Nhiều khuyến nghị, chia sẻ để Việt Nam tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045

Lan Anh| 23/02/2023 16:56

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình "Hội thảo lần thứ 15 về việc thực hiện Nghị định thư Montreal khu vực Đông Á và Thái Bình Dương" do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức tại TP. Đà Nẵng, ngày 23/2 đã diễn ra các phiên họp chuyên đề kỹ thuật nhằm chia sẻ, trao đổi các chính sách, hướng dẫn để các quốc gia đang phát triển triển khai việc loại trừ các chất HFC.

Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cùng với cộng đồng quốc tế, trong suốt thời gian qua Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm, chủ động tham gia và không ngừng gia tăng sự đóng góp của mình trong hành trình bảo vệ tầng ô-dôn.

img_7686.jpg
Các chuyên gia và đại diện của các Văn phòng ô-dôn quốc gia, các cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp chia sẻ tại chương trình Hội thảo

Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon, CTC từ ngày 1/1/2010; hạn chế nhập khẩu các chất Methyl bromide (chỉ sử dụng cho mục đích khử trùng); Loại trừ hoàn toàn HCFC-141b nguyên chất từ ngày 1/1/2015, đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% lượng tiêu thụ cơ sở các chất HCFC của Việt Nam; đang thực hiện kế hoạch loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC trong giai đoạn 2020-2025; tiến tới sẽ chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040; Chuẩn bị thực hiện theo lộ trình loại trừ các chất HFC nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC giai đoạn 2024-2028 và giảm dần tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045.

Hiện nay thông qua WB, Quỹ đa phương đã hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu phát thải các chất làm suy giảm tầng ô -dôn và dự kiến trong giai đoạn năm 2024 - 2028, Việt Nam sẽ chỉ tiêu thụ HFC ở mức cơ sở - tạm tính dựa trên các số liệu báo cáo là gần 8.000 tấn, quy đổi tương đương phát thải khoảng 14 triệu tấn CO2.

img_7680.jpg
Hội thảo lần này sẽ giúp Việt Nam hiểu rõ về các lĩnh vực sử dụng HFC 

Cục Biến đổi khí hậu cũng đang trong quá trình thu thập, đánh giá dữ liệu phục vụ xây dựng Kế hoạch quản lý các chất HFC, đến cuối năm nay sẽ hoàn thiện bản Kế hoạch quản lý của Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy Hội thảo lần này sẽ giúp Việt Nam hiểu rõ về các lĩnh vực sử dụng HFC, các chất, công nghệ thay thế của các nước trên thế giới để đưa ra các biện pháp và chính sách quản lý phù hợp.

Trong 3 ngày diễn ra Hội thảo (22-24/2), các chuyên gia và đại diện của các Văn phòng ô-dôn quốc gia, các cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ cùng trao đổi và thảo luận các chuyên đề: Xây dựng chính sách theo Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali; Thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali; Tài trợ cho việc thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali và Quyết định XXVIII/2; Triển khai dự án NĐT Montreal: Giám sát các vấn đề về ủy thác; Môi trường, xã hội và các khía cạnh khác của việc loại trừ các chất HCFC/HFC; Các lĩnh vực lắp ráp, lắp đặt và dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng - Thách thức và cơ hội đối với việc loại trừ các chất HCFC giai đoạn III và KIP giai đoạn I; Cung và cầu của các khí F và các giải pháp thay thế; Các công nghệ về điều hòa không khí và làm lạnh; Kinh nghiệm triển khai và công nghệ sản xuất xốp...

Ông Ashraf El-Arini, đại diện WB cho rằng năm 2023 là mốc thời gian quan trọng để Việt Nam sẵn sàng cho năm đầu tiên thực hiện lộ trình loại trừ các chất HFC là năm 2024 nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC. Dựa trên mức tiêu thụ HFC của Việt Nam theo từng lĩnh vực, WB sẽ đề xuất chính sách, biện pháp can thiệp tập trung loại trừ những môi chất gây hiệu ứng nhà kính có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao, các chất có sản phẩm thay thế trên thị trường và giảm dần việc sử dụng đối với những ngành có lượng tiêu thụ HFC lớn trong tổng mức tiêu thụ của Việt Nam.

1(1).jpg
Cục trưởng Cục BĐKH Tăng Thế Cường tiếp và làm việc với Giám đốc Toàn cầu về Môi trường, Tài nguyên thiên nhiên và Kinh tế biển Valerie Hickey

Điều quan trọng cho Việt Nam hiện nay cần thiết lập hạn ngạch phân bổ cho các nhà sản xuất, nhập khẩu các chất HFC.... Đồng thời, cần quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực dịch vụ lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí để chất làm lạnh không thể rò rỉ ra môi trường trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị.

Đồng quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Việt Dũng, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, yếu tố để thực hiện thành công Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali cũng như hướng đến thực thi COOP 26 chính là con người. Trong bối cảnh này, trường ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu tổ chức các khoá đào tạo trên toàn quốc đào tạo cho hơn 152 các thầy cô giáo ở trường nghề cũng như các trường đại học kỹ thuật đang giảng dạy các lĩnh vực liên quan kỹ thuật nhiệt, điều hoà không khí, cơ điện lạnh, để thay thế nội dung, phương pháp giảng dạy. Từ đó hàng nghìn sinh viên, kỹ thuật viên có thể tiếp cận với vấn đề bảo vệ môi trường, chuyển đổi môi chất lạnh.

Việt Nam đã tham gia Nghị định thư Montreal từ năm 1994, năm 2019 đã phê chuẩn tham gia Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về loại trừ HFC. Cục Biến đổi khí hậu là cơ quan được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao làm cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), Công ước Vienna và Nghị định Montreal. Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam được ban hành năm 2020 đã có một số điều quy định về biến đổi khí hậu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn, và phát triển thị trường các-bon. Trên cơ sở đó, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được ban hành nhằm chi tiết hóa các nội dung trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khuyến nghị, chia sẻ để Việt Nam tiến tới loại trừ 80% lượng tiêu thụ các chất HFC vào năm 2045
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO