Quảng Nam: Tái định cư thủy điện, 10 năm sau vẫn “khát” đất sản xuất

06/11/2018 14:33

(TN&MT) - Để làm thủy điện A Vương, hơn 300 hộ dân đồng bào Cơ tu huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam phải dời làng, nhường đất đến khu tái định cư được xây sẵn. Thế nhưng, đã hơn 10 năm về nơi ở mới, người dân ở đây không chỉ thiếu đất sản xuất mà đất ở cũng không có; trong khi đó, nhân khẩu ngày một tăng lên khiến cuộc sống thêm khó khăn.

Khó khăn lớn nhất của người dân vùng tái định cư thủy điện là thiếu đất sản xuất và đất ở
Khó khăn lớn nhất của người dân vùng tái định cư thủy điện là thiếu đất sản xuất và đất ở

Tái định cư = tái nghèo

Khu tái định cư PachePalanh, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, những ngôi nhà sàn được xây bằng xi măng và cốt thép dựng san sát, cũ kỹ, nhiều vị trí bị nứt vỡ. Trên khuôn mặt của người dân nơi đây, cái nghèo hằn rõ những lo toan. Trong căn nhà sàn cũ kỹ, ông Hốih Lin nằm dài trên chiếc giường gấp hút thuốc nhìn xa xăm. Khi được hỏi chuyện, ông cho biết, từ năm 2006, bà con nhường đất để Nhà nước làm thủy điện, về ở khu tái định cư mới với hy vọng vào một cuộc sống tốt hơn. Tại nơi ở mới, mỗi hộ được xây 1 căn nhà sàn rộng 40 m2, được cấp gạo, cây giống, con giống trong những năm đầu. Đường sá đi vào thôn được bê tông hóa sạch sẽ. Riêng đất sản xuất, trung bình mỗi hộ dân chỉ được cấp gần 2 héc ta, không đủ để bà con khai hoang sản xuất. Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn khi con cái lập gia đình, nhân khẩu tăng lên mà không có đất để ra ở riêng.

“Chúng tôi đến đây tái định cư thì điện, đường, trường học, trạm y tế, nước đảm bảo. Nhưng khó khăn hiện nay đối với chúng tôi là thiếu đất sản xuất, ruộng nước không có, không có chỗ để phát nương làm rẫy, nhà nước cấm không cho phát nương làm rẫy nữa, nên chúng tôi thiếu đất sản xuất. Còn những hộ phát sinh cũng không có đất ở, ở trên A Bông có đất nhưng chủ yếu là sỏi đá, ở không được. Không có đất sản xuất, nên chỉ nằm ở nhà”- ông Hốih Lin buồn bã nói.

Theo số liệu thống kê, để xây dựng thủy điện A Vương, xã Mà Cooh, tất cả 260 hộ dân ở 5 thôn AZal, A Dớ, Tà Rèng, Trờ Gung và A Đền phải di dời đến nơi ở mới. Trong đó, 30 hộ di dời bố trí ở xen ghép, 230 hộ di dời tập trung đến 2 khu tái định cư PachePalanh và CutChrun. Đến đây, mỗi gia đình được cấp 400 mét vuông đất ở và một nhà sàn bằng bê tông rộng 40 m2. Như vậy, ban đầu, 132 hộ dân tái định cư PachePalanh được cấp chưa đầy 2 héc ta cả đất ở và đất sản xuất. 12 năm sau, số hộ dân nơi đây đã tăng lên gần 400 hộ trong khi quỹ đất không được tăng lên khiến cuộc sống ngày càng bức bối. Không có đất sản xuất đồng nghĩa với không có việc làm và cái đói nghèo cũng đeo bám mãi.

Theo thời gian những ngôi nhà sàn bằng xi măng và cốt thép dần xuống cấp nhưng không được tu bổ
Theo thời gian những ngôi nhà sàn bằng xi măng và cốt thép dần xuống cấp nhưng không được tu bổ

Ông Lê Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Mà Cooih, huyện Đông Giang cho biết, đời sống của người dân ở 2 khu tái định cư PachePalanh và CutChrun có nhiều khó khăn, các thôn tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo khá cao. Vấn đề nan giải hiện nay là thiếu đất sản xuất và đất ở.

“Trước đây Dự án thủy điện A Vương người ta không tính tới phương án đối với những hộ phát sinh nên bây giờ những hộ mới trẻ tách hộ ra không có đất. Rồi đất sản xuất đây hầu hết là đất hẹp, dốc, ngắn, hầu hết các diện tích đất đẹp hy sinh cho các dự án thủy điện. Đất là tư liệu sản xuất không thể thay thế được nên đây là vấn đề xã rất lo lắng.”- ông Lê Minh Tuấn nói.

Cần sớm đảm bảo tư liệu sản xuất tối thiểu

Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, tại huyện Đông Giang có 7 công trình thủy điện gồm A Vương, Sông Kôn, Za Hung, An Điềm 2, Sông Bung 4A, Sông Bung 5 và Sông Bung 6. Trong đó, đời sống 2 khu TĐC Pache Palanh và Cut Chrun di dời phục vụ xây dựng thủy điện A Vương còn nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người của 2 khu TĐC là 16,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 40%. Khó khăn chủ yếu của người dân là thiếu đất sản xuất, đất chất lượng xấu cho năng suất cây trồng thấp; chậm chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm. Chính quyền đã xây dựng dự án thực hiện chính sách hỗ trợ, đầu tư cho người dân sau tái định cư nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt.

“Vừa qua, huyện đã trình tỉnh Quảng Nam chủ trương mở rộng đất sản xuất để cấp cho người dân. Đồng thời, bố trí đất mở rộng khu tái định cư để cấp cho các hộ dân phát sinh nhưng chưa được phê duyệt. Chính quyền địa phương mong muốn nhà nước hỗ trợ thêm cho 2 khu này để có điều kiện chia đất lại cho dân và thu hồi đất của những hộ vượt định mức. Đồng thời, phân lại những khu vực rừng ít xung yếu xã đang quản lý cho người dân để phát triển sản xuất”- ông Minh kiến nghị…

Công trình nước sạch tại khu tái định cư PachePalanh đã bị hỏng từ nhiều năm nay
Công trình nước sạch tại khu tái định cư PachePalanh đã bị hỏng từ nhiều năm nay

Trước thực trạng này, vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã đi kiểm tra, đánh giá thực tế và dự kiến sẽ triển khai xây thêm khu tái định cư cho số hộ dân phát sinh ở 2 khu tái định cư Pache Palanh và CutChrun; tính toán bố trí thêm diện tích đất sản xuất cho bà con.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Than h- Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, các dự án tái định cư thủy điện đã làm mất đi “văn hóa lúa rẫy” của đồng bào miền núi. Người dân phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc sinh kế. Do đó, cần tận dụng các nguồn lực, tăng thêm hạn mức cấp đất cho mỗi hộ dân ít nhất 2ha trở lên mới đảm bảo diện tích sản xuất phù hợp, từ đó, bà con mới có thể thoát nghèo.

Để xây dựng các công trình thủy điện, tỉnh Quảng Nam đã phải di dời 1700 hộ dân đến khu tái định cư mới. Thế nhưng, việc bố trí tái định cư và cấp đất cho dân thường tập trung tại các khu vực dốc đứng, núi đá nên không thể sản xuất được. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi của Quảng Nam vẫn còn khá cao - chiếm gần 50%. Nếu bài toán đất sản xuất cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng các dự án thủy điện không được giải quyết thì khó tránh khỏi việc tái diễn tình trạng phá rừng làm nương rẫy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Tái định cư thủy điện, 10 năm sau vẫn “khát” đất sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO