Kinh tế

Kỳ vọng cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp sớm được ban hành và thực thi

Phương Hà 25/04/2024 - 15:17

Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị định mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp. Nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước bày tỏ sự ủng hộ, kỳ vọng cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp sớm được ban hành và thực thi.

dmtkiengiang.jpg

Báo cáo tại hội thảo, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Trần Việt Hòa cho biết: Trong thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện bày tỏ sự quan tâm tham gia cơ chế DPPA và mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành cơ chế này với kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

4d007482-4079-4c48-bd26-6d6050a2ea12.jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Để định lượng nhu cầu của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, khách hàng sử dụng điện đối với cơ chế DPPA, tháng 5/2022, tư vấn quốc tế đã thực hiện cuộc khảo sát đánh giá.

9b4e64f4-2c8f-4794-a057-dcfe5210eb23.jpg
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam báo cáo tóm tắt về Dự thảo Nghị định DPPA

Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên bán (Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo): trong số 106 dự án có công suất đặt từ 30MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) trong danh sách Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Phiếu khảo sát đã được gửi tới 95 dự án và có 67 dự án phản hồi như sau: 24 dự án (công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia; 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng và 26 dự án trả lời không có nhu cầu tham gia.

Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên mua điện (khách hàng sử dụng điện là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên): phiếu khảo sát đã gửi tới 41 khách hàng, trong đó có 20 khách hàng trả lời mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu 996MW (ước tính).

3-1-.jpg

Do đó, để có cơ sở triển khai các nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, Luật Điện lực, Nghị quyết số 103/2023/QH15 và Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15, đồng thời phù hợp với thực tiễn, cần thiết xây dựng Nghị định quy định cơ chế DPPA.

Về tiến độ thực hiện xây dựng Nghị định quy định cơ chế DPPA.

Ngày 9/4/2024, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định cơ chế DPPA đã được thành lập theo Quyết định số 814/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Ngày 10/4/2024, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã họp lần thứ nhất, trong đó thảo luận Dự thảo 1 Nghị định và lấy ý kiến góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Tính đến ngày 15/4/2024, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã nhận được 14 văn bản góp ý và đã rà soát, hoàn thiện Dự thảo 1 Nghị định.

Ngày 16/4/2024, Dự thảo 2 Nghị định đã được đăng tải tại Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương và gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan (khoảng 136 đơn vị); thời hạn góp ý trước ngày 25/4/2024.

Ngày 23/4/2024, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã họp lần thứ hai , trong đó thảo luận Dự thảo 2 Nghị định và lấy ý kiến góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập.

Ngày 24/4/2024, Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Dự thảo Nghị định đã được tổ chức tại trụ sở Bộ Công Thương.

Nhận định Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta khá ổn định trong 5 - 7 năm trở lại đây (trung bình 6,5 - 7%/năm), nhu cầu điện năng tăng theo hàng năm (từ 8 - 10%/năm).

chum-anh-bo-truong-nguyen-hong-dien-chu-tri-hoi-nghi-gop-y-du-thao-20240424150502.jpg
Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo

Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Theo đó, trong lĩnh vực năng lượng vừa phải phát triển rất mạnh về nguồn, vừa chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu, hướng tới nền sản xuất xanh. Việt Nam cũng là nền kinh tế có độ mở lớn, dựa vào xuất nhập khẩu, đòi hỏi phải chuyển đổi nhanh để thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của các nước nhập khẩu. Vì vậy trong đường lối phát triển, được thể hiện trong Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đó là giảm các nguồn điện có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh các nguồn năng lượng tái tạo và các nguồn phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Đồng thời chủ trương ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm thu hút đầu tư, phát triển các loại hình nguồn điện sạch, phát triển hệ thống lưới điện thông minh, các thiết bị lưu trữ điện; từng bước phát triển, hoàn thiện thị trường điện trên cả 3 cấp độ (phát điện, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh).

Bộ Công Thương tổ chức hội thảo này để lấy ý kiến đóng góp về 3 chính sách trên tinh thần xây dựng, đề xuất chính sách mới nhưng phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp

Cơ chế phát triển mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Cơ chế phát triển điện khí

Tại hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp ủng hộ Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế DPPA và Nghị định điện mặt trời mái nhà và cho rằng cần sớm ban hành cơ chế DPPA.

51d12beb-dfc3-457b-b3cd-eed3beecb076.jpg

Bà Virginia Foote - Thành viên Ban Quản trị Nhóm Công tác Điện và Năng lượng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho biết, sẽ có một văn bản gửi góp ý đến Bộ Công Thương. Nếu các dự thảo Nghị định được thông qua, và Nghị định được ban hành sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

chum-anh-bo-truong-nguyen-hong-dien-chu-tri-hoi-nghi-gop-y-du-thao-20240424153339.jpg

Ông Nguyễn Hải Vinh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn BIM đề xuất dự thảo DPPA cần bổ sung đối tượng áp dụng trong việc mua bán điện giữa các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để đảm bảo công bằng...

chum-anh-bo-truong-nguyen-hong-dien-chu-tri-hoi-nghi-gop-y-du-thao-20240424150917.jpg

Ông Philipp Munzinger - Giám đốc Chương trình Năng lượng của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) góp ý, kiến nghị có thể thành lập hệ thống quản lý đơn vị thị trường để chuyển giao quy định về DPPA, cùng đó, nên có tách biệt Luật điện lực và DPPA để làm rõ các nội dung.

Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN tại Việt Nam, bà Bùi Thị Diệp Lâm, cũng bày tỏ sự hoan nghênh Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo DPPA và Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp.

Nhấn mạnh việc triển khai dự thảo về Nghị định có ý nghĩa quan trọng với các doanh nghiệp, bà Bùi Thị Diệp Lâm cho rằng không nên trì hoãn hơn nữa, bởi sẽ ảnh hưởng tới thu hút nước ngoài của Chính phủ. Do vậy, Bộ Công Thương cần ban hành càng sớm càng tốt, giúp cho nhà đầu tư nước ngoài an lòng, nhất là doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư mới.

40475bef3934976ace25.jpg

Việc này thúc đẩy năng lượng tái tạo và huy động đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Chúng tôi khuyến nghị sớm ban hành, trên nguyên tắc tạo độ mở cho các bên tham gia, tránh đưa vào các nội dung quá chi tiết. Việc ban hành không nhất thiết phải quá cầu toàn và lần đầu tiên thực hiện nên có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Bà Bùi Thị Việt Lâm - Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh cơ chế DPPA giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn trong trường hợp sử dụng hệ thống lưới điện quốc gia thì sản lượng của khách hàng sẽ được thanh toán theo hai thành phần, trong đó phần sản lượng tiêu thụ của khách hàng được đáp ứng từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sẽ thanh toán theo cơ chế thị trường, phần sản lượng tiêu thụ điện còn lại sẽ được thanh toán theo quy định hiện hành.

chum-anh-bo-truong-nguyen-hong-dien-chu-tri-hoi-nghi-gop-y-du-thao-20240424145425.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội thảo.

Hai chính sách về DPPA và khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu hoàn toàn thống nhất, không mâu thuẫn. Cần lưu ý là nếu bỏ cụm từ "tự sản tự tiêu" sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất, không tuân thủ các quy định của pháp luật và quy hoạch, kế hoạch phát triển điện vừa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cơ quan thường trực xây dựng Dự thảo các Nghị định sẽ tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách này, tạo điều kiện phát triển ngành điện nói riêng và năng lượng nói chung tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương

Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan truyền thông truyền tải thông điệp về bản chất khái niệm “mặt trời áp mái tự sản tự tiêu” để xã hội hiểu, chia sẻ và cùng thực hiện đúng các quy định của pháp luật, phát triển các nguồn điện hài hòa theo quy hoạch điện đã được phê duyệt trong từng giai đoạn, không gây thêm áp lực cho hệ thống truyền tải và phân phối, góp phần giảm căng thẳng trong cung ứng điện.

Vì vậy, trong giai đoạn hiện tại, trong bối cảnh điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng (trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia) là phù hợp, đảm bảo được việc ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách. Những cơ chế khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu là bước đột phá trong nỗ lực tháo gỡ các rào cản pháp lý cho phát triển nguồn điện trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp sớm được ban hành và thực thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO