Chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc năm 2022 như thế nào?

Báo Tài nguyên & Môi trường | 13/04/2022, 14:21

(TN&MT) - Bạn đọc Nông Thanh Hương (Thái Nguyên) hỏi: Gia đình tôi thuộc diện nghèo, sinh sống trên địa bàn miền núi, khó khăn. Hiện, gia đình tôi đang gặp khó khăn về khai thác nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Xin hỏi, gia đình tôi có được nhận hỗ trợ của nhà nước để giải quyết khó khăn về nguồn nước hay không?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025, 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Để đạt mục tiêu này, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (Ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình); Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung (Ưu tiên cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh).

anh-minh-hoa-gdpl-dtmn-so-2.jpg
Ảnh minh họa

Theo Điều 6, Thông tư số 15/2022/TT-BTC, quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, việc hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán như sau:

Căn cứ danh sách các hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đăng ký của các hộ dân về phương thức thực hiện; cơ quan được giao nhiệm vụ và dự toán kinh phí tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện (các hộ dân nhận lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước; tự làm bể chứa nước; tự đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước khác) gửi cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng hộ dân, tối đa 03 triệu đồng/hộ (mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 01 lần). Trường hợp mua sắm hiện vật để cấp cho các hộ dân, định mức chi nêu trên đã bao gồm các chi phí phát sinh khi tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Việc cấp phát, thanh toán cho các đối tượng được hưởng chính sách thực hiện như sau: Đối với các hộ dân được cấp lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước, căn cứ danh sách đăng ký của các hộ dân, hợp đồng cung ứng giữa đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ với đơn vị cung ứng lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước; số lượng thực tế cấp cho các hộ dân theo biên bản bàn giao giữa đơn vị cung ứng và từng hộ dân (có ký nhận của người đại diện hộ), cơ quan được giao nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện kiểm tra, rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để thanh toán cho các đơn vị cung cấp lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước theo quy định; Đối với các hộ dân tự làm bể chứa nước, tự đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước khác, căn cứ định mức hỗ trợ theo quy định và danh sách đăng ký của các hộ dân, sau khi có biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành (có chữ ký xác nhận của đại diện hộ gia đình và ít nhất một tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương), cơ quan được giao nhiệm vụ và dự toán kinh phí kiểm tra, thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để thanh toán cho các hộ dân.

Bài liên quan
  • Mức phạt đối với hành vi xả thải làm ô nhiễm sông suối
    (TN&MT) - Hiện nay trên địa bàn nơi tôi sinh sống có một Công ty khai thác quặng gây rất nhiều ảnh hưởng tới những người dân sống quanh đây như: bụi, bẩn,.... Công ty còn trực tiếp rửa quặng tại đây xả ra suối làm ảnh hưởng tới nguồn nước. Xin hỏi, việc rửa quặng xả trực tiếp ra suối gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt như thế nào? (Nguyễn Văn Thơm, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO