các năm 2005, 2014, 2020 và hàng loạt văn bản dưới luật đã nêu trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của các bên liên quan trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề, từ Trung ương đến địa phương. Một số địa phương có làng nghề cũng đã chú ý đến việc ban hành các văn bản liên quan nhằm cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ ở địa phương mình. Mặc dù thực tế triển khai đã đạt những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập chưa thể giải quyết ở các mức độ và cấp quản lý khác nhau. Nếu chỉ áp dụng luật pháp thì công tác kiểm soát ô nhiễm tại các làng nghề khó mang kết quả mong đợi hướng tới ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương.

anh-3(1).jpg
Khắc phục các vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ giúp làng nghề phát triển bền vững

Một trong những giải pháp được chú trọng hiện nay là triển khai mạnh mẽ công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường làng nghề, huy động sự tham gia tích cực của chính những người sản xuất và người dân sống tại làng nghề. Người gây ô nhiễm phải đóng góp hoặc trả kinh phí cho việc khắc phục ô nhiễm môi trường theo Nghị định số 53/2020/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu.

Bên cạnh việc áp dụng các quy định pháp luật, các ban ngành, đoàn thể địa phương có thể huy động người dân tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nơi sản xuất, nơi sinh hoạt, đường làng ngõ xóm; tận thu chất thải sản xuất như xây hầm biogas, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc, phân bón hữu cơ...

Hương ước làng xã cũng là công cụ quản lý môi trường hữu hiệu ở nông thôn. Theo Trung tâm Truyền thông TN&MT, hương ước bao gồm các quy định chung mang tính nguyên tắc về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân tại địa phương. Trong đó hoàn toàn có thể lồng ghép vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường như: thu gom, xử lý chất thải rắn; thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất; xử lý khí thải, tiếng ồn... Điều này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, tính tự giác, tạo lập thói quen để người dân có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời, nắm bắt kịp thời thực trạng và nguy cơ ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất gây ra để có biện pháp xử lý giờ đầu. Qua đó, ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ các hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tại làng nghề.

Bộ TN&MT cũng đã ban hành Sổ tay Xây dựng mô hình tổ chức quản lý bảo vệ môi trường làng nghề. Đây là tài liệu hướng dẫn cụ thể cho các làng nghề cấp xã xây dựng mô hình tổ chức quản lý bảo vệ môi trường, giúp cơ quan quản lý Nhà nước cấp xã và người làm chính sách về môi trường làng nghề, các hộ trực tiếp sản xuất, tổ tự quản bảo vệ môi trường cấp xã có căn cứ áp dụng trong thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ môi trường làng nghề, ổn định việc làm vùng nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO