Hiệu quả công tác giảm nghèo ở Tam Đảo

Hoàng Hiền| 30/03/2023 15:56

(TN&MT) - Tam Đảo là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc với gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, những năm gần đây, các cấp, ngành của huyện Tam Đảo đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.

Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hằng năm, huyện Tam Đảo đã chỉ đạo các xã, thị trấn điều tra, rà soát từng thôn, từng hộ, qua đó, tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp hỗ trợ phù hợp; ưu tiên đối tượng thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn khó khăn, khu vực miền núi. Chính quyền xã đã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, học nghề, xuất khẩu lao động, qua đó giúp người dân có thu nhập và nâng dần mức thu nhập, giảm nghèo, hướng đến thoát nghèo.

30102021bakich.jpg
Mô hình trồng cây dược liệu của người dân tại huyện Tam Đảo

Năm 2022, công tác giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo sát sao, liên tục. UBND đã ban hành kế hoạch giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, cùng với thực hiện “Đề án phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tam Đảo giai đoạn 2021 - 2025” và kế hoạch giảm nghèo bền vững năm 2022, số lao động được giải quyết việc làm mới trong năm 2022 ước khoảng 2.500 lao động, đạt 100% kế hoạch năm và so với cùng kỳ.

Để hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, người dân được khuyến khích tận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Các hộ nghèo được tạo điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình kinh tế gia trại, trang trại; tiếp tục duy trì các vùng sản xuất chuyên canh có giá trị kinh tế cao.

Điển hình như mô hình hợp tác xã trồng na dai tại xã Bồ Lý đã giúp nhiều nông dân địa phương vươn lên thoát nghèo bằng cách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển trồng na dai có quy trình, kế hoạch theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP. Trong đó, hợp tác xã đảm nhiệm các khâu kỹ thuật, đầu ra, quảng bá sản phẩm, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tập thể. Đến nay, sản phẩm xuất ra thị trường đều có tem nhãn truy xuất nguồn gốc và được kiểm soát quy trình. Từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, giá trị kinh tế na dai Bồ Lý được nâng cao, thị trường được mở rộng, không chỉ cung cấp cho các thương lái trong tỉnh mà na còn được tiêu thụ trong các hệ thống cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn của Phú Thọ và Hà Nội.

Ông Trần Nam Thanh - Chủ tịch UBND xã Bồ Lý cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích bà con tham gia vào mô hình hợp tác xã, mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng giúp người dân làm giàu từ cây na. Việc phát triển cây na là bước đi đột phá trong phát triển kinh tế, giúp đời sống của người dân được nâng lên. Nhờ trồng na, không ít hộ đã giảm nghèo thành công, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu nhờ thương hiệu na dai Bồ Lý".

Ngoài việc phát triển kinh tế từ mô hình hợp tác xã, huyện cũng chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục tại vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các hộ nghèo tại đây được hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, được hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi… Hàng năm, bà con nhân dân đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Nhờ sự vào cuộc tích cực, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền các địa phương và người dân, cuối năm 2022, tính theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, huyện Tam Đảo còn 397 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 1,57% - giảm 179 hộ tương đương 0,67% so với đầu năm; hộ cận nghèo còn 1.119 hộ, chiếm tỉ lệ 4,42% - giảm 240 hộ tương đương 0,87%.

anhongchinhaina.jpg
Na dai Bồ Lý mang lại giá trị kinh tế cao và giúp tăng thu nhập của người dân địa phương

Để phát huy những thành công đó, thời gian tới, UBND huyện Tam Đảo tiếp tục đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, phát triển du lịch, đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại cả về hình thức lẫn nội dung. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi kinh tế, Nghị quyết của HĐND tỉnh về các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm; đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội… Phấn đấu đến năm 2025, huyện cơ bản đủ các điều kiện trở thành thị xã Tam Đảo. Cụ thể, mục tiêu của huyện năm 2023 là giảm tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới từ 0,5 - 1% so với năm 2022; tạo việc làm mới cho trên 2.500 lao động; tốc độ tăng giá trị sản xuất ước tăng từ 7 - 9%, trong đó, nông - lâm - thủy - sản tăng từ 2,5 - 3%; công nghiệp - xây dựng tăng 8 - 9%; dịch vụ tăng 8,86 - 13,07%...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả công tác giảm nghèo ở Tam Đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO