Tài nguyên nước

Thừa Thiên - Huế trước nguy cơ hạn hán ở các huyện miền núi: Chủ động quản lý chặt nguồn nước

Văn Dinh 08/08/2023 - 10:26

(TN&MT) - Nắng nóng đang diễn ra gay gắt ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, hai huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới đã và đang triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn nước, xây dựng các phương án cụ thể để chủ động ứng phó với hạn hán.

Nguy cơ thiếu nước

Nam Đông được xem là “chảo lửa” của tỉnh Thừa Thiên - Huế bởi nhiệt độ ở đây luôn cao hơn đồng bằng 3 - 4oC. Dù mới được nâng cấp một số công trình thủy lợi nhưng trên địa bàn huyện, tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất ở một số khu vực đồng ruộng vẫn xảy ra.

Tại xã Hương Phú, hiện mực nước công trình hồ Ka Tư khá thấp, nếu nắng nóng kéo dài, nguy cơ nguồn nước hồ khô kiệt sẽ khiến nhiều ha lúa, ngô, lạc vụ Hè - Thu không có nước tưới. Ông Trần Bảo Thắng - Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết, tuyến kênh trên địa bàn xã khoảng 6km, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 14ha lúa Hè - Thu. Trong đó, tuyến kênh cấp 1 từ cống lấy nước từ hồ Ka Tư và cấp 2 dẫn về đồng ruộng được đầu tư đã lâu, nay đã xuống cấp, không đáp ứng được sản xuất. Trong điều kiện nếu nắng nóng như hiện nay kéo dài, chắc chắn lúa Hè - Thu sẽ không triển khai được do không có nước tưới.

hue-2.jpg
Nhiều diện tích lúa ở huyện A Lưới đang đối diện nguy cơ thiếu nước do nắng hạn kéo dài.

Dự kiến trong vụ này, trên toàn huyện Nam Đông, khoảng 125ha diện tích lúa nước thiếu nước tưới, trong đó có 73ha khuyến cáo không gieo cấy lúa, tập trung chủ yếu ở các xã Hương Xuân, Thượng Nhật, Hương Hữu, Thượng Long…

Còn tại huyện A Lưới, nguồn nước sông suối và mực nước trong các hồ chứa trên địa bàn đang giảm mạnh, tình hình hạn hán có nguy cơ xảy ra trên diện rộng.

A Roàng là địa phương có diện tích lúa lớn nhất huyện A Lưới với khoảng 310ha/năm. Chủ tịch UBND xã A Roàng - Hồ A Lua thông tin, toàn xã có 27 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó có 10 công trình xuống cấp, hư hỏng nên nhiều diện tích lúa đối diện nguy cơ thiếu nước trong mùa khô. Với nắng nóng gay gắt kéo dài như hiện nay, khoảng 30ha lúa nước vùng A Roàng 1, 2 và A Mên sẽ đối diện tình trạng thiếu nước dẫn đến nguy cơ thiệt hại rất cao.

Đây là khu vực có hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư năm 2008, nay đã xuống cấp. Mặt kênh bị gãy đoạn, nước thấm đáy dẫn đến không thể đưa nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng.
“Từ đầu vụ, xã cũng đã rà soát đối với diện tích này và sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trong điều kiện không có nguồn nước bổ sung giữa kỳ cho các công trình thủy lợi trên địa bàn. Đồng thời tiến hành đào đắp kênh mương, vận động người dân tưới, điều tiết nước tiết kiệm, hợp lý, nhất là đối với vùng có khả năng khô hạn và hệ thống thủy lợi chưa chủ động”, ông Lua nói.

Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, đối với vụ Hè - Thu, diện tích lúa nước trên địa bàn huyện có khả năng bị ảnh hưởng do thiếu nước khoảng 172ha, tập trung tại 14 xã, thị trấn gồm Đông Sơn, Lâm Đớt, Sơn Thủy, A Ngo, Quảng Nhâm, A Lưới, Hồng Bắc, Hồng Kim, Trung Sơn, Hồng Vân, Hồng Thủy, A Roàng, Phú Vinh, Hồng Thượng. Trong đó, 33ha có khả năng mất trắng không gieo trồng được.

Chủ động các phương án

Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn, cung cấp đủ nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp năm 2023, UBND huyện Nam Đông đã bố trí vốn cho các xã để thực hiện nâng cấp, sửa chữa các đập đầu mối và kênh mương như Ka Zan, Khe Vồn, A Măng, Ba Ba với kinh phí 3,26 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện và ngân sách Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh để thực hiện công tác bơm nước chống hạn với kinh phí khoảng 70 triệu đồng.

hue-3.jpg
Các huyện miền núi ở Thừa Thiên - Huế đang triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn

Yêu cầu các xã chủ động chuyển đổi những vùng đất có khả năng thiếu nước tưới vụ sản xuất vụ Hè - Thu sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày như ngô, đậu các loại… với diện tích chuyển đổi 73ha. Thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý các tuyến kênh và chỉ đạo các hộ sản xuất củng cố đắp bờ ruộng để giữ nước trong ruộng, thực hiện lấy nước hợp lý, tiết kiệm từ kênh vào ruộng theo nguyên tắc ưu tiên cấp nước cho vùng diện tích cuối kênh, vùng diện tích cao trước.

Ông Văn Lập - Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho biết, phòng sẽ phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác các công trình thủy lợi tỉnh tăng cường hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả để các địa phương, người dân áp dụng. Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng sử dụng tiết kiệm nước để phòng, chống hiệu quả với tình trạng thiếu nước. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nguồn nước qua các kênh dẫn, phân phối nước hợp lý, hiệu quả và bố trí lịch tưới cụ thể, luân phiên, tưới tiết kiệm.

UBND huyện A Lưới đã triển khai các giải pháp trước mắt như sử dụng các máy bơm dầu lưu động, tận dụng các hồ và suối để chủ động bơm tưới cho lúa khi cần thiết. Tiến hành nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp và chuyển đổi cây trồng khi thiếu nước cho cây lúa. Về lâu dài, chính quyền đề xuất xây dựng các hồ chứa lớn và kiên cố hóa các công trình thủy lợi theo quy hoạch đã được phê duyệt.

“UBND huyện quán triệt các xã quản lý chặt hồ chứa nước kết hợp nuôi cá, tuyệt đối không tháo nước tự do để thu hoạch cá mà phải có chiến lược dự trữ nước, đóng kín cống xả đáy. Nếu mực nước tại các hồ chứa nước thấp hơn cao trình đáy cống lấy nước thì triển khai tưới bằng máy bơm. Đối với diện tích sản xuất có nguồn nước cung cấp mà xảy ra khô hạn, cần tập trung ứng cứu diện tích đã canh tác bằng các biện pháp như dùng máy bơm dầu để cấp nước tưới cục bộ cho từng khu vực, huy động nhân dân tận dụng tối đa lấy nước chống hạn khi cần thiết” - ông Lập cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên - Huế trước nguy cơ hạn hán ở các huyện miền núi: Chủ động quản lý chặt nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO