Xã hội

Người dân Phú Thọ làm giàu từ… lá cây

Mạnh Hiển 30/10/2023 - 13:02

(TN&MT) - Từ nguồn nguyên liệu đơn giản và ít người nghĩ tới, người dân tại các xã Minh Phú, Chân Mộng huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ dần ổn định đời sống nhờ nguồn thu nhập từ… lá cây.

Xưởng chế biến lá giang của anh Dương Đình Hợp tại khu 8, xã Minh Phú là một trong những mô hình thu mua, chế biến lá giang lớn tại địa phương. Những chiếc lá giang sau khi được thu mua từ các hộ dân thu hoạch lá tươi sẽ được sấy khô và phân loại thành từng tép, tuỳ vào kích cỡ và chất lượng để định giá thành.

115d4160900t311l2.jpg
Công nhân phân loại lá theo kích thước, mẫu mã

Lá tươi sau khi thu hoạch xong phải được vận chuyển đi trong ngày và phải đảm bảo tiêu chuẩn của thương lái. Lá được chọn phải có bản to, không rách, không bị úa vàng, trung bình chiều dài từ 35cm trở lên, chiều ngang khoảng 8cm. Sau khi lá tươi được mua gom về, sẽ chia tép lá, xếp vào sọt, rồi đưa vào lò sấy... Lá được sấy ở nhiệt độ duy trì ở mức 70 độ C, thời gian sấy khoảng 20 tiếng. Trong quá trình sấy lá, công nhân luôn trực canh lò, đảm bảo nhiệt độ ổn định. Nếu nhiệt độ lò sấy cao quá sẽ làm cho lá bị quắt, héo không sử dụng được, còn nhiệt độ thấp thì thời gian sấy lâu hơn. Sau khi sấy đủ thời gian, lá được chuyển ra khu vực để nguội, sau đó tiến hành đóng kiện.

Các loại lá cây có họ với tre như lá giang, lá mai, lá diễn… đều sẵn có tại địa phương. Những loại cây này đã mang lại công việc, thu nhập cho nhiều người dân. Loài cây này trước đây mọc tự nhiên trên rừng, nay được người dân trồng tập trung ở nhiều nơi trong xã. Việc hái lá không những không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây tre, bương, giang mà còn kích thích chúng phát triển tốt hơn.

Anh Dương Đình Hợp cho biết, những chiếc lá này sẽ được giao cho các thương lái để sử dụng làm lá gói một loại bánh truyền thống. Lá giang, lá mai, lá diễn… được ưa chuộng và được thu mua hơn 20 năm nay bởi có mùi thơm đặc trưng, dai và lên màu đẹp.

115d4160900t4286l3.jpg
Lá sấy và phân loại xong được xếp thành từng kiện đợi để giao cho các thương lái

Theo anh Hợp, nguyên liệu của xưởng rất sẵn có trên địa bàn. Bởi lẽ, lá tre bát độ và các loại lá khác như lá giang, lá diễn, lá mai… có rất nhiều ở xung quanh. Loài cây này trước đây mọc tự nhiên trên rừng, nay được người dân trồng tập trung ở nhiều nơi trong xã. Việc hái lá không những không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây tre, bương, giang mà còn kích thích chúng phát triển tốt hơn.

Nhận thấy nguồn thu từ các loại lá cây này, người dân còn chủ động học cách chăm sóc để bảo tồn sự phát triển của cây và kích thích cây ra nhiều lá một cách tự nhiên. Chị Nguyễn Thuỷ Chung - Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Phú chia sẻ: Người dân sẽ cắt ngọn khi cây còn non khiến cây tập trung phát triển lá, như vậy cây sẽ có tán rộng, lá dày và khỏe. Kết thúc vụ sẽ chặt tỉa những cây già, tạo đà cho cây con phát triển thuận lợi.

Từ khi có những xưởng chế biến như của anh Hợp hoạt động, nhiều người dân ở địa phương có thêm thu nhập từ việc hái lá bán cho xưởng, góp phần giải quyết được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Chỉ tính số lao động thường xuyên tại xưởng cũng vài chục người... Thu nhập của nhân công tại xưởng dao động khoảng từ 100 - 150 nghìn đồng/ngày... Người dân địa phương cho biết, công việc tại xưởng sản xuất khá đơn giản, không phải dầm mưa dãi nắng, thu nhập tương đối ổn định.

Đồng chí Nguyễn Huy Chính - Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết: Hiện nay, giá bán lá giang, diễn… tươi khoảng 12.000 đồng/1kg, nhiều gia đình trồng cây lấy lá một năm cho thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng/sào. Cuộc sống của người dân trong xã đã được cải thiện rõ rệt, nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ những loại lá này.

Tương tự mô hình của anh Hợp, doanh nghiệp tư nhân lá Mai Diễn của chị Trần Thị Huyền - người Cao Lan xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng là điển hình tiêu biểu cho ý chí vượt khó, dám nghĩ dám làm, mở hướng làm giàu hiệu quả trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương…

48d1074600t35767l1.jpg
Lao động nữ tại doanh nghiệp sản xuất lá của chị Huyền

Bắt đầu từ công việc thu mua lá diễn, chè tươi bán lại cho các chủ lò sấy, chị Huyền dần tiến tới đầu tư mở lò sấy. Trải qua những bài học kinh nghiệm, những khó khăn trong quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm, những mẻ lá sấy có chất lượng hoàn hảo được đưa ra thị trường. Đơn hàng ngày càng nhiều, việc sản xuất dần ổn định đem đến nguồn thu trừ chi phí mỗi năm 400-500 triệu đồng đã giúp gia đình chị có cuộc sống dư dả.

Không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương, với cương vị Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 1, chị Huyền đã có nhiều hành động thiết thực giúp đỡ chị em phụ nữ trong khu thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chị Huyền đã giúp phụ nữ là chủ hộ nghèo mỗi hộ 20 triệu đồng không lấy lãi để xóa nhà tạm; ủng hộ quỹ mái ấm tình thương, mái ấm biên cương theo sự phát động của hội; tạo điều kiện giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có việc lớn không lấy lãi gần trăm triệu đồng…

Hiện tại doanh nghiệp của chị Huyền đã ổn định sản xuất, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho gần 50 lao động nữ địa phương. Nguồn nguyên liệu trải dài khắp các địa phương trong tỉnh và đất bạn Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái với những hợp đồng tiêu thụ trực tiếp tới Đài Loan, Trung Quốc…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Phú Thọ làm giàu từ… lá cây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO