Xã hội

Sơn La: Tạo bước chuyển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Nguyễn Nga 31/07/2023 - 10:52

(TN&MT) - Là địa phương có trên 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo động lực giúp người dân ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lường Văn Toán – Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Sơn La.

anh-ban-dan-toc-1(2).jpg
Ông Lường Văn Toán - Phó trưởng ban Ban dân tộc tỉnh Sơn La.

PV: Xin ông cho biết công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh để phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn từ năm 2016 đến nay?

Ông Lường Văn Toán:

Để phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2016-2020, Sơn La đã nỗ lực triển khai hiệu qua các nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 135; Chính sách đặc thù hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo Quyết định 2085, 2086 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ DTTS; chính sách cử tuyển, học sinh nội trú, bán trú cho học sinh là người DTTS...

Giai đoạn 2021 đến nay, tỉnh tiếp tục triển khai các dự án đầu tư theo Nghị quyết 88, 120 và Quyết định 1719 về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025.

Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các Sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 16/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy.

Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành tham mưu HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết của HĐND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình gồm: Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về ban hành quy định cơ chế lồng ghép, huy động nguồn vốn; Nghị quyết phân bổ vốn đầu tư, vốn sự nghiệp…

Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025; ban hành các quyết định, quy định, cơ chế, quy chế hoạt động, hướng dẫn thực hiện chương trình, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; quy định về báo cáo tiến độ thực hiện, 6 tháng, sơ kết, tổng kết chương trình.

img_9873.jpg
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền các nội dung chính sách thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, các hội nghị cấp tỉnh, huyện; tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức cơ bản về chương trình; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc từ cơ sở.

PV: Thông qua triển khai các chính sách đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS như thế nào, thưa ông?

Ông Lường Văn Toán:

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự tập trung lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân các dân tộc, việc triển khai, thực hiện các chương trình, chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS tiếp tục được tăng cường; cơ cấu kinh tế chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Hệ thống chính trị cơ sở được kiện toàn; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố, đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện.

Đến nay, trên 97% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 73,1% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; có 59 xã đạt chuẩn NTM; 94,1% số hộ được dùng điện sinh hoạt an toàn; 97,5% dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 15,472 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 48,96 triệu đồng/người/năm (năm 2022). Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo giảm bình quân 4,8%/năm.

PV: Theo ông, quá trình triển khai phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS còn gặp những khó khăn vướng mắc nào? Định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng đời sống nhân dân các dân tộc thời gian tới?

Ông Lường Văn Toán:

Sau khi được Trung ương giao vốn từ cuối tháng 5/2022, căn cứ vào Nghị quyết về nguyên tắc phân bổ nguồn vốn, Ban Dân tộc đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết phân bổ vốn năm 2022-2023.

cac-chinh-sach-tao-suc-bat-giup-ho-ngheo-phat-trien-kinh-te-xay-dung-nong-thon-moi.jpg
Từ các nguồn vốn hỗ trợ, đã giúp hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn. Hiện nay, vẫn chưa có quy định định mức đất sản xuất tối thiểu để thực hiện hỗ trợ cho người dân. Nội dung này, Sở TN&MT đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định.

Một vấn đề nữa, Sơn La cũng chưa ban hành mức hỗ trợ cụ thể thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 21; điểm a khoản 5 Điều 22 Nghị định 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ. Do đó, các đơn vị cấp tỉnh, huyện đang gặp khó trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị. Nội dung này, UBND tỉnh đang giao Sở NN&PTNT tham mưu.

Thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp các Sở, ban, ngành, UBND các huyện rà soát những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất với các bộ ngành Trung ương hướng dẫn bổ sung, tháo gỡ. Tiếp tục tham mưu đề xuất với UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các Sở, ban ngành được UBND tỉnh giao thực các nội dung dự án, tiểu dự án để các cơ sở tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các huyện, các đơn vị được giao triển khai nhiệm vụ hoàn thành tốt các chương trình.

Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS trên địa bàn tỉnh tăng 2 lần so với năm 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo 4 - 5%/năm; hết năm 2025 có ít nhất 1 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4 - 5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào dân tộc đạt chuẩn NTM.

85% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; giải quyết 80% số hộ di cư không theo quy hoạch và tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo có khó khăn về đất ở, đất sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Tạo bước chuyển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO