Sắc màu dân tộc tôn giáo

Bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái ở Quan Sơn

Thanh Tâm 10:44 18/09/2023

Đời sống văn hóa các dân tộc ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) phản ánh sinh động sâu sắc sự đoàn kết chung sống, hòa hợp giữa các dân tộc Thái, Kinh, Mường, Mông... Trong đó dân tộc Thái có lịch sử cư trú lâu đời và có số dân đông nhất huyện Quan Sơn mang nhiều dấu ấn đặc trưng, phản ánh nét văn hóa đặc sắc trải dài theo lịch sử. Để hiểu rõ hơn về những nét nổi bật trong văn hóa của đồng bào Thái, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thơ, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quan Sơn.

PV: Thưa ông, ẩm thực của dân tộc Thái được đánh giá là công phu, độc đáo, thể hiện được những dấu ấn đặc trưng. Ẩm thực của dân tộc Thái ở Quan Sơn có những nét đặc biệt nào?

Ông Lê Văn Thơ: Văn hóa chính là kết quả của quá trình con người tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội. Và thói quen, tập quán trong ăn uống cũng thể hiện sự tương tác này. Ăn uống không chỉ đáp ứng nhu cầu tự nhiên của con người mà còn thể hiện cả nét văn hóa ứng phó với môi trường tự nhiên và xã hội của các nhóm tộc người, cộng đồng người hay dân tộc ở từng vùng miền với những điều kiện địa lý tự nhiên cụ thể. Văn hóa ẩm thực cũng phản ánh tập quán của một cộng đồng biểu hiện trong việc ăn uống, và tập quán ấy chịu sự quy định của hoàn cảnh sống (đặc điểm của nền sản xuất, thiên nhiên, lối sống...), bên cạnh đó cũng thể hiện năng lực sáng tạo của cộng đồng trong những hoàn cảnh nhất định. Qua văn hóa ẩm thực, có thể nhận thấy dấu ấn nông nghiệp trồng lúa nước kết hợp với làm nương rẫy, chăn nuôi và khai thác tự nhiên (săn bắt, hái lượm) trên một vùng rừng núi điệp trùng và một lối sống gắn kết cộng đồng thể hiện rất đậm nét trong văn hóa ẩm thực của người Thái ở Quan Sơn.

Nguồn lương thực làm nên bữa ăn truyền thống của người Thái là gạo nếp, nên cách chế biến các món ăn tinh bột cũng chủ yếu là gắn liền với gạo nếp như xôi và cơm lam. Có thể nhận thấy, các món ăn của người Thái mang dấu ấn tự nhiên rất đậm nét (rau rừng, củ rừng, măng rừng các loại, cá suối, rêu đá, hạt tiêu rừng...) và có thể khái quát công thức món ăn truyền thống của người Thái là “xôi - cá - rau”.

a4.jpg
Món ăn truyền thống của người Thái là “xôi - cá - rau

Theo tập quán của người Thái xưa, khi có khách đến chơi nhà, trước tiên là mời khách uống nước chè, chào hỏi khách, sau đó là mở chĩnh rượu cần. Trước khi uống phải mời thần đi bảo vệ khách (người Thái quan niệm, khách quý sẽ có thần đi theo nên phải mời thần uống trước) sau đó khách cùng chủ nhà và một số anh, em trong bản đến cùng tiếp khách với chủ nhà mới uống.

Rượu cần là món đồ uống vừa thiêng liêng vừa đời thường vừa sang trọng, hiện hữu trong đời sống văn hóa của nhiều tộc người thiểu số. Người Thái coi rượu cần là thứ đồ uống vừa mang tính chất lễ nghi vừa thể hiện tình cảm thân mật, chân thành. Trong các sự kiện quan trọng của đời sống như mừng nhà mới, cưới xin, hội hè, bạn bè gặp nhau... bao giờ cũng phải có rượu cần. Trong các cuộc rượu có tính chất nghi thức, mọi người phải tuân thủ những quy định chặt chẽ. Những người cao tuổi, những người có cương vị xã hội, khách quan nơi xa đến là các đối tượng được “ưu tiên” cầm cần uống lượt rượu đầu.

Trong gia đình người Thái, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, đều có vài ba chiếc sừng trâu được gọt đẽo cẩn thận làm dụng cụ đong nước trong các cuộc rượu. Khi uống rượu cần (trừ lễ tang), người Thái thường hát mời rượu. Người ta có thể vừa uống rượu vừa hát đối đáp, thi tài bằng các lời hát có sẵn hay sáng tác ngẫu hứng.

PV: Thưa ông, trong văn hóa trang phục của đồng bào Thái ở huyện Quan Sơn có dấu ấn đặc trưng như thế nào?

Ông Lê Văn Thơ:

Mỗi một dân tộc đều có sự thể hiện trang phục khác nhau, do nếp sống và sinh hoạt văn hóa chi phối. Khi lên vùng Tây Bắc hay qua miền Tây Thanh Hóa, nét đặc trưng ở những bản mường của đồng bào dân tộc Thái là dựng nhà nằm dài theo các dòng suối, trên những gò đất cao, phía sau là núi và phía trước là cánh đồng lúa. Trong không gian cảnh quan văn hóa đó, nổi bật giữa màu xanh của cây cỏ núi rừng là sắc màu tươi tắn và gần gũi của những bộ trang phục.

Có thể nói, tìm hiểu trang phục Thái là giải mã những thông tin về văn hóa Thái gắn liền với nó. Theo đó, trang phục của đồng bào Thái có vai trò quan trọng trong đời sống tộc người. Trước hết, trang phục Thái là sản phẩm của quá trình lao động, thể hiện sự cần cù, thông minh và sáng tạo. Nó được hình thành trong một môi trường tự nhiên, xã hội và bối cảnh lịch sử cụ thể. Đó là kỹ thuật tiểu thủ công tinh xảo gắn với xã hội tiểu nông và nền kinh tế tự cung tự cấp.

a1.jpg
Trang phục truyền thống của phụ nữ Thái

Để có được sản phẩm đồ mặc, họ phải trải qua rất nhiều quá trình lao động miệt mài, trong đó hai khâu quan trọng nhất là trồng bông và dệt vải. Việc trồng bông của người Thái cũng phải tiến hành theo tập tục: chọn đất, chọn ngày lành tháng tốt để gieo hạt, thu hoạch. Khi có được bông rồi thì thực hiện các việc chọn, nhặt bông, cán bông bật bông, quấn bông, se sợi... Bên cạnh giá trị vật chất thì trang phục của người Thái còn thể hiện những giá trị của bản sắc văn hóa tộc người. Thông qua trang phục, đặc biệt là những hoa văn tinh xảo có được bằng nghề dệt thủ công cho thấy tri thức bản địa của người Thái về lĩnh vực này đã đạt đến trình độ cao.

Như vậy, trang phục có vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của con người, từ sinh hoạt đời thường đến các dịp lễ hội, tết trong gia đình và toàn cộng đồng. Có thể nói, trang phục có ý nghĩa lớn đối với người Thái, nó không chỉ thể hiện nhu cầu đơn giản là “mặc” mà còn gắn bó trong các nghi lễ có ý nghĩa thiêng liêng và sâu sắc. Còn giữ được những nét hoa văn trên trang phục là còn giữ được những nét văn hóa của người Thái.

Do đó, các sản phẩm trang phục hay còn gọi là đồ mặc thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người rõ nét nhất và biểu hiện đặc trưng nhất ở bộ nữ phục.

Về phương diện giữ gìn các giá trị văn hóa tộc người thông qua trang phục thì phụ nữ là những người đại diện tiêu biểu. Đó là lý do mà giới nghiên cứu khi đề cập đến trang phục dân tộc Thái thường đề cập đến trang phục của phụ nữ.

Với người Thái ở Thanh Hóa, áo có hai kiểu cơ bản là kiểu xẻ ngực và kiểu chui đầu, kiểu chui đầu là kiểu cổ hơn. Từ đó cho thấy những chiếc áo của người Thái ở Thanh Hóa còn giữ được những yếu tố cổ xưa. Cúc áo của người Thái xứ Thanh thường đơm các loại cúc phổ thông, không dùng kiểu cúc mác pém như người Thái ở Tây Bắc. Phụ nữ Thái ở vùng Quan Sơn thường mặc áo cóm, chui đầu, thân ngắn ngang lưng, xẻ hai bên vai, chỉ có một khuy hoặc buộc dây vải, nền vải có thể màu đen, xanh chàm, nâu nhạt, nhưng kỵ màu trắng.
Phụ nữ Thái ở Thanh Hóa cũng có khăn trùm đầu. Hai đầu khăn cũng thêu các hoa văn, nhưng không có các cút piêu và đây là một nét khác biệt. Khăn đen hai đầu thêu hoa, khi đội khăn đưa một đầu thêu về phía trước, một đầu thêu về phía sau.

Trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không thể không giữ gìn trang phục. Trang phục có từ lâu đời và gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người tạo nên những nét rất riêng, rất độc đáo. Có thể nói, việc làm ra những bộ trang phục không chỉ đáp ứng nhu cầu mặc của các thành viên trong gia đình mà rộng hơn còn góp phần phát triển kinh tế hộ. Hơn thế nữa, những bộ trang phục Thái ngày nay còn góp phần quảng bá văn hóa của dân tộc tới du khách và bạn bè trên thế giới.

Trang phục là một nét bản sắc văn hóa tộc người cần phải giữ gìn và phát huy giá trị của nó trong bối cảnh hiện nay. Trong quan niệm chung của người Thái, vải vóc bao hàm nhiều ý nghĩa: tượng trưng cho phái nữ, cho cái đẹp; vật dụng dùng suốt cả đời người; tượng trưng cho sự giàu sang trong xã hội truyền thống; phản ánh trình độ kỹ thuật của nghề thủ công.

a2.jpg
Khèn bè là nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái

PV: Thưa ông, đồng bào Thái ở huyện Quan Sơn có lưu giữ và bảo tồn được lối kiến trúc nhà sàn cổ hay không?

Ông Lê Văn Thơ:

Từ Tây Bắc đến miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An, nhà sàn của người Thái là một nét văn hóa tiêu biểu, góp phần làm nên không gian văn hóa Thái. Nhìn vào cấu trúc của mái nhà chúng ta có thể nhận ra được nhà ở của các nhóm Thái địa phương.

Những nét biến tấu trong kiến trúc và kiểu cách nhà ở của người Thái ở Quan Sơn sẽ góp thêm vào kho tàng kiến thức chung về văn hóa vật chất của người Thái ở Việt Nam, trong một khung cảnh văn hóa đang dần thay đổi. Người Thái ở Thanh Hóa nói chung, Quan Sơn nói riêng, nhà ở truyền thống là nhà sàn, nhưng không có khau cút nổi bật ở nóc nhà như người Thái Đen Tây Bắc. Kiểu cổ xưa là nhà sàn cột chôn nên người Thái có câu: “Cồn hườn hạn ván sau”, nghĩa là người ở nhà sàn bản cột - bản nhiều cột, nhà bốn mái bao hồi không có khau cút như nhà ở của người Thái Tây Bắc. Xà dọc chạy suốt, thang lên hai đầu hồi gọi là thang bên ngoài và thang bên trong.

a3.jpg
Nhà sàn truyền thống của người Thái ở Quan Sơn

Về những tập tục tín ngưỡng, kiêng cữ liên quan đến xây dựng nhà, cách bố trí nhà truyền thống, người Thái Thanh Hóa dựa vào các yếu tố tự nhiên để dựng nhà, làm sao ngôi nhà đạt được vị thế vững chãi nhất. Phổ biến nhất là việc dựng nhà dựa theo dòng chảy tự nhiên hoặc đường lượn chân núi. Tức là, với ngôi nhà truyền thống của người Thái Thanh Hóa, người ta chọn sông suối hay thế đất thoáng đãng làm chuẩn.

Theo đó, nếp nhà sàn quay chiều đòn nóc xuôi theo hướng dòng sông chảy tự nhiên. Như thế, quần thể các ngôi nhà nhìn từ trên cao là một sự trải dọc mềm mại thuận theo dòng chảy tự nhiên. Nếu nhà dựng gần vùng núi, hay lưng dựa núi, mặt nhìn ra khu vực thoáng đãng hay dòng sông, ngọn suối thì quay đòn nóc xuôi theo nét lượn của chân núi. Nếu ngôi nhà tồn tại trong một không gian độc lập không tựa núi, nhìn sông thì đặt đòn nóc theo hướng đông hoặc hướng tây tùy theo dòng họ. Trong cả ba cách đặt nhà trên, người Thái kiêng không đặt nóc nhà mình thẳng với nóc nhà khác. Người ta sợ rằng điều đó sẽ là nguyên nhân gây ra bất hòa giữa những người trong cùng làng bản. Mối quan hệ láng giềng trong làng bản người Thái Thanh Hóa có vai trò rất quan trọng.

Đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Thái huyện Quan Sơn còn giữ được nét văn hóa truyền thống từ nhà ở, trang phục đến đời sống sinh hoạt thường ngày. Đây là yếu tố quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng thời làm khăng khít thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn.

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan
  • Vĩnh Lộc (Thanh Hóa): Kiên quyết xử lý việc khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép
    Trong những năm qua, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã thực hiện nghiêm Luật Khoáng sản và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý theo thẩm quyền; chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn. Kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép; làm ô nhiễm môi trường; hư hỏng đường và các công trình giao thông. Nhờ đó, công tác quản lý khoáng sản dần đi vào nề nếp, quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Người Dao Thanh Phán phát triển du lịch tại Bình Liêu, Quảng Ninh
(TN&MT) - Bình Liêu là huyện biên giới ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, có gần 50 km đường biên giới với Trung Quốc. Nơi đây có tới gần 96% đồng bào là dân tộc thiểu số, chủ yếu là Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa… Trong đó người Dao Thanh Phán đông thứ 3 sau Tày và Sán Chỉ.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO