Xã hội

Mường Nhà (Điện Biên): Phát triển hợp tác xã giúp người dân thoát nghèo bền vững

Hoàng Châu - Thảo Trang 09/04/2024 - 15:58

(TN&MT) - Xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, là một huyện vùng cao biên giới. Những năm qua, xã đã tập trung phát triển kinh tế, với thế mạnh là cây dứa mật. Cùng với đó, xã hướng đến sự phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp. Đã có rất nhiều hội viên nông dân tham gia các mô hình HTX, mô hình liên kết kinh tế, từ đó giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Những năm trở lại đây, người dân ở xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương như ngô, sắn, lúa nương sang trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây dứa đang dần trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân ở Mường Nhà xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Dứa của xã Mường Nhà, huyện Điện Biên là một trong những mặt hàng nông sản rất dễ tiêu thụ trên thị trường, các thương lái từ nhiều nơi đã vào tận thôn, bản để đặt hàng, thu mua dứa. Tuy nhiên, nhằm định hướng đảm bảo cho đầu ra về lâu dài, trong năm 2022, HTX Dứa Mường Nhà được thành lập và liên kết với các hộ dân phát triển, nhân rộng và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đến nay, toàn xã Mường Nhà có 60ha dứa của gần 300 hộ dân, trong đó vùng trồng dứa tập trung tại bản Pu Lau với hơn 30ha đã liên kết với HTX Dứa Mường Nhà.

z5315662786586_57e38afa63c9013ea6dd8558359be408.jpg
Cây dứa đang dần trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân ở Mường Nhà xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Anh Vàng A Sống, bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết: Trước đây gia đình anh thuộc hộ nghèo, thu nhập gia đình phụ thuộc vào lúa nương. Nhưng từ năm 2016 đến nay, anh đã chuyển đổi gần 3.000m2 đất trồng lúa nương sang trồng giống dứa mật, mỗi vụ dứa mang lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng, giúp chúng tôi phát triển kinh tế, giảm được đói nghèo.

Ông Lò Văn Ún, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết: Hiện nay giống dứa mật được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả nhằm giúp người dân Mường Nhà nâng cao thu nhập. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật cho nông dân, giúp nâng cao năng suất, sản lượng và đặc biệt là mục tiêu sản xuất 100% theo hướng hữu cơ, phát triển sản phẩm dứa Mường Nhà trở thành một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.

z5315665077581_91a338ecdbf43ca6f88dbf93e2fec68e.jpg
Vườn dứa tại xã Mường Nhà.

Thực tế phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua cho thấy, các HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và liên kết, hợp tác phát triển sản xuất. Với điều kiện thực tế hiện nay thì mô hình HTX trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khá phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Bởi có hợp tác liên kết mới tập trung đất đai - tư liệu sản xuất chính để tạo ra vùng sản xuất tập trung, những cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu. Tạo được điều kiện cần thiết để áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất khối lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng yêu cầu của chuỗi tiêu thụ, khắc phục những nhược điểm của kinh tế hộ nhỏ, lẻ hiện có.

Theo ông Thào A Giàng, Giám đốc HTX Dứa Mường Nhà, cho biết: HTX hướng dẫn bà con trồng dứa theo quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất cũng như chất lượng quả. HTX nhận tiêu thụ toàn bộ sản lượng cho bà con, đồng thời liên kết với các công ty thu mua quả xanh, quả chín. Được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, những năm gần đây sản phẩm dứa ngày càng chất lượng, giá cả ổn định, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Có thể nói, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cây dứa mật Mường Nhà với sự giúp đỡ tích cực của cán bộ địa phương, cũng như các mô hình liên kết, HTX đã giúp người dân phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mường Nhà (Điện Biên): Phát triển hợp tác xã giúp người dân thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO