Đà Nẵng: Thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa, hướng đến cuộc sống phát triển bền vững

Anh Dũng| 24/03/2023 16:57

TP. Đà Nẵng đang phải đối mặt với tình trạng rác thải nhựa ngày một gia tăng, ảnh hưởng đến môi trường sống và hệ sinh thái. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Đà Nẵng đã thông qua nhiều chương trình, dự án thúc đẩy hoạt động phân loại, tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế.

h1.-dn-trien-khai-ke-hoach-nam-2023-doi-voi-du-an-xay-dung-mot-nen-kinh-te-tuan-hoan-ben-vung-cho-rac-thai-nhua-tai-viet-nam-.jpg

Đà Nẵng triển khai kế hoạch năm 2023 đối với dự án “Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam”

Mỗi năm thải ra 80.000 tấn rác thải nhựa, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân

Theo kết quả điều tra, mỗi năm, Đà Nẵng thải ra môi trường trung bình 80.000 tấn rác thải nhựa. Các hộ gia đình ở căn hộ riêng, chung cư xả thải túi nilon đến 11.198 tấn/năm, màng chất dẻo các loại là 4.587 tấn/năm, chai nhựa đựng đồ uống khoảng 800 tấn/năm, xốp nhựa khoảng 700 tấn/năm. Rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ dịch vụ ăn uống khoảng 500 tấn/năm.

Trong khi đó, hoạt động từ các văn phòng, vận chuyển, kho bãi, dịch vụ ăn uống, lưu trú, bán lẻ, bán buôn và các dịch vụ khác phát thải khối lượng túi nilon lên đến 20.019 tấn/năm, màng chất dẻo các loại khoảng 7.525 tấn/năm, chai nhựa đựng đồ uống khoảng 2.000 tấn/năm, xốp nhựa khoảng 1.800 tấn/năm và rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ dịch vụ ăn uống khoảng 4.500 tấn/năm…

Mặc dù thành phố đã nỗ lực thu gom chất thải sinh hoạt, nhưng khối lượng chất thải nhựa xả bừa bãi ra môi trường khoảng 3.218 tấn/năm, trong số đó có khoảng 8% chất thải nhựa không được kiểm soát trong môi trường, có khả năng sẽ gây ra thiệt hại cho môi trường và hệ sinh thái.

h2.-thu-mua-va-van-chuyen-rac-thai-nhua-gia-tri-thap-tu-cua-hang-thu-mua-phe-lieu-den-co-so-tai-che.jpg

Thu mua và vận chuyển rác thải nhựa giá trị thấp từ cửa hàng thu mua phế liệu đến cơ sở tái chế, tạo sinh kế cho người dân

Giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, tạo thu nhập cho người dân

Từ giữa năm 2019, Đà Nẵng đã triển khai phân loại rác tại nguồn (PLRTN) theo Quyết định số 1577/QĐ-UBND trong giai đoạn 2019 - 2025. Trong 3 năm qua (2020-2022), thành phố đã đầu tư đồng bộ công tác triển khai phân loại từ truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, tổ chức đầu tư trang thiết bị đến hạ tầng thu gom, xử lý.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Đà Nẵng, với việc triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, tăng tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, năm 2022, đã có 89,46% số hộ gia đình, 88,91% số tổ dân phố, 79,69% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, 100% trường học phân loại rác.

Kết quả thu về có hơn 1.717 tấn rác tài nguyên được thu gom, tái chế, thu được tổng số tiền trên 4 tỷ đồng; hơn 330.000 kg rác nguy hại được thu gom sau phân loại; khoảng 5.082 tấn chất thải rắn xây dựng và rác cồng kềnh, kích thước lớn được thu gom.

Sau gần 2 năm (2020-2022) triển khai, dự án “Xây dựng mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp” nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn do Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP. Đà Nẵng thực hiện mang lại hiệu quả xã hội tích cực, giúp nhiều người hưởng lợi. Dự án còn hỗ trợ vay vốn cho 9 chị thành viên CLB phụ nữ buôn bán ve chai với số tiền 150 triệu đồng để phát triển kinh tế, hỗ trợ 6 xe đạp và 4 xe đẩy để chị em thực hiện thu gom ve chai. Các mô hình PLRTN, mô hình trồng chuối lấy lá, mô hình sản xuất phân hữu cơ đã huy động được sự tham gia của cộng đồng qua đó giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường; đồng thời xây dựng được nguồn quỹ an sinh xã hội. Từ hiệu quả đạt được của dự án, Hội LHPN thành phố tiếp tục ban hành kế hoạch nhiệm vụ công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2022-2026.

Phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Đà Nẵng triển khai thực hiện với nhiều hoạt động ý nghĩa, cách làm hay, hiệu quả, điển hình như mô hình “Khu dân cư phân loại rác”, “Ngôi nhà thu gom rác thải nhựa”, “Chợ giảm túi nilon”, “Đô thị giảm nhựa”, “Đổi rác lấy quà”… tạo nguồn quỹ cho các hoạt động an sinh xã hội và hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

h3.-ngu-dan-thu-gom-rac-thai-nhua-tren-song-phu-loc-va-ven-bo-bien-da-nang.jpg

Ngư dân thu gom rác thải nhựa trên sông Phú Lộc và ven bờ biển Đà Nẵng

Thời gian qua, thành phố đã xúc tiến 9 dự án hợp tác quốc tế hỗ trợ Đà Nẵng quản lý chất thải rắn, PLRTN, quản lý rác thải nhựa... với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024. Trong đó, có thể kể đến Dự án “Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam” do Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch tài trợ thông qua Tổ chức iDE. Với tổng mức kinh phí 34,6 tỷ đồng, dự án có thời gian thực hiện 3 năm (2022-2024).

Dự án đặt mục tiêu tạo công ăn việc làm cho khoảng 750 nhân viên ở các điểm thu gom, trung chuyển hoặc đơn vị phân loại rác; 750 người thu mua, nhặt rác tăng thu nhập thông qua các mối liên kết tốt hơn với thị trường; nâng tỷ lệ thu hồi nhựa ở địa bàn dự án lên mức 35% nhằm tránh lượng rác thải nhựa này có khả năng trôi ra đại dương; 1 mô hình tái chế phù hợp và 125 cửa hàng thu gom rác tại Đà Nẵng. Theo Tổ chức iDE cho biết, năm 2022, Ban quản lý dự án (BQLDA) đã phối hợp với Sở TN&MT, Phòng TN&MT ba quận: Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn để triển khai hướng dẫn và tư vấn một số cơ sở, hộ kinh doanh thu mua phế liệu và tái chế rác thải nhựa các thủ tục về phòng cháy chữa cháy và quy trình cấp giấy đăng ký kinh doanh; tập huấn về phân loại rác thải nhựa và cung cấp thông tin về kinh doanh có trách nhiệm. Đặc biệt, BQLDA cũng đã kết nối và thu gom 7,5 tấn rác thải nhựa dùng một lần, đưa đến 1 cơ sở tái chế nhựa...

Ngoài ra, một trong mục tiêu đáng lưu ý của dự án là Doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa ReForm thực hiện hoạt động nghiên cứu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm tái chế cùng với Công ty Thương mại Oceanworks (Hoa Kỹ) với mục tiêu phấn đấu tổng giá trị đơn đặt hàng nhựa từ Việt Nam thông qua các doanh nghiệp kết nối khoảng 1,8 triệu USD và sẽ có khoảng 10 công ty mua nhựa tái chế từ Việt Nam thông qua dự án.

Trong năm 2023, BQLDA sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị thực hiện các giải pháp nhằm tăng 10,5% tỷ lệ thu hồi nhựa từ các loại rác thải nhựa; tiếp tục kết nối 300 người thu gom rác thải nhựa với các đơn vị thu gom, tái chế nhằm tăng thu nhập hàng ngày cho người lao động; tập huấn cho 100 cửa hàng thu gom về kinh doanh có trách nhiệm và kinh doanh ngành nhựa để bán thông qua các đối tác thương mại và những cơ sở thu mua khác; hỗ trợ, kết nối các đối tác thương mại trong dự án tham gia hội thảo, triển lãm quốc tế… nhằm tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy tăng nhu cầu đầu ra cho các sản phẩm nhựa tái chế.

Qua đó, đóng góp tích cực cho việc thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” cũng như công tác PLRTN, quản lý rác thải nhựa của thành phố, đồng thời tạo nguồn thu nhập cho người dân và cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa, hướng đến cuộc sống phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO