Kon Hà Nừng thức giấc

Quế Mai| 31/01/2022 16:22

Chứa đựng hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao, Cao nguyên Kon Hà Nừng (Gia Lai) vừa được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới. Đây là cơ hội để Gia Lai tiếp tục giữ gìn, bảo tồn các giá trị sẵn có và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương.

Kho tàng đa dạng sinh học
Kon Hà Nừng có độ che phủ rừng đạt 71% (năm 2015), phần lớn là kiểu rừng kín, xanh, mưa ẩm á nhiệt đới, núi trung bình, đặc trưng của Tây Nguyên. Đây cũng là nơi có hệ sinh thái còn tương đối nguyên vẹn, chứa đựng mức độ da dạng sinh học cao và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái của không chỉ khu vực Tây Nguyên mà cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ của Việt Nam.

a1.-canh-quang-thien-nhien.jpg


Dẫn chúng tôi đi tham quan Khu bảo tồn động, thực vật, ông Ngô Văn Thắng - Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết: Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp, 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát và nhiều loài quý hiếm khác. Đặc biệt, Kon Ka Kinh còn có một số loài mới phát hiện như: Khướu Kon Ka Kinh và các loài đặc hữu, quý hiếm, có nguy cơ bị tiệt chủng cao nhất thế giới như voọc chà vá chân xám...
Cùng với đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã được xếp loại A, tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học với 863 loài thực vật và 380 loài động vật hoang dã có xương sống. Đây là một trong số các vùng chim quan trọng tại Việt Nam với 228 loài chim. Kon Chư Răng có độ che phủ rừng đạt 98,5%, cao nhất cả nước, cơ bản là rừng giàu - là nơi phát triển của nhiều loài thực vật đặc hữu hẹp như: xoay, giổi xanh, lan lọng hiệp, lan hoàng thảo vạch đỏ…
Mô hình phát triển bền vững

Theo UBND tỉnh Gia Lai, Khu DTSQ Kon Hà Nừng sẽ triển khai thực hiện kết hợp du lịch sinh thái, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giao đất, giao rừng phù hợp với kiến thức bản địa của dân tộc Banar, Jrai để đảm bảo nơi đây sẽ là mô hình phát triển bền vững của tỉnh Gia Lai nói riêng và của toàn quốc nói chung.
Ông Trịnh Viết Ty - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết: Cao nguyên Kon Hà Nừng được thiên nhiên ưu ái ban tặng khi có rừng nguyên sinh lớn, đất nông nghiệp, có không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, có vô vàn cảnh đẹp như hệ thống 12 thác nước cao nằm giữa rừng. Vùng lõi của Khu Bảo tồn nằm trọn trên khu vực đá mẹ có tuổi đời trên 2 tỷ năm, nhiều miệng núi lửa còn rõ nét.

Kon Hà Nừng là tên của vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam, còn được gọi là “Nóc nhà Đông Dương” với đỉnh núi cao nhất hơn 1.700m. Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích hơn 413.500ha, gồm 3 vùng chức năng. Trong đó, vùng lõi bao gồm toàn bộ diện tích của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm và vùng chuyển tiếp là hành lang đa dạng sinh học kết nối 2 vùng lõi, có diện tích rừng trải dài qua 5 huyện của tỉnh Gia Lai, tiếp giáp với 3 tỉnh: Kon Tum, Quãng Ngải và Bình Định.


Ở khu vực vùng đệm và vùng chuyển tiếp của Khu DTSQ Kon Hà Nừng có hàng chục nghìn hộ dân sinh sống, trong đó chủ yếu là người dân tộc Bahnar và Jrai. Đây là những cộng đồng có nền văn hóa đặc sắc, tiêu biểu là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận năm 2005. Nét đặc trưng của văn hóa bản địa là điểm hấp dẫn du khách để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nhằm quảng bá và kêu gọi đầu tư.
Khu DTSQ đã và đang thực hiện Tổ lâm nghiệp cộng đồng tại 3 thôn: Kon Von 1, Kon Lốc 1 và Kon Lanh Te. Tổ lâm nghiệp cộng đồng sẽ là mô hình thúc đẩy cộng đồng cùng tham gia quản lý, phục hồi và bảo vệ rừng tại khu vực này. Chính sách khuyến khích phát triển du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Gia Lai là cơ sở để Cao nguyên Kon Hà Nừng thực hiện chức năng của một mô hình phát triển bền vững: bảo tồn đa dạng sinh học đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ hội thu hút đầu tư

Ông Ngô Văn Thắng - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nhận định: Với danh hiệu Khu DTSQ thế giới, Cao nguyên Kon Hà Nừng sẽ có cơ hội thu hút các nhà đầu tư, nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước tìm đến đầu tư phát triển các dịch vụ trong vùng đệm, phát triển du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học, phục vụ cho công tác giáo dục bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

a2.-dong-long-bao-ve-rung.jpg
Cán bộ và người dân địa phương đồng lòng bảo vệ rừng.


Cùng với đó, khi các dự án được đầu tư xây dựng cho vùng đệm, vùng lõi của Kon Hà Nừng, người dân trong vùng còn có cơ hội được tham gia và hưởng lợi ích từ các hoạt động của dự án. Từ đó nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường rừng.

Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu DTSQ thế giới vì đã đáp ứng được 7 tiêu chí bắt buộc theo quy định. Cụ thể, Kon Hà Nừng có các hệ sinh thái đại diện vùng địa lý sinh học; có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học; có cơ hội cho phát triển bền vững vùng; có diện tích đủ lớn; thực hiện đầy đủ 3 chức năng về bảo tồn, phát triển và trợ giúp; có sự tham gia của cộng đồng cũng như có cơ chế quản lý, chính sách, quản trị rõ ràng.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Trưởng Ban Quản lý Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng, ông Kpă Thuyên cho biết: Tỉnh Gia Lai cam kết sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của UNESCO nhằm bảo đảm các tiêu chí và chức năng của một khu DTSQ; đồng thời, tỉnh Gia Lai cũng sẽ “biến” Khu DTSQ thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương; kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Hà Nừng thức giấc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO