Xã hội

Nam Định: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sạch, hiệu quả

Hoài Thu 17/10/2023 - 18:11

(TN&MT) - Hội Nông dân TP. Nam Định thông qua công tác phát triển sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng cây trồng có giá trị cao, đã phát huy Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh nông nghiệp giỏi, giảm nghèo bền vững.

Trong đó, Hội nông dân TP. Nam Định đã từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường cơ giới hóa, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm như hoa lan, quất, đào, cúc…

Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị và một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao cho doanh thu khoảng 350 triệu đồng/ha/năm trở lên. Diện tích lúa 2 vụ toàn thành 1.513 ha, năng suất lúa bình quân hàng năm đạt 91 tạ/ha.

70128.jpeg
Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị

Kết quả công tác nông nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển giữ vững vai trò chủ đạo của tỉnh, thông qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân địa phương khiến công tác giải quyết việc làm, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội có chuyển biến tích cực thông qua Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Phong trào cũng được đổi mới, nâng cao chất lượng, người nông dân đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã ghi nhận những thành quả đáng khích lệ trong việc làm thay đổi tư duy, cách nghĩ cách làm của nông dân, từ đó tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh, tiền vốn, lao động, đất đai đầu tư cho sản xuất.

Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu chuyển đổi mùa vụ và trồng cây màu, trồng hoa, cây cảnh, tập trung tích cực sản xuất các vùng chuyên canh, ứng dụng các mô hình cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích.

Hàng năm có trên 60% hộ đăng ký hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp và có trên 50% hộ đăng ký đạt hộ SXKD giỏi các cấp. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Đoàn Huy Bé, ông Trần Quang Hợp ở Nam Phong với mô hình trồng quất cảnh cho thu nhập hàng năm trên 3 tỷ đồng; hộ ông Lại Viết Thành ở Nam Vân với mô hình trồng lúa – nuôi cá cho thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng; hộ gia đình ông Đỗ Đức Toàn ở Lộc Hạ và hộ gia đình bà Đào Thị Hà ở Lộc Hòa đã dám nghĩ, dám làm mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất Nấm Đông trùng Hạ Thảo cho thu nhập từ 500-700 triệu đồng…

Bên cạnh đó, Hội Nông dân TP. Nam Định đã vận động nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững qua hình thức vận động cán bộ, hội viên, nông dân phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Tích tụ ruộng đất, không bỏ ruộng hoang, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cung cấp các loại nông sản có chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Tập trung xây dựng mô hình điểm, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị về sản xuất hàng hóa cả về cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, dịch vụ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với quy mô đảm bảo đủ sức cạnh tranh trong thị trường. Xây dựng thương hiệu cho một số nông sản, sản phẩm có thế mạnh; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác đạt từ 100-105 triệu đồng.

anh-trang-7-a.jpeg
Người nông dân ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ trong công tác sản xuất nông nghiệp

Qua đó, Hội thực hiện hướng dẫn, vận động nông dân thực hiện nghiêm túc các quy định trong trồng trọt, chăn nuôi hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn cho con người và môi trường. Vận động cán bộ, hội viên, nông dân và hộ sản xuất kinh doanh giỏi tham gia tương trợ giúp đỡ trong nội bộ nông dân để các hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện do các cấp, các ngành phát động.

Đồng thời, nông dân trong Hội cũng thường xuyên được tuyên truyền về vai trò, vị trí và tác động của kinh tế tập thể đối với sự phát triển của kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại tại các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội,... để hội viên hiểu về kinh tế tập thể, qua đó tích cực tham gia vào các hình thức liên kết.

Vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế phù hợp với từng đơn vị trong các lĩnh vực: chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ nông sản và các ngành nghề, đảm bảo an toàn, bền vững. Vận động nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt, làm trung tâm để xây dựng tổ hợp tác, tổ liên kết theo các nhóm hộ cùng mục đích sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sạch, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO