Môi trường

Xanh thẳm vùng cao Nam Đông

Văn Dinh 24/04/2024 - 17:33

(TN&MT) - Tiết trời đầu mùa hạ ở huyện miền núi Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế), nắng ấm áp hòa quyện vào những làn mây trắng bồng bềnh dạt trôi trên những triền đồi, cao tốc La Sơn – Túy Loan vắt ngang tựa như con tàu vượt núi. Khắp các bản làng vùng cao nơi đây “thay da đổi thịt”, bạt ngàn màu xanh, trù phú cây trái để góp vào sự phát triển của vùng đồi xanh thẳm; cuộc sống người dân từng bước khấm khá, nghèo khó dần lùi xa.

Đời sống khởi sắc

Sáng cuối tuần, núi rừng Nam Đông trùng trùng điệp điệp, bầu trời trong vắt, cỏ xanh đến tận chân trời. Thật sự ấn tượng. Diện mạo nông thôn ở đây tươi mới khi không chỉ là những con đường hoa rực rỡ mà còn được tô điểm bằng những công trình thanh niên.

namdong-1.jpg
Đường vào trung tâm huyện Nam Đông

Sau nhiều năm sống khổ sở, chật vật trong ngôi nhà cũ tạm bợ, anh Tà Rương Vân (SN 1981, trú thôn 7, xã Hương Hữu) đã có ngôi nhà mới khang trang, được xây bằng gạch, đổ xi măng, lợp mái tôn cao ráo. Dưới ánh nắng lọt qua khe cửa, loay hoay pha tách trà đá, anh Vân chia sẻ anh bị căn bệnh gai cột sống, khó lao động chân tay để kiếm sống, thu nhập cả nhà chủ yếu từ công việc đi làm keo tràm thuê của người vợ. Với sự hỗ trợ của Huyện đoàn Nam Đông và sự đóng góp của người thân trong gia đình cũng như vay mượn qua kênh phụ nữ địa phương, hai vợ chồng anh đã xây nên ngôi nhà ba gian vững chãi như hiện nay.

Từ khi có một mái ấm thực sự, gia đình cũng thoát được hộ nghèo, “an cư lạc nghiệp”, chú tâm hơn cho công việc, cải thiện thu nhập để chăm lo cho con cái. Ai ai sống xung quanh cũng phấn khởi, vui mừng thay.

namdong-2.jpg
Căn nhà mới của anh Tà Rương Vân sau nhiều năm sống chật vật

Nam Đông là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 43 % dân số toàn huyện. Ở vùng cao này hàng chục năm qua, rất nhiều những con đường dốc núi tối tăm không một bóng đèn đêm. Tuy nhiên giờ đây, các bạn trẻ đoàn viên, các tổ chức đã chung tay dựng nên những công trình “Ánh sáng nông thôn mới”. Các tuyến đường ánh sáng dài nhiều cây số, được dựng trụ và bóng điện, thắp sáng mang đến niềm vui mừng và phấn khởi cho bà con nhân dân địa phương, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, giúp đời sống người dân ngày càng đi lên.

“Từ khi có điện đường tôi thấy rất vui, tôi lên ở đây đã mấy chục năm rồi. Có điện đường thì mọi hoạt động mua bán, sinh hoạt đi lại của bà con thuận tiện hơn, từ đó đời sống sẽ khấm khá hơn”, chị M. (xã Thượng Nhật) bộc bạch.

Chủ tịch UBND huyện Nam Đông - Trần Quốc Phụng nói rằng, các hoạt động như xây dựng và sửa chữa nhà nhân ái, hỗ trợ cải tạo vườn tạp, xây dựng các điểm vui chơi cho thiếu nhi và công trình ánh sáng nông thôn mới đã được các tổ chức Đoàn, đội giúp đỡ hết mình. Năm 2023, số hộ nghèo trong thanh niên trên địa bàn huyện là 64 thì đến nay chỉ còn 11 hộ; thể hiện ý chí quyết tâm thoát nghèo của các bạn trẻ để không là gánh nặng trong xã hội.

namdong-3.jpg
Những vườn cam xanh ngắt, tạo thu nhập ổn định cho người dân Nam Đông

Nam Đông giờ đây còn là những vườn cam xanh mướt, nhờ khí hậu và đất đai phù hợp nên đây là loại cây trồng chủ lực nhằm nâng cao thu nhập và đời sống cho đồng bào. Những năm qua, diện tích trồng cam tại Nam Đông liên tục được mở rộng; theo thống kê, đến năm 2023 đạt hơn 194 hecta. Giá trị gia tăng của cây cam cao gấp 5 lần cây cao su, 10 lần cây keo, 7 lần cây sắn công nghiệp..., vì thế, người dân còn mệnh danh đây là cây “thoát nghèo” ở vùng cao này.

Gia đình ông Đặng Trợ, xã Thượng Quảng có 2 hecta chuyên canh trồng cam, cho thu hoạch trung bình từ 15 - 20 tấn/năm. Ông Trợ cho hay, từ năm 2008, gia đình bắt đầu thử nghiệm trồng cam. Nhận thấy giống cây này phù hợp với đất trang trại nhà mình, ông tập trung đầu tư, phá bỏ vườn tạp mở rộng diện tích. Mỗi năm, trừ chi phí thì thu nhập từ vườn cam đạt khoảng 200 - 250 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác...

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, giá trị cạnh tranh và thương hiệu cam Nam Đông, người nông dân trên địa bàn huyện đã tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP; giúp quản lý chặt chẽ từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đến phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, cam Nam Đông được nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị thương hiệu để có đầu ra ổn định và phát triển ở nhiều thị trường mới.

Lan tỏa lối sống “xanh”

Một vòng Nam Đông, chúng tôi được thấy những con đường hoa khoe sắc, những hàng cây xanh tươi mát, những “ngôi nhà xanh” gây quỹ, những thùng phân loại rác được đặt khắp các con đường quê. Từ khi tỉnh Thừa Thiên – Huế phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” vào đầu năm 2019 đã đánh thức được “màu xanh” trong tâm thức của người dân nơi đây.

namdong-4.jpg
Bộ mặt nông thôn ở Nam Đông khởi sắc, xanh và sạch hơn

Cứ vào sáng chủ nhật, như thường lệ, từ sáng sớm, người dân, cán bộ và trẻ em tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường tại đường làng ngõ xóm, làm hàng rào, dọn dẹp vệ sinh vỉa hè, lòng lề đường, xóa bỏ các tụ điểm ô nhiễm môi trường; đồng thời trồng hoa dọc các tuyến đường chính trong xã, tạo môi trường trong lành. Đâu đâu cũng rộn ràng tiếng người, tiếng chổi quét rác, tiếng cuốc làm cỏ. Và đến đầu tuần, người dân đi lao động sản xuất, trẻ em đến trường, cán bộ đi làm việc… ai ai cũng cảm thấy tinh thần thoải mái vì đường làng, ngõ xóm nơi mình ở thoáng mát, sạch đẹp. Qua thống kê của huyện Nam Đông, đến nay đã trồng 162 tuyến đường xanh, đường hoa.

Tại xã Hương Phú, nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong việc chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp và hạn chế rác thải nhựa, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã triển khai thực hiện “Biến rác thành tiền” gắn với các mô hình “Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Việc thu gom rác vô cơ đã được chị em thực hiện mỗi ngày. Từ những vật dụng bỏ đi của gia đình như vỏ chai nước ngọt, nước mắm, dầu ăn, thùng giấy, thau nhựa hỏng… đều được các hội viên thu gom, phân loại và đem bán. Tiền bán được, mọi người góp vào để hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù số tiền không lớn, nhưng thông qua đó giúp chị em có thêm kiến thức về phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh, thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi của các hộ gia đình; đồng thời giúp những hộ nghèo có thêm kinh phí trang trải cuộc sống.

namdong-5.jpg
Những thùng phân loại rác được đặt khắp các đường làng, các “ngôi nhà xanh” cũng hình thành để gây quỹ cho người nghèo

Theo bà Trần Thị Hoài Trâm - Bí thư Huyện ủy Nam Đông, Trưởng ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, những năm qua từ nguồn lực của Nhà nước, các tổ chức hội đoàn, nguồn xã hội hóa đã hỗ trợ đáng kể cho bà con nghèo ở huyện. Đến cuối năm 2023, Nam Đông đã cơ bản xóa hoàn toàn nhà tạm trên địa bàn, người dân thuộc diện nghèo được an cư lạc nghiệp, nổ lực làm ăn, xóa bỏ dần vườn tạp trong các hộ gia đình thay dần bằng những vườn cam, bưởi, ổi, chuối, cau… xanh mướt; bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi, xanh – sạch – sáng hơn, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, bà con từng bước vươn lên làm giàu; những việc làm cụ thể của người dân để duy trì phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã góp phần bảo vệ môi trường, hình thành lối sống văn minh và có trách nhiệm hơn với môi trường.

namdong-6.jpg
Khung cảnh rất xanh, yên bình ơ vùng quê Nam Đông

Có thể khẳng định Nam Đông thật sự đã “thay da đổi thịt”. Hi vọng bà con sẽ tiếp tục phấn đấu, phát triển kinh tế cũng như tích cực tham gia vào các phong trào bảo vệ môi trường, đưa quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Đến thời điểm hiện nay, huyện miền núi Nam Đông có 7/9 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đầu năm 2024 là 4,2 %; trong đó 190 hộ nghèo (chiếm 2,6 2%), cận nghèo 115 hộ (chiếm 1,58 %)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xanh thẳm vùng cao Nam Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO