Tài nguyên nước

Cần thiết lập hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước

Trường Giang - Khương Trung 26/10/2023 11:10

Góp ý vào Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 5, đồng thời đã bổ sung nhiều quy định mới, trong đó nhiều nội dung quy định xuất phát từ thực tiễn quản lý thời gian qua và những vấn đề hiện nay và trong thời gian tới về quản lý và sử dụng tài nguyên nước.

Sáng 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Cần thiết lập hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước

Góp ý về quy định hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước tại Điều 7 của Dự thảo luật, đại biểu Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu và là điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số, do đó việc phát triển hạ tầng dữ liệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện vào việc thiết lập hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

dai-bieu-vuong-thi-huong-doan-dbqh-tinh-ha-giang.jpg
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Đại biểu cho rằng, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã hướng tới cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo xu hướng hiện đại của thế giới là quản lý quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số thông qua hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, trong đó nguyên nhân là thiếu nguồn lực thực hiện. Để giải quyết tình trạng này cần thiết đầu tư hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tập trung trên phạm vi toàn quốc. Trong dự thảo luật chưa quy định rõ ràng về thời hạn lộ trình xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, vì vậy đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời hạn lộ trình hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, nhằm phục vụ cho công tác quản lý quản trị tài nguyên nước theo công nghệ số của trung ương và địa phương.

Nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên nước

Góp ý đối với quy định về kê khai đăng kí cấp phép tài nguyên nước, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu bày tỏ sự thống nhất với quy định về việc kê khai đăng ký, cấp phép tài nguyên nước được quy định tại dự thảo Luật. Đại biểu cho biết, công tác cấp phép tài nguyên nước đã được triển khai thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua. Việc cấp phép tài nguyên nước là một trong các biện pháp để quản lý, kiểm soát được hoạt động khai thác nước của tổ chức, cá nhân. Từ đó đánh giá được nhu cầu khai thác, sử dụng nước để có các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước phù hợp. Đồng thời, việc cấp phép tài nguyên nước và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cũng góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên nước.

ai-bieu-le-thi-ngoc-linh-doan-dbqh-tinh-bac-lieu.jpg
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh cho rằng, trong bối cảnh nguồn nước có nguy cơ ngày càng thiếu hụt không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì việc bổ sung đối tượng phải kê khai, đăng ký về tài nguyên nước là phù hợp.

Theo đại biểu Lê Thị Ngọc Linh, dự thảo Luật sửa đổi lần này quy định lộ trình thực hiện việc kê khai thác nước dưới đất để sử dụng cho mục đích sinh hoạt được thực hiện từ ngày 1/7/2026 là phù hợp. Dự thảo Luật cũng quy định do Chính phủ quy định chi tiết, trình tự, thủ tục kê khai, đề xuất Chính phủ quy định việc kê khai nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện với quy trình, thủ tục đơn giản để tạo thuận lợi cho người dân chấp hành quy định kê khai.

Ngoài ra, dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này đã giải quyết cơ bản vấn đề giao thoa, chồng chéo, tách bạch giữa quản lý tổng hợp, thống nhất về tài nguyên nước với quản lý vận hành công trình khai thác, sử dụng nước như công trình thủy lợi, thủy điện cấp nước, đô thị, nông thôn, cấp nước, công nghiệp, dịch vụ giao thông thủy.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh cũng đề xuất Chính phủ cần có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký cấp phép đối với các công trình thủy lợi đơn giản, thuận lợi để nhanh chóng nắm bắt được hoạt động khai thác nước đối với các công trình thủy lợi phục vụ cho công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan đôn đốc triển khai việc đăng ký cấp phép khai thác nước của các công trình thủy lợi sau khi luật được ban hành.

261020230840-z4818535047362_a7a5db7ec15047393bdb0507c8558c1c(1).jpg
Quang cảnh phiên thảo luận
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết lập hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO