Đất đai

Điện Biên khắc phục thực trạng chồng lấn, khó quy chủ đất lâm nghiệp

Trần Hương 21/08/2023 - 20:43

(TN&MT) - Một trong những tồn tại kéo dài rất nhiều năm qua tại Điện Biên là việc giao đất, giao rừng nhưng không bàn giao ngoài thực địa, dẫn đến chồng lấn, khó quy chủ và người dân không xác định được đất, rừng của mình đến đâu. Để khắc phục tồn tại, Điện Biên đã đề ra giải pháp cho soát lại toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh để làm cơ sở quy chủ giao đất, giao rừng và cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp cho dân.

Giải pháp đồng bộ…

Để thực hiện được đồng bộ những giải pháp tháo gỡ về công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp (GCNQSDĐ) trên địa bàn toàn tỉnh. Điện Biên đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 có quy chế hoạt động rõ ràng cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên BCĐ. Đồng thời thành lập 02 tổ giúp việc tổ trưởng giao cho Sở NN&PTNT và Sở TN&MT để theo dõi hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đến nay, công tác giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp đang đi đến giai đoạn đua nước rút đã có nhiều kết quả tiến bộ, vượt bậc, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn cần phải nỗ lực trong thời gian tới. Đánh giá vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, cho biết: Tính đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh Điện Biên đã đo đạc 284.362,88ha/359.903,89ha đất lâm nghiệp (đạt 79% kế hoạch). Trong đó đất lâm nghiệp có rừng đã đo đạc được 79.777,5ha/86.486,8ha (đạt 92% kế hoạch); đất lâm nghiệp chưa có rừng 204.221,49ha/273.417,09ha (đạt 74% kế hoạch).

Tại thời điểm này, toàn tỉnh có 8/10 huyện, thị xã (trừ huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ) đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã có rừng với tổng diện tích 33.393,1ha (đạt 38% kế hoạch). Còn 3 huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng với tổng diện tích 13.034,31ha (đạt 4,8% kế hoạch). Có thể nói công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019-2023 trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn chậm so với tiến độ đề ra.

a1(1).jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát giao đất, giao rừng

Nguyên nhân do một số UBND cấp huyện, Ban Chỉ đạo huyện, ủy ban nhân dân cấp xã chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo; phương pháp tổ chức triển khai chưa thật sự phù hợp tình hình thực tế địa phương. Hiện nay, công tác đo đạc thực địa tại một số địa phương còn thấp. Đối với đất lâm nghiệp có rừng: huyện Điện Biên Đông (đạt 47,2% kế hoạch), huyện Điện Biên (đạt 79% kế hoạch). Đất lâm nghiệp chưa có rừng: Thành phố Điện Biên Phủ (mới đạt 28,7% kế hoạch), huyện Điện Biên (đạt 28,3% kế hoạch), huyện Mường Ảng (đạt 56,2% kế hoạch).

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm, đặc biệt đối với đất lâm nghiệp có rừng tại các huyện Điện Biên và Thành phố Điện Biên Phủ đều chưa thực hiện, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng chỉ đạt khoảng 29% kế hoạch. Cùng với đó, công tác tuyên truyền vận động triển khai thực hiện giao đất giao rừng chưa đồng bộ hiệu quả dẫn đến việc người dân chưa đồng tình, ủng hộ đo đạc, quy chủ đất đai. Ban Chỉ đạo cấp huyện, tổ giúp việc chưa thường xuyên sâu sát, phối hợp hỗ trợ đơn vị tư vấn và UBND cấp xã để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tại một số địa phương còn phó mặc cho đơn vị tư vấn thực hiện. Phần lớn người dân chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; tâm lý lo sợ khi giao đất để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp, phát triển rừng thì không được tiếp tục canh tác, sản xuất nương rẫy. Do vậy người dân chưa thực sự ủng hộ, đồng tình việc đo đạc, quy chủ đất lâm nghiệp.

Cần một quyết tâm cao

Nhận định về ý nghĩa trọng việc rà soát lại để làm cơ sở giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong việc thu hút kêu gọi các nhà đầu tư đến Điện Biên đầu tư về lâm nghiệp - nông nghiệp. Khi đất được quy chủ rõ ràng sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng, lành mạnh đảm bảo lợi ích, quyền lợi 3 bên giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị để khắc phục những tồn tại, hạn chế và đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023.

Hiện nay, công tác giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang chậm so với kế hoạch đề ra. Chính vì vậy, BCĐ tỉnh yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo, các tổ giúp việc, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình tiến độ thực hiện công tác giao đất giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời hướng dẫn UBND cấp huyện giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết các nội dung vượt thẩm quyền.

a1(2).jpg

Đối với Ban chỉ đạo cấp huyện yêu cầu rà soát, tiếp tục triển khai thực hiện. Đồng thời, xây dựng bổ sung, hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện để đảm bảo hoàn thành tiến độ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đề ra. Yêu cầu Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo cấp huyện và UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn trong tổ chức thực hiện để xác định nhiệm vụ giao đất giao rừng, cấp giấy GCNQSDĐ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước, của huyện, xã, công tác tuyên truyền của cấp ủy chính quyền địa phương, không phó mặc cho đơn vị tư vấn.

Chúng tôi đề ra mục tiêu từ nay đến tháng 10/2023 cơ bản hoàn thiện được mục tiêu giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh để làm cơ sở nhập dữ liệu quản lý đất đai, tránh lãnh phí tài nguyên đất. Đặc biệt, đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, diện tích chưa sử dụng tại địa phương. - Ông Tiến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên khắc phục thực trạng chồng lấn, khó quy chủ đất lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO