Cần quan tâm và bảo vệ hơn nữa đến đại dương

Mai Đan| 08/06/2020 15:21

(TN&MT) - Theo ông Peter Thompson, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về đại dương, cần tăng cường bảo vệ và quan tâm nhiều hơn đến đại dương khi thế giới đương đầu với đại dịch COVID-19.

Hàng tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào đại dương cho nguồn protein chính của họ

Đại dương đang trong tình trạng như thế nào?

Đại dương đang gặp rắc rối. Khoảng 60% hệ sinh thái biển lớn trên thế giới đã bị suy thoái hoặc đang được sử dụng không bền vững. Chúng ta biết rằng đại dương đang trở nên ấm hơn, đang mất oxy và có tính axit hơn. Những thay đổi này, được thúc đẩy bởi khí thải nhà kính do con người gây ra, đang gia tăng gây nhiều vấn đề cho đại dương, với những tác động lớn đến cuộc sống trên đất liền.

Cần giảm mạnh khí thải nhà kính nếu chúng ta muốn đảo ngược tình trạng suy giảm “sức khỏe” của đại dương.

Tại sao chúng ta nên quan tâm nhiều đến đại dương?

Hàng tỷ người phụ thuộc vào đại dương để có nguồn protein chính và hàng triệu người khác kiếm sống từ biển. Theo ước tính, nghề cá biển cung cấp 57 triệu việc làm trên toàn cầu.

Bao phủ 70% bề mặt trái đất, hấp thụ 25% lượng khí thải CO2 và 90% nhiệt lượng do khí thải nhà kính của chúng ta tạo ra, đại dương là sinh quyển và điều hòa khí hậu lớn nhất hành tinh.

Đại dương tạo ra 50% lượng oxy cho chúng ta và thường được mô tả là “lá phổi” của hành tinh này. Đây cũng là bể chứa carbon lớn nhất hành tinh, khiến nó trở thành một trong những đồng minh lớn nhất của chúng ta khi chúng ta đối mặt với những thách thức của sự nóng lên toàn cầu.

Tuy nhiên, khả năng chống chịu và phục hồi của đại dương không phải là vô hạn và chúng ta không thể hy vọng nó sẽ hấp thụ vô tận những tác động của các hoạt động không bền vững của con người.

Nhiều người cho rằng vấn đề đối với đại dương chính là những rắc rối cho người dân, vì chúng ta sẽ không thể có một hệ sinh thái hành tinh lành mạnh nếu không có một đại dương “khỏe mạnh”.

Khủng hoảng COVID-19 gợi suy nghĩ về cách loài người đối xử với đại dương?

Về mặt này, ông Peter Thomson, đến từ đảo Fiji ở Thái Bình Dương đề nghị các quốc gia suy nghĩ về 6 nguyên tắc mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đặt ra trong Ngày Trái đất 22/4 năm nay. Các nguyên tắc bao gồm chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, người gây ô nhiễm phải trả tiền và đầu tư quỹ công cộng cho các dự án bền vững giúp môi trường và khí hậu trong tương lai.

“Tương lai của sức khỏe con người, hệ thống thực phẩm và kinh tế - xã hội bền vững, năng lượng tái tạo và khí hậu ổn định phụ thuộc vào một đại dương “khỏe mạnh”. Do đó, những thảm kịch phải chịu trong cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ không lặp lại bằng cách quay trở lại các chính sách gây ô nhiễm hành tinh trước đại dịch. Lợi ích tốt nhất của các quốc gia và cộng đồng của chúng ta nằm ở việc đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh, sạch” – ông Thomson nhấn mạnh.

Vào thời điểm này, các quyết định về các cam kết tài chính lớn đang được đưa ra, và trước khi quyết định, chúng ta nên đảm bảo hậu quả của việc “chọn đường tắt” sẽ đưa thế giới phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Dựa vào đại dương để có nhiều nguồn lực khác nhau, nhưng có thể bền vững hơn?

Điều đó hoàn toàn có thể, miễn là chúng ta thực hiện phương pháp phục hồi xanh và dành cho đại dương sự tôn trọng mà nó xứng đáng. Cách tiếp cận này sẽ giúp đảm bảo cân bằng giữa bảo vệ và sản xuất.

Đại dương sẽ cung cấp cho chúng ta tương lai mà chúng ta muốn, có thể thông qua các loại thuốc, dinh dưỡng hoặc các nguồn năng lượng tái tạo tốt hơn. Nghề cá và nuôi trồng thủy sản bền vững, công nghệ sinh học biển, du lịch sinh thái… và hơn thế nữa, những thứ này sẽ cho chúng ta khả năng phục hồi và bền vững mà chúng ta tìm kiếm.

Một nền kinh tế xanh bền vững, có tính đến sự thịnh vượng của đại dương sẽ cho chúng ta một tương lai “khỏe mạnh”, nhưng chỉ khi chúng ta sửa chữa những thói quen xấu trên đất liền.

Làm thế nào để quan tâm đến một quốc gia đang phát triển đảo nhỏ?

Các quốc gia đang phát triển đảo nhỏ (SIDS) đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế toàn cầu và cần được hỗ trợ đặc biệt tại thời điểm này.

Nhiều quốc gia trong số này phụ thuộc chính vào du lịch để kiếm thu nhập và tạo công ăn việc làm. Khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa, cần có sự chú ý khẩn cấp để khôi phục các kết nối du lịch giữa các quốc gia tương thích. Sự nới lỏng tương tự là cần thiết cho thương mại và dịch vụ giữa các quốc gia phù hợp.

Chúng ta phải tập trung vào việc giảm nhanh lượng khí thải nhà kính xuống mức giữ cho sự nóng lên toàn cầu không quá 1,5˚C so với mức tiền công nghiệp. Nếu không có hành động như vậy, chúng ta sẽ đặt sự an sinh của thế hệ loài người trong tương lai vào tình trạng hết sức nguy hiểm.

Đề cập đến mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG 14), một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, ông Thomson cho biết: “Chúng ta có một kế hoạch được thống nhất trên toàn cầu để cứu cuộc sống ở đại dương, điều này cũng sẽ chống lại biến đổi khí hậu và giảm tỷ lệ nóng trên toàn cầu”.

“SDG 14 nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên của đại dương. Được thực hiện cùng với Thỏa thuận khí hậu Paris, việc triển khai SDG 14 và Chương trình nghị sự phát triển bền vững sẽ đưa chúng ta đến tương lai mà chúng ta muốn cho mọi người và cho đại dương” - ông Thomson nhấn mạnh.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quan tâm và bảo vệ hơn nữa đến đại dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO