Triển khai việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ sử dụng nguồn gen

Tống Minh| 16/06/2020 21:12

(TN&MT) - Cho đến nay, Việt Nam đã triển khai các quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tuân theo các yêu cầu của Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ sử dụng nguồn gen.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ngày 16/6, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức “Hội thảo tập huấn về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam” (Dự án ABS), được Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), do Tổng cục Môi trường thực hiện.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết, chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích thu được từ nguồn gen là một trong ba mục tiêu cơ bản của Công ước về Đa dạng sinh học. Với mong muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế đối với vấn đề tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, năm 2010, Nghị định thư Nagoya về tiếp cần nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen đã được cộng đồng quốc tế thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học tại Nagoya, Nhật Bản. Nghị định thư Nagoya được xem là một trong những công cụ pháp lý quốc tế góp phần ngăn chặn việc sử dụng trái phép và xâm phạm nguồn tài nguyên sinh học quốc gia.

”Đến nay, Nghị định thư đã có trên 124 quốc gia thành viên. Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư Nagoya từ năm 2014 và là nước thứ 31 tham gia Nghị định thư”, bà Nhàn cho hay.

Được biết, để triển khai các quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tuân theo các yêu cầu của Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Đa dạng sinh học 2008, Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2017 về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen và gần đây nhất là Thông tư số 15/2019/TT-BTNMT ngày 11/9/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thông tư số 07/2020/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại.

Đối với Dự án ABS, Tổng cục Môi trường mong muốn tăng cường năng lực cho các bên liên quan để triển khai các hoạt động về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích trên thực tế.

Thảo luận thảo luận chuyên sâu về vấn đề này, các đại biểu đã thông tin về việc nghiên cứu các trường hợp điển hình của tiếp cận nguồn gen, xây dựng hợp đồng, thỏa thuận cũng như các trường hợp điển hình về chia sẻ lợi ích. Những biện pháp nhằm thúc đẩy việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên di truyền cũng được đưa ra, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ sử dụng nguồn gen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO