Sơn La: Chuyển biến tích cực về quản lý đất đai

Nguyễn Nga​​​​​​​| 30/09/2021 11:45

(TN&MT) - Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, việc chấp hành các quy định của Luật và nhận thức của các tổ chức, cá nhân tại Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh tuyên truyền, đưa Luật vào cuộc sống

Theo Sở TN&MT Sơn La, để đưa Luật Đất đai năm 2013 vào cuộc sống, UBND tỉnh Sơn La, Sở TN&MT, UBND các huyện và thành phố đã tổ chức 175 hội nghị với hơn 14.300 lượt người tham gia về triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai được triển khai từ cấp tỉnh đến cơ sở, hướng tới mọi đối tượng, tổ chức, cá nhân một cách nghiêm túc, có hiệu quả.

Sở TN&MT thường xuyên tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai.

Các cấp, ngành đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục về pháp luật đất đai, chú trọng công tác lập quy hoạch, kế hoạch để định hướng cho các nhu cầu sử dụng đất hợp lý, có hiệu quả, tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đất đai, đẩy mạnh việc cấp GCNQSDĐ lần đầu, tạo quỹ đất sạch để đấu giá... Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai còn được thực hiện thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đất đai; việc xử lý vi phạm hành chính về đất đai.

Cấp sổ đỏ lần đầu đạt hơn 98,5% tổng diện tích cần cấp

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện nghiêm. Đến nay, đã thực hiện điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, lập Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Sơn La, được Chính phủ xét duyệt tại Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 17/5/2018. Với cấp huyện, đã điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất năm 2017 cấp huyện cho 12/12 huyện, thành phố. Đang thực hiện lập Kế hoạch sử dụng đất tỉnh 5 năm (2021 - 2025); Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng hơn 8.500ha đất cho trên 3.700 trường hợp (kể cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân). Đã thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng vào các mục đích cho trên 2.400 trường hợp với diện tích hơn 15.800ha. Cho thuê đất vào các mục đích cho 300 tổ chức với diện tích trên 4.400ha; cho doanh nghiệp thuê đất dưới hình thức thỏa thuận, nhận chuyển nhượng cho 56 dự án với tổng diện tích trên 50ha. Thực hiện thu hồi hơn 47.300 ha đất…

Đẩy mạnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo bền vững, hiệu quả.

Sơn La đã triển khai 3 Thiết kế Kỹ thuật - Dự toán xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn 3 huyện, thành phố. Đang thực hiện Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG) vay vốn ngân  hàng thế giới tại 6 huyện. Đã cấp GCNQSD đất ở lần đầu cho 44.649 hộ, đạt 98,54%; đất sản xuất nông nghiệp lần đầu cho 57.983 hộ, đạt 99%. Tổ chức đấu giá thành công 185 khu đất, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 2.300 tỷ đồng…

Thống nhất giữa Luật Đất đai và một số luật có liên quan

Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương triển khai thi hành Luật Đất đai bằng nhiều biện pháp có hiệu quả. Mặc dù điều kiện tự nhiên, kinh tế địa phương có nhiều khó khăn, nhưng kết quả thực hiện các nội dung, nhiệm vụ quản lý đất đai đã thực hiện trong các năm qua là khá lớn, ở tất cả các nội dung, đảm bảo theo quy định của pháp luật đất đai; nhất là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.

Sơn La đề nghị Bộ TN&MT sớm hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh còn một số vướng mắc. Từ những quy định không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Quản lý sử dụng tài sản công dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất với các dự án đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định Nhà nước thực hiện trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện đối với người sử dụng đất khi Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại Khoản, 3 Điều 186 Luật Đất đai theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 188 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, tại Điều 7 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định một trong các hình thức xử lý nhà, đất khi thực hiện sắp xếp lại là chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Do vậy, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Một vướng mắc nữa, hiện hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh thông qua hình thức đấu thầu theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP mâu thuẫn về trình tự, thủ tục thực hiện với hình thức sử dụng đất thông qua việc nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, trong đó có công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013 và Điểm b, Khoản 4, Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020…

Sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành, tỉnh Sơn La đã ban hành 30 văn bản quy phạm pháp luật và 5 văn bản cá biệt, để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, phù hợp với thực tiễn của tỉnh.

Từ những vướng mắc ở thực tiễn, tỉnh Sơn La đề nghị rà soát, thống nhất giữa các Luật (Luật Đất đai năm 2013, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Lâm nghiệp năm 2017), Nghị định, Thông tư để thuận lợi trong quá trình tổ chức, thực hiện. Nội dung quy định cần cụ thể hơn, tránh hiểu theo nhiều hướng khác nhau, dẫn đến khó thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Chuyển biến tích cực về quản lý đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO