Xã hội

Ninh Thuận: Phát huy giá trị di sản văn hóa thu hút du khách

Đỗ Vương 10/11/2023 - 08:56

Những năm qua, việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc được tỉnh Ninh Thuận quan tâm, từng bước tổ chức thực hiện, đạt nhiều kết quả cao, thu hút được đông đảo người dân du khách trong nước và quốc tế, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

Ninh Thuận là địa phương có đa dạng các loại hình di sản văn hóa được bảo tồn qua nhiều thế hệ, có nhiều dân tộc anh em sinh sống ở cả vùng núi, vùng đồng bằng và vùng biển. Sự đa dạng đó đã gắn liền với nhiều loại hình di sản vật thể và phi vật thể phong phú và độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Kinh; Chăm; Raglai...

4-1-(1).jpg
Khu di tích quốc gia tháp PÔ KLONG GARAI thu hút người dân, du khánh tham quan.

Để khai thác tiềm năng trên, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã luôn chú trọng và xem đó là thế mạnh to lớn để tạo đà cho sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới thông qua việc phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch như: Phát triển hạ tầng gắn liền với hệ thống di sản, di tích, danh lam thắng cảnh; triển khai sưu tầm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc Kinh, Chăm, Raglai...

Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận có 239 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, gồm: tháp Chăm, di tích lịch sử cách mạng; danh lam thắng cảnh. Trong đó, 64 di sản văn hóa đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp. Toàn tỉnh hiện nay có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai; 17 di sản cấp quốc gia, trong đó có 12 di tích, 5 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ninh Thuận còn có 44 di tích cấp tỉnh và 41 di tích là các đình, đền, lăng, miếu khác. Đặc biệt, Ninh Thuận được vinh danh là một trong số 21 tỉnh, thành có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

z4833838842528_2296e139ca7b4d12bd5047e9adbe947f.jpg
Giới thiệu nghề dệt thủ công làng Mỹ Nghiệp đến du khách trong nước và quốc tế

Ngoài các di tích, di sản văn hóa lịch sử đã được xếp hạng và công nhận ở các cấp, Ninh Thuận còn có hệ thống các lễ nghi, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn học nghệ thuật dân gian của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh như: Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn; Tết Cổ truyền Ramưwan của đồng bào Chăm theo đạo Bàni; nghệ thuật làm gốm truyền thống; nghề dệt thổ cẩm truyền thống; nghề làm thuốc Nam của người Chăm; lễ Bỏ mả với nghệ thuật trình diễn mả la của người Raglai; lễ hội cầu ngư (với các hoạt động hát tuồng, hát lăng, đua thuyền rồng, lễ xuất quân đánh bắt đầu năm, nghinh ông cầu mùa) của ngư dân vùng ven biển… Đến nay các loại hình di sản văn hóa phát huy hiệu quả và trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt, thu hút du khách đến với địa phương.

Để thúc đẩy đà tăng trưởng du lịch những năm qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nhiều kế hoạch phát triển du lịch, trong đó sẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Cụ thể đến năm 2025, du lịch Ninh Thuận cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP.

Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, thu hút 6 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 211 cơ sở lưu trú du lịch với 4.613 phòng, các hoạt động lưu trú và dịch vụ du lịch diễn ra khá nhộn nhịp.

Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh thu hút khách du lịch những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 thông qua tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện quảng bá văn hóa, thể thao, du lịch nhằm giới thiệu Ninh Thuận là điểm đến hấp dẫn, thân thiện đến với nhân dân, du khách.

Một số sự kiện, hoạt động tiêu biểu diễn ra dịp cuối năm 2023 như: Tổ chức đoàn famtrip khảo sát du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng gắn với các chuỗi hoạt động, sự kiện “Năm Du lịch Quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh” trong tháng 11.2023; giải Golf Ninh Thuận - Bình Thuận mở rộng năm 2023 ; giải lướt ván diều Ninh Thuận - Bình Thuận năm 2023, dự kiến trong tháng 12.2023 ; tham gia Hội chợ VITM Cần Thơ năm 2023 (từ ngày 1- 3.12.2023.

Ninh Thuận sẽ tổ chức Tuần lễ văn hóa ẩm thực gắn với các hoạt động thể thao và du lịch thành phố Phan Rang - Tháp Chàm năm 2023 (dự kiến từ ngày 28.12.2023 – 2.1.2024) với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ hội ẩm thực; chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố; tham quan di tích lịch sử - văn hóa, điểm đến tháp Po Klong Garai và các di tích văn hóa lịch sử; khám phá cung đường biển Bình Sơn - Ninh Chữ - Vĩnh Hy - Bình Tiên; tham quan bảo tàng; quảng trường 16/4; chợ đêm du lịch Ninh Thuận; tổ chức Giải bóng chuyền nữ; Giải việt dã “Phan Rang - Tháp Chàm City by night 2023”; Ngày hội thả diều quốc tế tại Công viên biển Bình Sơn; tọa đàm “Giải pháp phát triển kinh tế đêm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm”.

UBND tỉnh yêu cầu, Sở VHTTDL phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp dịch vụ, du lịch chuẩn bị chu đáo, bài bản, phù hợp quy mô, tính chất, thiết thực và hiệu quả; bám sát đặc điểm, thế mạnh của từng địa phương để phối hợp thực hiện mang lại hiệu quả cao.

Các địa phương đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch trên nền tảng số, kênh truyền thông, báo chí, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội; phát hành ấn phẩm thông qua hội chợ, hội nghị, hội thảo... để quảng bá điểm đến “Ninh Thuận - miền đất của những giá trị khác biệt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Thuận: Phát huy giá trị di sản văn hóa thu hút du khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO