Xã hội

Xây dựng chỉ số hạnh phúc ở Yên Bái: Thước đo sự hài lòng của người dân

Thanh Ngà 07/02/2024 - 18:20

(TN&MT) - Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Yên Bái đã lựa chọn cho mình một hướng đi riêng, mục tiêu nhằm phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Đồng thời, xác định “xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân” là nhiệm vụ trọng tâm, giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển của tỉnh.

dji_0042.jpg

Chất lượng cuộc sống được nâng lên mỗi ngày

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ hạ tầng thiết yếu. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển đô thị, tạo nên mạng lưới giao thông thuận tiện, phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng mới, được mở rộng và nâng cấp, nhiều cây cầu đã nối đôi bờ sông Hồng, sông Chảy, đáp ứng mong mỏi bao đời của người dân, góp phần tạo điều kiện cho giao thông, giao thương phục vụ cuộc sống nhân dân ngày một tốt hơn.

Nhịp cầu nối những niềm vui

Mùa xuân đã đến rất gần, ở đâu đó trên mỗi nẻo đường, mỗi làng quê, hơi thở mùa xuân đã hiện hữu trên những trồi non, lá biếc, trên những cánh hoa còn e ấp và xuân này, niềm vui của người dân huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái được nhân lên khi cây cầu Tô Mậu nối đôi bờ sông Chảy đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ngay từ sáng sớm, người dân hai xã Tân Lĩnh và Tô Mậu, huyện Lục Yên phấn khởi diện những bộ quần áo đẹp nhất, trang trọng nhất để tham gia buổi lễ tham quan và thông xe kỹ thuật cầu Tô Mậu. Điều đặc biệt hơn là sự hiện diện của những cụ già nay đã ngoài 80 cùng con cháu tới tham dự buổi lễ, thậm chí, những em bé mới chỉ vài tháng tuổi cũng được bố mẹ đưa đi để cùng chung niềm vui với người dân trong thôn, trong xã.

Cụ Nguyễn Thị Mặc năm nay 83 tuổi ở thôn Ngòi Thắng, xã Tô Mậu phấn khởi chia sẻ: “Cả cuộc đời sinh ra và lớn lên ở nơi này, chứng kiến sự đổi thay, phát triển của quê hương, đặc biệt khi cây cầu cũ đã hoàn thành sứ mệnh và huyện có một cây cầu mới to hơn, đẹp hơn, bản thân tôi cảm thấy phấn khởi lắm. Từ nay các con, các cháu đi lại thuận lợi hơn rất nhiều”.

Cũng giống như nhiều người dân trong xã khác, ông Phùng Văn Đệnh - Thôn 8, xã Tân Lĩnh cũng gác việc đồng, việc nương, chuẩn bị từ sáng để tham dự lễ tham quan và thông xe kỹ thuật cầu Tô Mậu. “Đây là một trong những sự kiện lớn đối với người dân chúng tôi, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng và phấn khởi, bởi cây cầu mới này đã thỏa lòng mong ước của bao người, bao thế hệ vùng đất này”, ông Phùng Văn Đệnh trải lòng.

bi-thu-tinh-uy-yen-bai-tham-du-ngay-hoi-doan-ket-dan-toc-tai-van-yen.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy dự Ngày hội đoàn kết dân tộc tại Văn Yên

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Tô Mậu có chiều dài 159 mét và đường dẫn hai đầu cầu dài 523m. Phần đường dẫn hai đầu cầu được thiết kế theo quy mô xây dựng đường cấp IV miền núi với nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m; lề đường hai bên mỗi bên 1m. Công trình do Liên danh Công ty TNHH Hiệp Phú - Công ty TNHH Vận tải và Đầu tư xây dựng TLK thi công.

Sau khi rà soát, thống kê công trình xây dựng ảnh hưởng tới 29 hộ gia đình của hai xã Tân Lĩnh và Tô Mậu, chính quyền địa phương hai xã đã tích cực tuyên truyền vận động người dân ủng hộ, tháo dỡ công trình trên đất bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Ông Lương Văn Khiên - Chủ tịch UBND xã Tô Mậu cho biết: Với công trình này, toàn xã có 19 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 6.000m2 đất và 3 hộ gia đình phải tháo dỡ nhà ở để có mặt bằng cho đơn vị thi công. Đặc biệt, các hộ dân đều đồng ý bàn giao đất cho đơn vị thi công mà chưa nhận tiền đền bù.

“Ngay sau khi công trình được triển khai trên địa bàn, xã đã phối hợp với các đơn vị và tích cực tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ để công trình được triển khai đúng tiến độ. Quá trình đơn vị thi công, các tổ chức chính trị đoàn thể của hai xã Tân Lĩnh và Tô Mậu cũng góp nhu yếu phẩm để ủng hộ, động viên anh em công nhân trong những ngày nghỉ lễ cố gắng làm ngày, làm đêm để đạt tiến độ”, ông Lương Văn Khiên chia sẻ.

Cùng với đó, đơn vị thi công nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành vượt tiến độ, đưa công trình vào sử dụng dịp đầu năm mới 2024.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú cho biết: Để xây dựng cây cầu hoàn thành tiến độ trước 6 tháng, đơn vị đã tập trung nhân lực và vật lực để đẩy nhanh tiến độ bằng cách động viên anh em công nhân làm 3 ca, 4 kíp vào thời điểm vượt lũ làm hố móng. Có được kết quả đó là nhờ sự đồng thuận ủng hộ của chính quyền địa phương và bà con nhân dân. Đặc biệt vào những ngày nghỉ lễ dịp 30/4 - 1/5 và dịp 2/9, anh em công nhân vẫn thi công để kịp tiến độ. Việc người dân ủng hộ nhu yếu phẩm thiết yếu cho anh em, đó cũng là động lực để anh em làm việc và hoàn thành sớm tiến độ được giao.

Cầu Tô Mậu hoàn thành và được đưa vào sử dụng đã góp phần hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, bảo đảm kết nối hai bên bờ sông Chảy tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lục Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung. Đồng thời, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, kết nối vùng, liên vùng, mang đến làn gió mới đầy sức sống trên quê hương đất ngọc để Lục Yên phấn đấu cơ bản trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Mô hình “hạnh phúc” được nhân rộng

Nhằm nâng cao đời sống cho người dân, tỉnh Yên Bái đã phát động phong trào thi đua xây dựng, nhân rộng các mô hình “Gia đình hạnh phúc”, “Khu dân cư hạnh phúc”, “Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc”… Đến nay, nhiều địa phương trên toàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai mô hình, người dân đã cảm nhận rất rõ “hạnh phúc” khi chất lượng cuộc sống dần được nâng lên, kinh tế - xã hội ngày một phát triển.

Thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp là thôn được huyện Văn Yên lựa chọn xây dựng mô hình điểm “Thôn hạnh phúc” từ tháng 3/2022. Trước đây, thôn Hạnh Phúc là thôn đặc biệt khó khăn, không có điện lưới quốc gia để sản xuất, việc tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế.

Qua hơn một năm triển khai xây dựng mô hình, đời sống của người dân “thôn Hạnh Phúc” được nâng lên, diện mạo nông thôn mới có nhiều đổi thay. Đến nay, trong tổng số 328 hộ của cả thôn, có 216 hộ có mức sống khá và giàu; 61 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18%. Thôn phấn đấu tiếp tục giảm 32 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,6% vào cuối năm 2023. Đặc biệt, điện lưới quốc gia đã về với thôn Hạnh Phúc trong sự mong chờ của cả thôn.

Bà Vũ Thị Thường - Thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên cho biết: Từ ngày thôn được lựa chọn là mô hình điểm để xây dựng “Thôn hạnh phúc” cuộc sống của người dân đã thay đổi rất nhiều, cả thôn được sử dụng điện lưới quốc gia để lao động sản xuất, để người dân phát triển kinh tế, được tiếp cận với thông tin, văn hóa. Hơn nữa, thôn đã có đường bê tông giúp việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều.

“Trước kia khi chưa có đường bê tông, người dân, đặc biệt là trẻ con đi lại gặp nhiều khó khăn, từ thôn đến trung tâm huyện chỉ cách chừng 20km mà phải đi mất 3 giờ đồng hồ, giờ chỉ đi mất có 30 phút đi xe máy. Nhờ vậy mà người dân nuôi con gà, con lợn, trồng cây lúa, cây ngô bán cũng được giá hơn rất nhiều. Đến giờ, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được Nhà nước quan tâm”, bà Thường phấn khởi chia sẻ.

Cùng với đó, thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đào được trên 200 hố rác tại gia đình để thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt. Hàng năm, vận động trên 1.000 ngày công lao động vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, chăm sóc đoạn đường hoa trong thôn.

Để nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, tỉnh Yên Bái đã ban hành một bộ thể chế, chính sách đồng bộ, với nhiều Nghị quyết, đề án, chính sách triển khai thực hiện cho cả giai đoạn phủ kín các ngành, các lĩnh vực. Trong đó, đặt ra những yêu cầu cụ thể, phải phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa và xã hội, giữa kinh tế và môi trường, giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành thị; giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn... Các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc chính là thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng của người dân Yên Bái về cuộc sống, môi trường sống và tuổi thọ trung bình.

Chị Sầm Thị Quân - Thôn Hạnh Phúc cho hay: “Từ ngày xây dựng “Thôn hạnh phúc” đường sá luôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Hàng tuần, hàng tháng, cả thôn đều quét dọn vệ sinh, trồng cây, trồng hoa tạo cảnh quan môi trường. Đặc biệt, người dân ai cũng có ý thức hơn rất nhiều, mỗi gia đình đều có một hố rác riêng để xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày chứ không vứt rác bừa bãi ra đường, ra suối như trước kia”.

Ông Triệu Quốc Toản - Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết: Ngay sau khi triển khai xây dựng “Thôn hạnh phúc”, Đảng bộ, chính quyền xã đã tuyên truyền và vận động người dân trong “thôn Hạnh Phúc” tích cực lao động sản xuất tăng thu nhập. Từ đó, đời sống kinh tế của nhân dân ổn định, nhiều hộ gia đình có mức thu nhập cao nhờ mô hình phát kiển kinh tế hộ gia đình trồng rừng (cây quế) từ 20ha trở lên, cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, điển hình như: Ông Phạm Văn Hội, ông Nguyễn Văn Biên, ông Nguyễn Văn Mộc, ông Nguyễn Văn Đồng, ông Nguyễn Ngọc Sáng, ông Chu Văn Xanh…

Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến nay, thôn đã triển khai các mô hình chăn nuôi như: Mô hình chăn nuôi trâu, bò 10 con trở lên được 3 mô hình, chăn nuôi gia cầm đặc sản quy mô 300 con trở lên được 2 mô hình. Nhờ đó, thôn đã vận động người dân góp tiền, góp sức xây dựng được 2km đường bê tông trị giá trên 2 tỷ đồng, xây dựng được 1,3km đường điện thắp sáng đường quê trị giá trên 17 triệu đồng, trồng được 2km đường hoa (hoa ban và hoa vàng anh).

Có thể thấy, sau hơn một năm triển khai mô hình “Thôn hạnh phúc”, tại xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, nhận thức của người dân đã thay đổi tích cực, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại Nhà nước, chủ động phát triển kinh tế gia đình, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững.

Thanh Ngà

Công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường:

Triển khai đồng bộ và hiệu quả

Để nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, tỉnh Yên Bái tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng mức độ hài lòng của người dân về môi trường sống. Năm 2023, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã tổ chức triển khai thực hiện các mặt trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và hoàn thành 100% các nhiệm vụ được giao. Công tác phòng ngừa kiểm soát ô nhiễm môi trường được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả. Trên địa bàn tỉnh không phát sinh các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới; công tác thanh tra kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được tăng cường.

Ông Hà Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho biết: Năm 2023, Sở TN&MT đã tổ chức 1 cuộc thanh tra hành chính và 20 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 158 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 66 trường hợp vi phạm pháp luật về lĩnh vực tài nguyên môi trường. Trong đó, 59 trường hợp tổ chức; 7 cá nhân chuyển Chánh thanh tra sở và trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành tổng số 66 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt trên 8 tỷ đồng.

thumbnail_doi-song-vat-chat-va-tinh-than-cua-nguoi-dan-duoc-nang-len.jpg
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên

Đồng thời, tước giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản của 4 tổ chức, tịch thu 1 tàu khai thác cát và 35m3 cát, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và có biện pháp khắc phục “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp” với số tiền là 844,5 triệu đồng. Đến ngày 1/12/2023 các tổ chức, cá nhân đã nộp gần 5 tỷ đồng.

Mặt khác, Sở tổ chức thành công hội nghị tập huấn các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND 9 huyện, thị xã, thành phố, góp phần đưa Luật Bảo vệ môi trường vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Ông Hà Mạnh Cường cho biết thêm, năm 2023, Sở chú trọng tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm; kiểm tra giám sát và đôn đốc việc vận hành hệ thống quan trắc khí thải tự động; tổ chức kiểm tra đột xuất đối với 26 cơ sở có dấu hiệu vi phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường. Qua kiểm tra đã kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính nhiều đơn vị với số tiền xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh các sai phạm, đồng thời thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.

Bảo Trâm

Phấn đấu trở thành tỉnh hạnh phúc

Với quan điểm không cầu toàn, cách làm chắc chắn, thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hằng năm, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, theo tinh thần “giao chỉ tiêu, khoán sản phẩm” và “đặt hàng”, phân công cụ thể cho từng ngành, từng địa phương, cơ quan và từng đơn vị. Việc thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị gắn với kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ chính trị được giao với những kết quả, sản phẩm cụ thể và thể hiện đặc trưng của mỗi ngành, mỗi địa phương.

Sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện, các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân đã trở thành động lực, nền tảng tinh thần, giá trị cốt lõi trong mục tiêu phát triển của tỉnh, một lần nữa thể hiện quyết tâm chính trị cao độ của cả hệ thống chính trị, sự đổi mới, sáng tạo, hết sức đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực tiễn của địa phương.

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Qua khảo sát trên phạm vi toàn tỉnh, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đều tăng qua hằng năm, đến năm 2022 là 62,57%, đạt mức 2 (mức Khá hạnh phúc), tăng 8,27% so với năm 2020.

thumbnail_-2-.jpg

"Có thể khẳng định, chỉ số hạnh phúc đã thực sự trở thành động lực, nền tảng tinh thần rất quan trọng, thể hiện quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vì mục tiêu “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh nhấn mạnh.

Mục tiêu của Yên Bái là hết năm 2023 đưa Chỉ số hạnh phúc của người dân lên 63,3% và phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng 15% so với năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc Yên Bái phải tiếp tục quyết tâm cao độ để triển khai.

Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh Yên Bái được tổ chức vào tháng 7/2023, ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh: "Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cùng chung tay, góp sức thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; khẩn trương tổ chức thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân."

Từ nay đến hết nhiệm kỳ, Yên Bái sẽ tiếp tục thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, rút ra những kinh nghiệm hay, bài học quý để tiếp tục đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng “Tỉnh hạnh phúc”.

Minh Trang

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chỉ số hạnh phúc ở Yên Bái: Thước đo sự hài lòng của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO