Xã hội

Sa Pa (Lào Cai): Giảm nghèo nhờ phát huy các mô hình nuôi trồng thuỷ sản

Bích Hợp 01/12/2023 17:00

(TN&MT) - Với khí hậu mát mẻ quanh năm, Sa Pa phù hợp để phát triển các mô hình nuôi trồng thuỷ sản như cá hồi, cá tầm… Nhờ hướng đi đúng cũng như sự đồng lòng của chính quyền và người dân công tác giảm nghèo của Sa Pa đã đã đi vào thực tiễn và bền vững.

Để hiểu rõ về giảm nghèo bền vững dựa vào các mô hình nuôi trồng thuỷ sản, chúng tôi có buổi trao đổi với ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết thời gian qua thị xã Sa Pa đã làm gì để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững nhờ vào phát huy các mô hình nuôi trồng thuỷ sản?

Ông Phạm Tiến Dũng: Sa Pa có khí hậu quang năm mát mẻ rất phù hợp với việc nuôi trồng thủy sản nước lạnh. Từ năm 2005 đến nay nghề nuôi cá nước lạnh được đánh giá là một nghề nuôi trồng ổn định và phát triển của địa phương mang lại thu nhập kinh tế cao cho các hộ nuôi trồng thủy sản.

Theo thông kê, đến nay trên toàn thị xã Sa Pa có khoảng 12 ha diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh với trên 500 cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm trong đó các cơ sở nuôi cá tập trung chủ yếu tại các xã, phường Ngũ Chỉ Sơn, Hoàng Liên, Cầy Mây, Tả Van, Tả Phìn, Tả Van... với sản lượng ước đạt năm 2023 khoảng trên 600 tấn.

anh-dung.jpg
Ông Phạm Tiến Dũng, PCT UBND thị xã Sa Pa, Lào Cai.

Nhận thấy việc phát triển nghề cá nước lạnh góp phần phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, tăng thu nhập kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

Trong thời gian qua để nâng cao giá trị sản xuất cá nước lạnh trên địa bàn, Sa Pa đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về nuôi trồng và phát triển thủy sản nước lạnh. Thực hiện quản lý các cơ sở cá nước lạnh trên địa bàn phát triển theo định hướng chung của tỉnh và thị xã. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước đối với các cơ sở nuôi cá nước lạnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đồng thời triển khai sản xuất cá nước lạnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường...

ca-1.jpg
Những mô hình nuôi trồng thuỷ sản tại Sa Pa( Lào Cai) đã và đang giúp người dân giảm nghèo vươn lên làm giàu.

Nhờ có hướng đi đúng, chính quyền và nhân dân đồng lòng, năm 2021 toàn thị xã chỉ còn 4850 hộ nghèo, chiếm 35.70%. đến năm 2022 số hộ nghèo là 3855 hộ/13.556 hộ chiếm 28.44% giảm 7,26 % (tương đương giảm 995 hộ nghèo) so với năm 2021. Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, việc triển khai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn Sa Pa luôn được quan tâm. Sa Pa đã tạo thuận lợi cho người nghèo triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

PV: Xin ông nói rõ hơn về các mô hình nuôi trồng thuỷ sản của địa phương giúp dân thoát nghèo bền vững?

Ông Phạm Tiến Dũng: Hiện nay trên địa bàn có khoảng 60% các cơ sở nuôi cá nước lạnh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó việc đẩy mạnh nuôi cá nước lạnh nhằm giải quyết việc làm và phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hiện tại các mô hình nuôi trồng thuỷ sản của Sa Pa tập trung tại các xã, phường như : Ngũ Chỉ Sơn, Hoàng Liên, Cầy Mây, Tả Van, Tả Phìn, Tả Van...

việc phát triển nuôi cá nước lạnh mang lại thu nhập cao cho người sản xuất, trung bình mỗi năm sản lượng nuôi cá nước lạnh của Sa Pa đạt khoảng 600 tấn, giá bán bình quân đạt 200 nghìn đồng/kg, doanh thu từ cá nước lạnh đạt khoảng 120 tỷ đồng/năm.

ca-2.jpg
Mô hình nuôi trồng thuỷ sản tại Sa Pa giúp giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Ngoài ra nhằm phát huy hiệu quả từ việc nuôi cá nước lạnh, một số cơ sở lớn nuôi cá nước lạnh trên địa bàn đã thực hiện áp dụng khoa học công nghệ trong việc sản xuất, chế biến và bảo quản để tạo ra các sản phẩm từ từ cá nước lạnh như: Ruốc cá Hồi, cá Hồi hun khói, hun khói lạnh, giò, chả, xúc xích cá Hồi, …. triển khai áp dụng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng vào sản xuất như VietGAP, triển khai chương trình OCOP.

Trên địa bàn có một số mô hình sản xuất chế biến cá nước lạnh tiêu biểu như mô hình HTX nuôi trồng cá hồi cá tầm Thức Mai tại xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa. Hợp tác xã đã thực hiện sản xuất thủy sản chuyên sâu với máy móc, thiết bị hiện đại, các sản phẩm được đa dạng hóa như: Ruốc cá hồi, cá hồi hun khói, xúc xích cá hồi, chả cá tầm, giò cá hồi, cá hồi kho cạn, viên thả lẩu cá hồi, …

ca-3.jpg
Sử dụng tài nguyên nước nuôi trồng thuỷ sản là hướng đi mà Sa Pa lựa chọn để giúp dân thoát nghèo.

Các sản phẩm tiêu thụ ổn định doanh thu đạt bình quân khoảng 12 - 15 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 10 - 15 lao động là người địa phương với mức thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng/người/tháng…

PV: Vậy trong định hướng nuôi trồng thủy sản, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo tại Sa Pa có gặp phải khó khăn thách thức gì không, thưa ông?

Ông Phạm Tiến Dũng: Hiện nay trên địa bàn thị xã có trên 500 cơ sơ nuôi cá nước lạnh tuy nhiên có trên 60% các cơ sở nuôi là các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ gây khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó các cơ sở cá nước lạnh nằm chủ yếu dọc theo các khu đất gần suối, thời tiết diễn biến phức tạp như mưa lũ, nắng nóng... ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất thủy sản…

Việc phát triển nuôi cá nước lạnh của một số hộ dân chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi; nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản. Các cơ sở nuôi cá nước lạnh phát triển ao nuôi tự phát dẫn đến việc tranh chấp nguồn nước, dịch bệnh… Một số hộ dân còn sử dụng thuốc theo thói quen, kinh nghiệm, chưa theo hướng dẫn…

ca-hoi.jpg
Thương hiệu ruốc các hồi và các sản phẩm từ các hồi, cá tầm đang dần trở thành một trong những đặc sản của Sa Pa.

Tình hình sản xuất, tiêu thụ cá nước lạnh phụ thuộc lớn vào nhu cầu của thị trường, sản lượng chủ yếu cung ứng là sản phẩm tươi sống, vận chuyển khó khăn, giá cả không ổn định. Một số hộ dân còn sản xuất theo nhu cầu từng thời điểm của thị trường, nhiều khi sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được bị thương lái ép giá dẫn đến việc sản xuất không ổn định, giá thành thấp…

PV: Trong thời gian tiếp theo, Sa Pa có kế hoạch gì để công tác giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững, đặc biệt là giảm nghèo nhờ vào phát huy giá trị nuôi trồng thuỷ sản?

Ông Phạm Tiến Dũng: Để công tác giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững, đặc biệt là giảm nghèo nhờ vào phát huy giá trị nuôi trồng thuỷ sản thời gian tới Sa Pa sẽ tăng cường chỉ đạo thực hiện áp dụng các chính sách của trung ương và tỉnh vào phát triển cá nước lạnh. Quản lý diện tích nuôi thủy sản nước lạnh phát triển sản xuất theo hướng an toàn sinh học và bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Định hướng xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển Nhãn hiệu cá nước lạnh; xây dựng tiêu chuẩn Vietgap; định hướng phát triển các sản phẩm chế biến sâu nhằm đa dạng sản phẩm chế biến từ cá… đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm cá nước lạnh Sa Pa đến các thành phố lớn…

ca-4.jpg
Một ao nuôi cá hồi tại Sa Pa, Lào Cai.

Thông qua các Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND thị xã đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã phường triển khai rà soát xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp dựa vào điều kiện thổ những khí hậu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sa Pa (Lào Cai): Giảm nghèo nhờ phát huy các mô hình nuôi trồng thuỷ sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO