Tài nguyên nước

Tuyên Quang: Đưa Luật Tài nguyên nước tới gần người dân vùng cao

Lê Tí 24/04/2024 - 15:15

Luật Tài nguyên nước 2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, để Bộ luật với nhiều nội dung mới, quan trọng thực sự đi vào đời sống xã hội, nhất là với người dân tộc thiểu số, vùng cao tiếp nhận, thực hiện hiệu quả, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai rất cụ thể, chi tiết tới các cấp chính quyền, người dân và đặc biệt hướng tới đối tượng người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Được biết, không chỉ Tuyên Quang mà tất cả các tỉnh thành đang đợi Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước và sẽ chính thức có hiệu từ ngày 1/7/2024. Để chủ động cho đặc thù địa phương miền núi, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 trên địa bàn tỉnh.

Trong kế hoạch dự thảo, tỉnh đã nhấn mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng những điểm mới, quy định mới của Luật để góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, Tuyên Quang đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước; khoanh định, công bố, điều chỉnh danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước đối với các dự án tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước.

anh-1-tq.jpg
Nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ trồng rừng kết hợp với bảo vệ nguồn nước

Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, gắn với cơ sở dữ liệu về môi trường, đất đai, bảo đảm tích hợp với hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của trung ương. Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua việc kết nối, truyền dữ liệu về hệ thống giám sát.

Công khai các thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm và các nguồn nước bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh cho nhân dân biết và phát huy sức mạnh cộng đồng trong theo dõi, giám sát các hoạt động bảo vệ nguồn nước. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm lĩnh vực tài nguyên nước để nâng hiệu quả quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước, hướng tới phục vụ phát triển KT-XH bền vững.

Đối với đối tượng người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, tỉnh Tuyên Quang đã giao cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến Luật Tài nguyên nước tới người dân phù hợp với tập tục, văn hóa và khả năng hiểu biết của người dân, với phương châm người dân tộc thiểu số phải dễ nhận biết, dễ hiểu, biết rõ, biết chính xác và áp dụng ngay vào đời sống. Qua đó sẽ nâng cao được trách nhiệm của người dân và cộng đồng trong việc thực thi Luật Tài nguyên nước.

anh-2-tq.jpg
Cảnh đẹp hồ sinh thái Na Hang về chiều tối

Ông Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang), cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh về Kế hoạch triển khai Luật Tài nguyên nước, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến Luật, chúng tôi còn quan tâm đến đối tượng người dân tộc thiểu số, vùng cao. Đây là đối tượng rất dễ bị tổn thương do trình độ nhận thức về Luật Tài nguyên nước còn hạn chế, do đó dễ mắc phải những sai lầm trong chia sẻ, quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước.

Ông Hiệu cho rằng: Bảo vệ tài nguyên nước đã trở thành vấn đề cấp thiết, thực tế đã cho thấy, việc người dân, nhất là người dân vùng cao, vùng địa hình đặc biệt khó khăn nếu người dân quan tâm tới việc bảo vệ và chia sẻ nguồn nước hợp lý thì nơi đó cuộc sống của người dân sẽ đầy đủ và khá giả hơn.

Bà Bàn Thị Chua, người dân xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, cho hay: Lần đầu tiên người dân tộc chúng tôi biết đến thế nào là an ninh nguồn nước hay bảo vệ cấp bách nguồn nước. Trước đây bà con có nước thì dùng thôi chứ có biết tiết kiệm hay bảo vệ gì đâu. Giờ cán bộ tuyên truyền và giúp dân hiểu được lợi ích to lớn mà nước đem lại nên dân tin và làm theo, nhờ đó mà quanh năm không còn cảnh thiếu nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất nữa. Nhờ đó cuộc sống của bà con khấm khá lên nhiều rồi.

anh-3-tq.jpg
Hàng chục hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ nuôi cá lồng cao sản trên hồ Na Hang

Trong khi đó, ông Triệu Văn Giáp, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, chia sẻ: Chúng tôi trước đây 100% nguồn nước sinh hoạt và sản xuất đều phụ thuộc vào các khe suối, nhưng từ khi có Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, người dân đã được dùng nước sạch 100%, còn nước khe suối thì được người dân tích đập và dùng cho sản xuất nông nghiệp là chính. Ngoài ra, do không phải lo nước sạch để sinh hoạt nên người dân có thời gian tập trung làm kinh tế, nhiều hộ dân nhờ vậy đã thoát nghèo và cận nghèo.

Theo Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang, trước đây và kể cả sau khi Luật Tài nguyên nước sửa đổi chính thức đi vào cuộc sống, tỉnh vẫn đẩy mạnh thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước; thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất, tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch, kịch bản gần gũi với người dân vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, đôi khi phải có thông dịch viên, biên dịch ra tiếng dân tộc để bà con dễ hiểu, dễ nắm bắt và thực hiện hiệu quả.

Tuyên Quang là địa phương có nguồn tài nguyên nước dồi dào, với mạng lưới sông, suối khá dày đặc và chế độ thủy văn của sông Lô, sông Gâm... Ngoài ra, địa phương còn có trên 500 sông ngòi nhỏ và trên 2.000 ao hồ có ảnh hưởng lớn đến nguồn nước mặt, nước ngầm. Do đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới người dân, nhất là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa hiểu được và thực thi hiệu quả Luật Tài nguyên nước sẽ góp phần rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn an ninh nguồn nước, qua đó góp phần ổn định đời sống, sản xuất cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Quang: Đưa Luật Tài nguyên nước tới gần người dân vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO