Biến đổi khí hậu

Quy hoạch đè quy hoạch

Việt Hùng 09/11/2023 - 09:39

(TN&MT) - Chỉ ra nguyên nhân khiến năng lực thích ứng, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) của đô thị chưa đáp ứng được trước thực tiễn diễn biến BĐKH, nhiều báo cáo, nghiên cứu đều cho rằng, quy hoạch đô thị đang thiếu tầm nhìn và chưa tính đến các kịch bản BĐKH trong tương lai. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, cần phải thẳng thắn thừa nhận, hiện tượng quy hoạch đè quy hoạch đang xóa sổ chính yếu tố tầm nhìn khiến câu chuyện thích ứng, ứng phó BĐKH của đô thị loay hoay như đèn cù và mục tiêu của nó dường như thụt lùi hoặc dậm chân tại chỗ.

b3.a1.-ngap-lut-do-thi-ngay-cang-dien-bien-phuc-tap.jpg
Ngập lụt đô thị ngày càng diễn biến phức tạp

Ngập lụt ở Hà Nội là một điển hình.

Hà Nội xưa được mệnh danh là đô thị sông hồ bởi mạng lưới sông hồ kênh mương nội đô chằng chịt và hệ thống sông bao bọc vòng ngoài. Phía Đông Hà Nội giáp Hưng Yên, trong đó, một vùng trũng tiếp giáp được “để yên” không phát triển đô thị với vai trò đảm nhiệm việc phân lũ và hứng lụt trong trường hợp mưa lũ bất thường tại Hà Nội. Vùng ấy, hiện đang là đô thị.

Tương tự với TP.HCM. Với hệ thống sông rạch dày đặc và vùng đệm tiếp giáp biển, TP.HCM đã được các nhà quy hoạch cảnh báo từ rất sớm về trở ngại do ngập và tiêu thoát nước. Đối với một đô thị lớn và đặc thù địa lý như TP.HCM, tầm nhìn phát triển đô thị là cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự bố trí và phát triển các khu dân cư, hệ thống giao thông thủy/bộ và hệ thống tiêu thoát nước.

Cho đến bây giờ, trước câu chuyện ngập lụt của TP.HCM do yếu tố triều cường, nước biển dâng và khả năng chống chịu có hạn của thành phố, nhiều người vẫn nhắc lại ý kiến của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (tác giả thiết kế Dinh Độc lập) rằng nếu cần mở rộng đô thị TP.HCM thì nên mở rộng về phía Bắc, Tây Bắc, hạn chế mở rộng về phía Nam, Đông Nam - vì đó là hướng thoát nước tự nhiên.

Rõ ràng, tư duy tiến ra biển đang được hiện thực hóa ở nhiều quốc gia và đã khẳng định tính đúng đắn của nó. Tuy nhiên, việc tiến ra biển một cách thiếu cân nhắc đã khiến quy hoạch thời điểm bấy giờ đè lên các khuyến cáo mang tính quy hoạch trước đó. Kết quả là một nhánh của thành phố đã phát triển theo hướng tiến thẳng vào các vùng thấp trũng là những nơi làm nhiệm vụ tích trữ nước và tiêu thoát úng ngập cho thành phố với một lộ trình thiếu quy hoạch hợp lý để đảm bảo cho việc “phình to” có tính toán đến kiểm soát tiêu thoát nước; Đồng thời, chưa tính đến kịch bản BĐKH khiến nước biển dâng tạo thế gọng kìm “ngoại kích nội công”. Thực tế là đến nay, bài toán ngập lụt của TP.HCM vẫn loay hoay tìm lời giải. Và kịch bản này đâu đó bắt đầu diễn ra ở một số đô thị lớn của Việt Nam.

b3.a2.-mot-goc-so-do-du-an-chong-ngap-cua-tp.hcm.jpg
Một góc sơ đồ dự án chống ngập của TP.HCM

Có thể thấy, đô thị là một trong các đối tượng chịu tác động nặng nề do BĐKH gây ra, điển hình rõ nhất là đảo nhiệt và ngập lụt. Tuy nhiên, đô thị cũng là thủ phạm chính trong việc khiến tốc độ BĐKH tăng nhanh. Các báo cáo khoa học đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân của BĐKH là do phát thải khí nhà kính được sinh ra từ hoạt động của con người và chuỗi hoạt động duy trì, phục vụ yêu cầu của con người, trong đó, tập trung đông nhất ở đô thị. Cũng không thể chối cãi rằng, phát triển đô thị đã khiến một số tác nhân đóng vai trò cân bằng, làm giảm nhẹ BĐKH như cây xanh, hồ điều hòa bị thu hẹp không gian so với các quy hoạch trước đây. Như vậy, các quy hoạch ra đời sau đang đè lên quy hoạch trước một cách cơ học thay bằng tìm hướng đi để giải bài toán phát triển đô thị trong điều kiện thích ứng với BĐKH, ứng phó với các kịch bản BĐKH xảy ra trong tương lai.

Bàn về giải pháp giảm tác động của BĐKH đối với đô thị liên quan đến vấn đề quy hoạch, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, trong quy hoạch đô thị, cần phải chú trọng lợi ích chung, lợi ích lâu dài; nghiên cứu đưa ra các quy định bảo đảm tính khoa học để quy hoạch đô thị không bị thay đổi sau khi ban hành. Giải pháp cũng đề cao biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp làm sai lệch quy hoạch, phá vỡ quy hoạch vì trục lợi cá nhân, tham ô tham nhũng…

Cũng theo các chuyên gia, ở một góc nhìn khác, cần phải xem BĐKH là cơ hội để xem xét lại cách làm quy hoạch hiện nay đã thực sự bền vững chưa? Có thực sự hợp lý hay không? Trên lộ trình phát triển đô thị thích ứng BĐKH, việc kế thừa, tham vấn một số quy hoạch hoặc ý tưởng, sáng kiến ưu việt liên quan quy hoạch trước đây là hoàn toàn cần thiết để tìm ra giải pháp cân bằng, phù hợp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch đè quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO