Xã hội

Huyện Sông Hinh – Phú Yên : Tận dụng nguồn nước cải thiện sinh kế người dân

Đỗ Vương 11/10/2023 - 18:24

Sông Hinh có nguồn tài nguyên nước đa dạng và phong phú đã và đang được sử dụng hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội của huyện miền núi Sông Hinh, phía tây TP.Tuy Hòa tỉnh Phú Yên

Các công trình nước ngọt như: Hồ thủy điện Sông Hinh; thủy điện Sông Ba Hạ; Hồ thủy điện Krông H’Năng và nhiều công trình thủy lợi rất thuận lợi cho phát triển Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên tình trạng thiếu lương thực vẫn xảy ra hàng năm, mà nguyên nhân chính là do nguồn tài nguyên nước chưa được đồng bào sử dụng khai thác khoa học và hợp lý để đưa sản xuất lúa nước từ một vụ nhờ nước trời thành hai vụ lúa ổn định nhờ các công trình thủy lợi.

song-hinh.jpg
Một góc huyện Sông Hinh - Phú Yên

Để sử dụng hiệu quả tài nguyên nước vào mục đích sản xuất nông nghiệp mà mục tiêu là chủ động vấn đề lương thực tại chỗ hàng năm bằng việc tăng vụ, huyện Sông Hinh không triển khai tràn lan mà chọn địa phương làm mô hình làm “điểm” sau đó mới từng bước nhân ra diện rộng. Song song với việc sử dụng hiệu quả tài nguyên nước để mở rộng diện tích và tăng vụ là việc phổ biến rộng rãi cho đồng bào DTTS kỹ thuật trồng lúa nước như: sử dụng giống mới, bón phân, sử dụng thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ, tưới tiêu nước đúng cách.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Trên địa bàn huyện có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 47,9% dân số là người dân tộc thiểu số Ê Đê, Ba Na, Chăm, Tày, Nùng, Dao… Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số của Sông Hinh đã có nhiều đổi thay, khởi sắc. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên vẫn còn nhiều gia đình khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, hộ tái nghèo còn cao. Trước thực trạng đó, huyện đã triển khai nhiều dự án, chương trình từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp bà con có kế sinh nhai, thoát nghèo bền vững.

Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Sông Hinh là huyện miền núi nghèo, vùng đặc biệt khó khăn của huyện lại càng nghèo hơn. Những ngày đầu khi địa phương bắt tay vào giảm nghèo cho vùng này gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, dân trí thấp… Nhưng nhờ người dân đồng lòng, chính quyền các cấp nỗ lực, vùng đặc biệt khó khăn của huyện đã thực sự thay đổi.

thuy-dien-song-hinh2.jpg
Sông Hinh có nguồn tài nguyên nước đa dạng và phong phú đã và đang được sử dụng hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, UBND huyện Sông Hinh đã và đang tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thường xuyên tiếp cận để tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, tinh thần vươn lên thoát nghèo của người dân. Các ban ngành, đoàn thể triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất giảm nghèo, chuyển đổi nghề nghiệp, đa dạng hóa sinh kế; tổ chức tốt các phiên giao dịch giới thiệu việc làm cho người dân; quan tâm xóa nhà tạm… “Sông Hinh phấn đấu đến cuối năm 2023 tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 7,22%, đến năm 2025 còn dưới 2%. Đồng thời phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm”, ông Đinh Ngọc Dạn cho biết thêm.

Ksor Đhăng ở buôn Bá, xã Ea Bá mấy năm trước đây từng là hộ nghèo trong buôn. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn mở mang kiến thức, học tập kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt. Từ những kiến thức đã học, với ý chí tự thân vươn lên, vợ chồng Đhăng mạnh dạn chuyển sang canh tác các loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao như nuôi bò lai, nuôi dê, trồng sắn cao sản.

Ksor Đhăng cho biết, sau khi lập gia đình và ra ở riêng, cuộc sống của 2 vợ chồng rất khó khăn. Nhờ Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, vốn, vợ chồng chịu khó làm lụng nên đời sống đã từng bước cải thiện. Hằng ngày, Ksor Đhăng tìm đến các bìa rẫy, bờ suối để hái lá cây về làm thức ăn cho dê. Chăm chút tỉ mỉ, từ vài con giống ban đầu, đàn dê không ngừng tăng lên, trở thành một trong những nguồn thu nhập ổn định của gia đình.

Ksor Đhăng chia sẻ: “Từ đàn dê này, mỗi năm tôi bán hơn chục con, trừ chi phí, lãi khoảng 20 triệu đồng, gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định và ngày càng tốt hơn”.

Tại xã Ea Lâm, nguồn nước tưới từ công trình Trạm bơm Ea Lâm II, đã biến hơn 20 ha đất hoang hóa thành đất trồng lúa nước, nhờ vậy gần 40 hộ dân ở đây dã có cuộc sống ổn định, hàng năm không còn lo thiếu lương thực, có đủ gạo ăn và còn có dư để bán tăng thêm thu nhập. Những vụ lúa nước vừa qua năng suất bình quân đạt từ khoảng 5tấn/ha đến 6,5 tấn /ha. Từ kết quả rất đáng khích lệ của mô hình trình diễn sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước ở Ea Lâm, huyện Sông Hinh tiếp tục hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật để giúp nông dân sản xuất lúa nước vụ hè thu 2023, đồng thời tiếp tục công tác tập huấn để nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân trong các vụ tiếp theo, từng bước hình thành tập quán canh tác lúa nước cho đồng bào các DTTS trong huyện.

Đây là điều mong mỏi lớn nhất của gia đình tôi. Lần đầu tiên làm lúa nước, chưa có kinh nghiệm nên tôi học hỏi mọi người cách chăm sóc cho thật tốt. Nếu thuận lợi, ruộng lúa này sẽ cho thu hoạch từ 10-15 bao như người ta. Được vậy thì tôi mừng lắm, không lo thiếu đói nữa”, Hờ Diên thổ lộ.

Theo ông Y Dố, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lâm thì, trước đây người dân Ea Lâm chỉ biết trồng lúa dọc theo các triền sông, suối, nhưng không ổn định vì phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Tình trạng thiếu đói giáp hạt vẫn thường xuyên xảy ra. Nhưng từ ngày có 2 công trình trạm bơm, đảm bảo nước tưới đầy đủ, bà con lại được học cách trồng lúa đúng kỹ thuật, nên đã chủ động nguồn lương thực, không còn sợ đói nữa...

Được biết, từ mô hình Ea Lâm, thời gian tới huyện Sông Hinh sẽ chỉ đạo các địa phương trong huyện mở rộng diện tích hoang hóa và tăng thêm vụ sản xuất lúa, để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước hiện có từ các công trình thủy lợi. Đó chính là biện pháp hữu hiệu, thiết thực để huyện Sông Hinh giải quyết tích cực vấn đề lương thực tại chỗ và đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các DTTS nơi đây./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Sông Hinh – Phú Yên : Tận dụng nguồn nước cải thiện sinh kế người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO