Quản lý chất thải rắn

“Kích hoạt” phong trào phòng chống rác thải nhựa ở Hà Tĩnh: Bài 4: Không để “nóng trên, nguội dưới”

Đức Cảnh 08/09/2023 - 08:39

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và sự đồng lòng của người dân thời gian qua góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa. Tuy nhiên, để phong trào “chống rác thải nhựa” tiếp tục phát huy hiệu quả cần những ý tưởng mới phù hợp hơn với thực tế, đặc biệt tạo được hưng phấn cho người dân khi tham gia.

Khó cũng phải làm

Việc thực hiện hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, túi nilong gặp khó khăn vì thói quen sinh hoạt lâu nay của người dân. Hơn thế nữa, mỗi người dân có trình độ nhận thức, thời gian làm việc khác nhau, điều này được đánh giá là gây ảnh hưởng đến ý thức chung của phong trào chung tay “chống rác thải nhựa”.

anh-3.-mt.jpg
Ban quản lý chợ Hà Tĩnh đẩy mạnh tuyên truyền về chống rác thải nhựa

Thành phố Hà Tĩnh là một trong những đô thị có lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường hàng ngày khá lớn (83 tấn/ngày), riêng khối lượng phát thải nhựa ước khoảng 9 tấn/ngày. Thời gian qua, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch hành động chiến lược, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho nhân dân, giảm thiểu việc sử dụng và phát sinh rác thải nhựa.

Ngày 19/11/2021, UBND thành phố Hà Tĩnh phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố kết quả khảo sát rác thải nhựa và ký cam kết tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa. Được biết, việc tham gia vào Tổ chức WWF là một sự kiện quan trọng, chính thức đưa thành phố Hà Tĩnh trở thành một trong mười đô thị đầu tiên của Việt Nam tham gia vào chương trình mang tính toàn cầu, để thấy tính cấp bách của việc ngăn chặn rác thải nhựa ra môi trường hiện nay.


UBND thành phố Hà Tĩnh cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ WWF đã ban hành nhiều kế hoạch hành động, cam kết giải quyết các vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, hướng tới xây dựng Hà Tĩnh trở thành đô thị không rác thải nhựa vào năm 2030

Ông Lê Quang Đức- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh

Ngay khi tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa, lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện tại các địa bàn phường, xã. Đến nay, việc triển khai kế hoạch đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Triển khai Chương trình Đô thị giảm nhựa, dễ nhận thấy người dân đã bắt đầu thay đổi nếp nghĩ về rác thải, một số nơi khi triển khai thí điểm rất hào hứng tham gia. Bà Lê Thị Hoa, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, cho biết: “Nếu mục tiêu không còn rác thải nhựa ngoài thiên nhiên thì đó là điều quá tốt, chúng ta nên hành động để đạt được. Do vậy, thay đổi thói quen, dù khó cũng phải làm và bắt đầu từ ngay bây giờ”.

anh-2.-mt.jpg
Ông Nguyễn Đình Khang, Phó Ban Quản lý chợ Hà Tĩnh cho rằng phong trào chống rác thải nhựa là một câu chuyện dài cần phải được "giữ lửa"

Cùng những kết quả đạt được, theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Tĩnh cho hay, hoạt động tuyên truyền về giảm nhựa trên địa bàn thời gian qua được triển khai đa dạng, liên tục trên nhiều phương tiện, đối tượng đa dạng từ học sinh, giáo viên, phụ nữ, tiểu thương tại các chợ, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn. Hình thức hỗ trợ hợp lý, bao gồm kiến thức, kỹ năng và tài chính.

anh-3.-bai-2.jpg
Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng

Có thể kể đến một số nỗ lực như: Không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần như nước đóng chai trong hội họp, hạn chế sử dụng băng rôn, ma két in bằng chất liệu vải/bạt nhựa; hỗ trợ xây dựng ngôi nhà xanh phục vụ công tác phân loại tái sử dụng rác thải; Khảo sát và xử lý điểm nóng về môi trường tại chợ Đò, xã Đồng Môn; Hỗ trợ Hội nông dân trong việc xây dựng các hố thu gom bao bì thuốc BVTV trên các cánh đồng; tập huấn cho đoàn viên cốt cán về kỹ năng làm phim tuyên truyền về rác thải nhựa;, xây dựng và thực hiện kế hoạch trường học không rác thải nhựa tại sáu trường học …”

Tránh để “trên nóng, dưới nguội”

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, đoàn thể tại Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực, quyết liệt trong việc triển khai nhiệm vụ chống rác thải nhựa, như: kế hoạch phòng chống rác thải nhựa trên toàn địa bàn do UBND tỉnh ban hành vào tháng 5/2019; phong trào “Phân loại rác tại nguồn” do Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện; phong trào “Chống rác thải nhựa” do Hội Nông dân tỉnh phát động vào tháng 4/2021; mô hình “chợ dân sinh giảm thiểu thải rác thải nhựa” do Tỉnh đoàn triển khai vào tháng 6/2021...

Mặc dù đã ghi nhận một số kết quả khả quan nhưng nhìn chung việc quản lý, giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt nói chung, chất thải nhựa nói riêng trên địa bàn chưa được như kỳ vọng. Nhiều ý cho rằng, để hoạt động phong trào “chống rác thải nhựa” phát huy hiệu quả cần những ý tưởng mới phù hợp hơn với thực tế, đặc biết kích thích sự hưng phấn cho người dân khi tham gia.

Có thể thấy, tại thành phố Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2025, khoảng 30% chợ dân sinh trên địa bàn cam kết giảm phát sinh túi nilong, cải thiện việc quản lý rác thải, tham gia phân loại rác thải theo kế hoạch. Bởi lẽ, ngoài trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn thì các hoạt động ở chợ được xác đinh là nơi sử dụng túi nilong và các sản phẩm nhựa một lần rất lớn.

anh-4.-mt(1).jpg
Lắp đặt pa no tuyên truyền tại chợ Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Đình Khang, Phó Ban Quản lý chợ Hà Tĩnh, cho biết: “Việc hạn chế để tiến tới nói không với túi nilong và sản phẩm nhựa dùng một lần là một chủ trương đúng đắn, rất tốt. Nhận thức được việc đó, đơn vị thời gia qua đã tích cực phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thực, đồng thời tiến hành ký cam kết với các hộ kinh doanh”.

“Qua khảo sát có một thực tế ngoài thói quen tiện dụng của túi nilong thì người dân đến chợ hiện nay nếu “nói không” thì lấy gì để thay thế ? Công tác chống rác thải nhựa được triển khai ở chợ vì thế xét hiệu quả cũng chỉ mới dừng lại ở công việc tuyên truyền, việc phối hợp của người dân đã có chuyển biến nhưng mới ở mức độ nhận thức”, ông Nguyễn Đình Khang cho hay.

anh-6.mt.jpg
Ông Nguyễn Công Hoài, Phó phòng Kế hoạch thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Hà Tĩnh cho rằng công tác chống rác thải nhựa phải làm tốt thì người dân mới hào hứng tham gia

Lồng ghép phong trào chống rác thải nhựa, đề án “phân loại rác tại nguồn” được triển khai trên địa bàn thành phố được đặt nhiều kỳ vọng sẽ giảm lượng rác thải phát sinh, hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra. Theo đó, sau thời gian triển khai thí điểm tại các phường trung tâm của thành phố Hà Tĩnh, gồm: Nam Hà, Bắc Hà, Tân Giang, Trần Phú, đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

anh-7.mt.jpg
Hoạt động thu gom rác phân loại tại nguồn của công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Công Hoài, Phó phòng Kế hoạch thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Hà Tĩnh (đơn vị thu gom), cho biết: “Việc phân loại hiện nay chưa triệt để dẫn đến khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển nên không phát huy được hiệu quả. Các hộ thường sử dụng túi bóng đựng các loại rác thải ra bên ngoài mà không bỏ vào thùng phân loại; còn tại các phòng trọ, cơ quan, đặc biệt là các trung tâm thương mại, chợ thì gần như chưa phân loại”.

Qua tìm hiểu, bên cạnh những gia đình nghiêm túc thực hiện thì còn nhiều hộ vẫn đang ảnh hưởng lớn do thói quen. Không những vậy, nhiều ý kiến cho rằng tại nguồn thì phân loại nhưng khi tập kết trung chuyển lại cho vào một chổ, vì thế việc tham gia phong trào của người dân cũng đang giảm dần hứng thú !.

Bài cuối: Giải pháp bền vững ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Kích hoạt” phong trào phòng chống rác thải nhựa ở Hà Tĩnh: Bài 4: Không để “nóng trên, nguội dưới”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO