EVN lỗ lớn, đề xuất điều chỉnh tăng giá điện

Phương Hà| 06/04/2023 12:34

(TN&MT) - Bộ Công thương vừa qua đã công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Kết quả kiểm tra cho thấy, năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN được thực hiện bởi Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện của các Bộ, cơ quan, hiệp hội có liên quan: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

1008.jpg

Năm 2022 EVN lỗ hơn 26.235 tỷ đồng

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng; năm 2022 là 493.265,30 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.

Theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đ/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; tuy nhiên tới năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021 (trong đó các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên).

1007.jpg

Năm 2022, tổng chi phí khâu phát điện là 412.243,53 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.698,45 đồng/kWh. So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng 72.855,58 tỷ đồng. Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.854,57 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 69,44 đ/kWh.

Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 62.543,78 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 257,68 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.623,41 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,69 đồng/kWh. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 387,55 tỷ đồng.

Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2022 là 242,72 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2022 là 456.971,15 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2021. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh, tăng 1,46% so với năm 2021.

Đề xuất điều chỉnh tăng giá điện

Giải trình về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022 với khoản lỗ cao, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cho biết: Nguyên nhân chính là do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong đó, riêng chỉ số giá than trong năm 2022 đã cao gấp hơn 3 lần, có thời điểm hơn 4 - 5 lần so với thời điểm của năm 2021; giá dầu và khí cũng tăng khoảng 2 lần… khiến chi phí sản xuất điện tăng cao.

Trước tình hình đó, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp cắt giảm, tiết kiệm chi phí, tối ưu hệ thống vận hành. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh thua lỗ trong hai năm 2021 và 2022 cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động hiện nay của EVN. Theo đó, EVN đã đề xuất trình Chính phủ và Bộ Công thương điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân.

1006.jpg

Liên quan đến việc tăng giá điện, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về Cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, sẽ căn cứ vào thông số đầu vào. Nếu giá bán điện bình quân tăng 3 - 5% so với mức giá hiện hành, EVN được quyết định điều chỉnh giá; mức giá bán lẻ bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến.

Thời gian qua, EVN đã xây dựng những phương án để điều chỉnh giá điện và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã rà soát, kiểm tra các phương án của EVN và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EVN lỗ lớn, đề xuất điều chỉnh tăng giá điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO