Xã hội

Cái túi đựng Na-va

PGS TS Phạm Huy Dương, TS. Nguyễn Văn Minh, Đại tá Đậu Xuân Luận 03/05/2024 - 22:41

(TN&MT) - Trong cái thung lũng ở rất xa hậu phương, xung quanh là núi cao, một đạo quân dù mạnh đến đâu cũng giống như đã nằm trong cái túi. Và khi tất cả các đường bộ, cầu hàng không đều bị cắt, việc còn lại là chống chọi và ngồi chờ đối phương thít dần miệng cái túi đó lại.

anh-nen.-thung-lung-muong-thanh.png

Ẩn số lòng chảo Điện Biên

Điện Biên Phủ là một huyện của tỉnh Lai Châu (nay thuộc tỉnh Điện Biên), nằm trong thung lũng Mường Thanh. Thung lũng Mường Thanh như một hình bầu dục chạy dài từ Bắc xuống Nam, chiều dài khoảng 20km, chiều rộng trung bình từ 6-8km, là một cánh đồng bằng phẳng phì nhiêu, rộng nhất, giàu nhất, đông dân nhất trong 4 cánh đồng lớn ở Tây Bắc.

Điện Biên Phủ có con sông Nậm Rốm chảy qua, có trục đường 41 chạy dọc từ Bắc xuống Nam. Phía Đông và phía Tây thung lũng là 2 dãy núi chạy dọc và khép lại ở 2 đầu, bao kín thung lũng. Dãy Pú Hồng ở phía Đông có những đỉnh núi cao, cây thưa, thoải dần xuống thung lũng. Dãy Pú Tó Cọ ở phía Tây, núi cao, rậm rạp, đốc đứng về phía thung lũng. Phía Đông thung lũng có một số đồi A1, C1, D1, E1 nổi lên giữa cánh đồng cao trên dưới 300m, ở đây có thể xây dựng thành những cứ điểm quân sự phòng ngự lợi hại bảo vệ khu trung tâm.

Điện Biên Phủ là đầu mối giao thông, có các con đường đi Tuần Giáo, Lai Châu, đi Luông Pha Băng, Sầm Nưa (Lào)… Điện Biên Phủ cách biên giới Việt - Lào 35km, cách Hà Nội 300km, cách Luông Pha Băng 200km đường chim bay, cách Việt Bắc, Khu IV từ 30-500km đường bộ. Điện Biên Phủ nằm trọn giữa thung lũng Mường Thanh, là một vị trí có ý nghĩa chiến lược về quân sự đối với Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào.

Mặc dù hoạt động tác chiến trên địa bàn núi rừng Tây Bắc, nhưng nếu quân ta tiến xuống cánh đồng Mường Thanh để tiêu diệt đối phương thì phải hoạt động trên một khu vực trống trải, rất khó giữ bí mật và bảo toàn lực lượng, đặc biệt là trước một quân địch có pháo binh, xe tăng và không quân mạnh, khống chế cả ngày lẫn đêm.

Để tiến công Điện Biên Phủ, bộ đội và binh khí kỹ thuật của ta phải hành quân một chặng đường rất xa; tiếp tế hậu cần rất khó khăn. Toàn bộ phương tiện binh khí kỹ thuật, nhất là súng pháo rất nặng nề, phải đưa được vào triển khai ở sườn núi phía trong lòng chảo.

Nhưng Điện Biên Phủ lại bị bao bọc xung quanh bởi các dãy núi cao, ta khó đưa pháo vượt qua đỉnh núi vào triển khai ở sườn phía trong, nhất là ở phía Đông. Nếu triển khai pháo ở ngoài thì cự ly bắn trên 10km, hỏa lực của pháo cao xạ không thể khép kín không phận Mường Thanh được. Ngược lại, nếu đưa pháo vào sườn núi phía trong lại bị núi cao che khuất, khó phát hiện địch từ xa, nhất là pháo cao xạ đánh máy bay địch từ Hà Nội lên, dẫn đến, hỏa lực rất khó khăn.

Nhìn chung, địa hình khu vực Điện Biên Phủ rất có lợi cho địch tổ chức các cứ điểm; ta khó chọn được các vị trí triển khai trận địa hỏa lực. Nếu đưa pháo vào sườn núi phía trong để có khoảng cách gần, bắn thẳng, khống chế được các cứ điểm địch và không phận sân bay thì các trận địa hỏa lực lại nằm trong tầm pháo của địch, dễ bị chúng phát hiện đánh phá ngay từ khi kéo pháo vào triển khai, cũng như khi bắn máy bay do ánh lửa đầu nòng pháo.

Với địa hình hiểm trở của Điện Biên Phủ, các tướng tá của Pháp và Mỹ đều cho rằng ta không thể đưa được pháo nặng qua các dãy núi bao quanh để triển khai vào phía trong lòng chảo, đặc biệt đối với pháo phòng không. Pi-rốt - Tư lệnh pháo binh của tập đoàn cứ điểm nhận xét: “Việt Minh rất khó khăn đưa pháo binh vào Điện Biên Phủ; nếu pháo binh Việt Minh xuất hiện thì việc phản pháo chỉ cần thực hiện một vài thủ đoạn nhỏ là sẽ bị câm miệng”.

Còn các tướng lĩnh Pháp khi lên thị sát chiến trường đều khẳng định: Pháo mặt đất và pháo phòng không của đối phương không thể có kết quả đối với pháo và máy bay của Pháp vì địa hình ở đó rất phức tạp.

Để giữ bí mật, ta phải tổ chức kéo pháo bằng sức người. Do núi cao vực sâu, việc kéo pháo hết sức gian khổ, khó khăn, không đáp ứng yêu cầu thời gian, đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp để ta thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh chiến dịch chỉ thị: “Khi tất cả các khẩu pháo ở yên trong vị trí và sẵn sàng nhả đạn, trận đánh mới có thể bắt đầu”. Để đưa pháo vào triển khai tại trận địa theo phương châm “đánh chắn, tiến chắc” đúng kế hoạch, ta phải mở 5 đường cơ động cho pháo với tổng chiều dài hơn 70km.

Trên cánh đồng Mường Thanh, địa hình trống trải và nằm trong tầm pháo, cối của địch, rất thuận lợi cho địch thả dù tiếp tế. Nhưng đối với các trận địa hỏa lực của ta, nhất là trận địa phòng không lại dễ bị địch phát hiện, pháo binh và không quân địch dễ dùng hỏa lực để chế áp và tiêu diệt ta. Do vậy, bộ đội ta triển khai các trận địa hỏa lực trên cánh đồng Mường Thanh rất khó bám trụ để đánh địch dài ngày.

Chiến trường Điện Biên Phủ xa hậu phương lớn của cả ta và địch, lại nằm giữa dãy núi đá vôi biên giới Việt - Lào và giữa núi rừng đại ngàn của vùng Tây Bắc gây nên những khó khăn rất lớn về bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho cả ta và địch. Lực lượng tập trung càng lớn, khó khăn bảo đảm hậu cần, kỹ thuật càng nhiều.

Với quân Pháp, khi 2 bên đối chiến, mọi việc tăng cường lực lượng, chi viện hỏa lực và tiếp tế đều phải dựa vào lực lượng không quân từ Hà Nội lên, cầu hàng không tiếp tế Hà Nội - Điện Biên Phủ là con đường duy nhất, độc đạo, dễ bị ta thực hiện nhiều biện pháp khống chế và triệt tiêu. Khi có nguy cơ bị tiêu diệt, địch chỉ còn con đường bộ rút chạy nhanh nhất sang hướng Thượng Lào, nhưng hướng Thượng Lào bị dãy núi cao án ngữ, với những đường mòn, cơ động rất khó khăn nên dễ bị ta phục kích, chốt chặn.

Mặt khác, ở Thượng Lào, khu vực tiếp tế giáp biên giới 2 nước, ta luôn có lực lượng chủ lực hoạt động, nhất là sau chiến dịch giải phóng Sầm Nưa, nên khi địch rút chạy lớn, dễ bị lực lượng chủ lực cơ động của ta chặn đánh.

Khi bị ta phong tỏa chặn đường bộ, con đường duy nhất để tiếp tế cũng như rút chạy của quân địch ở Điện Biên Phủ chỉ có thể thực hiện bằng cầu hàng không, nếu bị ta phong tỏa và cắt đứt cả cầu hàng không, quân Pháp sẽ không còn con đường nào khác là đầu hàng hoặc mở “đường máu” tháo chạy sang Thượng Lào để chui vào cạm bẫy ta đã giăng sẵn và bị tiêu diệt.

Đối với ta, việc bảo đảm cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Do vậy. cần phải huy động tối đa nhân lực, vật lực của nhân dân các khu vực trung du, đồng bằng, miền núi và cả vùng địch tạm chiếm, tổ chức mọi phương tiện để vận chuyển như cơ giới, xe đạp, xe thồ, gồng gánh, gùi thồ, thuyền mảng… mới có thể đáp ứng được yêu cầu của chiến dịch.

Một “Véc-đoong châu Á”

Với ý định xây dựng một tập đoàn cứ điểm phòng ngự lâu dài, các vị trí chiến đấu được xây dựng, củng cố bảo đảm chống được đạn pháo 105mm, Na-va đã nhanh chóng huy động mọi khả năng để đưa lên 8.000 tấn vật liệu xây dựng, trong đó, 510 tấm ghi để làm đường băng sân bay Mường Thanh và sân bay dự bị Hồng Cúm.

Đến đầu tháng 3/1954, quân số ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4, còn được tăng viện 4 tiểu đoàn dù nữa, tổng cộng là 21 tiểu đoàn; 3 tiểu đoàn pháo binh; 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng; 1 đại đội xe vận tải và 1 phi đội không quân thường trực 14 chiếc, tổng số quân lên tới 16.200 quân (chiếm 1/3 lực lượng cơ động của Pháp tập trung trên chiến trường Bắc Bộ), phần lớn là các đơn vị Âu - Phi tinh nhuệ, ngoài ra còn một số đơn vị lính đánh ngụy được huấn luyện dài ngày và trang bị vũ khí tốt.

Bộ chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ gồm các sĩ quan được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm chiến trường, do đại tá Đờ Cát (cuối chiến dịch được phong cấp thiếu tướng) làm Tư lệnh.

Tập đoàn cứ điểm bố trí ở 49 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm cứ điểm liên hoàn. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng ngự, một trung tâm đề kháng, có lực lượng phòng ngự và lực lượng cơ động, có hỏa lực mạnh, có hàng rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc xung quanh ngăn chặn đường tiến công từ ngoài vào.

Các trung tâm đề kháng này lại được bố trí liên kết với nhau thành các phân khu. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm được chia thành 3 phân khu: Phân khu bắc, phân khu trung tâm, phân khu nam (còn gọi phân khu Hồng Cúm).

Phân khu bắc gồm các trung tâm đề khan đồi Độc Lập cách sân bay Mường Thanh 4km và trung tâm Bản Kéo sát sân bay, đảm nhiệm bảo vệ phân khu trong tâm ở hướng bắc và ngăn chặn ta tiến công từ hướng Lai Châu xuống.

Phân khu trung tâm có tới 5 trung tâm đề kháng nằm xung quanh sân bay Mường Thanh, chiếm 2/3 tổng lực lượng của tập đoàn cứ điểm và sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm, với hơn 30 cứ điểm liên kết chặt chẽ với nhau trên cánh đồng Mường Thanh bao quanh sân bay và dãy đồi phía đông. Đây là nơi tập trung sức mạnh lớn nhất của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Phân khu nam (phân khu Hồng Cúm) cách trung tâm 5km, án ngữ sang Thượng Lào, với lực lượng 2.000 quân, có sân bay và pháo binh để bảo vệ hướng nam phân khu trung tâm và có thể ứng cứu phân khu trung tâm khi cần thiết.

Trong mỗi phân khu có một hoặc nhiều cụm cứ điểm. Mỗi cứ điểm (cụm cứ điểm) phòng ngự của địch đều có khả năng độc lập chiến đấu, có hệ thống công sự khá hoàn chỉnh gồm chiến hào, giao thông hào, trận địa hỏa lực và hầm ngầm. Vòng ngoài mỗi cứ điểm (cụm cứ điểm) được bảo vệ bằng nhiều hàng rào dây thép gai và mìn các loại rất phức tạp. Ngoài các đơn vị chiếm giữ các cứ điểm, địch còn duy trì 3 tiểu đoàn cơ động ứng chiến, 2 tiểu đoàn cơ động bố trí gần sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm và 1 tiểu đoàn cơ động ở phân khu Hồng Cúm.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ còn có hệ thống hỏa lực mặt đất gồm 2 tiểu đoàn pháo 105ly, 1 đại đội pháo 155ly, 1 đại đội cối 120ly được bố trí ở 2 căn cứ quan trọng là Mường Thanh và Hồng Cúm. Ngoài vũ khí thông thường, địch còn có một số lớn khí tài đặc biệt như súng phun lửa, súng đại liên nhiều nòng, phương tiện chống đạn khói, máy hồng ngoại để quan sát và bắn ban đêm…

Sân bay chính Mường Thanh và sân bay dự bị Hồng Cúm có thể đáp ứng hạ cánh 100 lần chiếc máy bay mỗi ngày và chuyên chở khoảng 200-300 tấn quân dụng và thả dù từ 100-150 binh lính. Na-va còn dành 80% số máy bay của Pháp ở Đông Dương xuất phát từ sân bay Cát Bi, Gia Lâm và có sự chi viện của máy bay Mỹ từ tàu sân bay ở vịnh Hạ Long thường xuyên bắn phá các tuyến đường vận tải tiếp tế và đánh phá vào đội hình chiến đấu của Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cao ủy Đơ-giăng, tổng chỉ huy Na-va, chỉ huy trưởng Pháp ở Bắc Bộ Cô-nhi thường xuyên chỉ đạo và nhiều lần trực tiếp lên Điện Biên Phủ để kiểm tra, đôn đốc (Na-va lên 9 lần, Cô-nhi 11 lần).

Sau khi hoàn tất việc xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và trước khi ta tiến công, tháng 2/1954, phái đoàn quân sự cao cấp của Pháp do Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Plê-ven dẫn đầu (gồm Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Mác Giắc-kê, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Sê-vi-nhê, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ê-ly, Tham mưu trưởng lục quân BLăng, Tham mưu trưởng không quân Phay), đã tới kiểm tra khả năng phòng thủ của Điện Biên Phủ. Đánh giá về khả năng phòng thủ của Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Sê-vi-nhê cho rằng Điện Biên Phủ là “bất khả xâm phạm”; tướng BLăng thì khẳng định: “Đây là Véc-đoong châu Á”1

Với Mỹ, tháng 1/1954, Phó Tổng thống Ních-xơn đã tới thị sát Điện Biên Phủ, sau đó, tướng Ô Đa-ni-en - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Mỹ ở Đông Dương cũng đến kiểm tra và họ đều tỏ ra hài lòng với việc bố trí phòng thủ ở đây.

Như vậy, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có thể coi là biểu tượng tập trung của nền quân sự hiện đại Pháp - Mỹ, được các giới chính trị, quân sự Pháp - Mỹ đánh giá rất cao, tuyệt đối tin tưởng vào sự phòng thủ thành công này. Chúng coi Điện Biên Phủ sẽ là nơi “nghiền nát chủ lực đối phương”, và đây là giải pháp quyết định thắng lợi cho chiến tranh Đông Dương của Pháp và Mỹ.

Chui đầu vào túi

Tuy nhiên trước đó - khi chỉ thị đánh chiếm Điện Biên Phủ, Na-va không phải không gặp ít nhiều phản ứng của một số tướng lĩnh ở chiến trường Bắc Bộ. Nhất là sau khi phòng tuyến sông Nậm Hu nối liền Điện Biên Phủ với Luông Pha Băng bị đập tan, cửa ngõ sang Thượng Lào bị ta khóa chặt, Điện Biên Phủ trở thành nơi đồn trú bị cô lập trong vùng giải phóng của Việt Minh và Lào, rất xa các căn cứ hậu phương và căn cứ không quân Pháp, Na-va thậm chí đã từng tính đến một kế hoạch rút chân ra khỏi thung lũng Điện Biên.

Nhưng, ngày 1/1/1954, sau khi nghiên cứu diễn biến tình hình ở Điện Biên Phủ, Na-va gửi báo cáo tới Chính phủ Pháp với tâm trạng hồ hởi, trái ngược hẳn với những tuyên bố trước đó. Trong báo cáo, Na-va cho rằng quân đội Việt Minh đã quyết định tiến đánh Điện Biên Phủ với nhiều phương tiện chiến đấu đáng kể. Trước tình hình như vậy thì không thể đảm bảo chắc chắn Việt Minh có thể chiến thắng. Và Na-va đã nghĩ: Trận đánh này trước hết sẽ là trận đánh của không quân. Máy bay phải hoạt động kịp thời cho tới khi đạt kết quả. Với một trận địa đã chật ních quân, Na-va đề nghị Chính phủ Pháp chỉ cần tăng viện gấp máy bay cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ.

3.1-bo-doi-phao-cao-xa-chien-dau-trong-chien-dich-dien-bien-phu.-anh-tu-lieu-pkkq.png
Bộ đội pháo cao xạ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu PKKQ
3.2.-may-bay-cua-quan-phap-bi-ban-ha-o-chien-truong-dien-bien-phu-nam-1954.-anh-tu-lieu-vien-lsqs.png
Máy bay của quân Pháp bị bắn hạ ở chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu Viện LSQS
3.3.-mot-linh-phap-tranh-dan.-anh-tu-lieu-vien-lsqs-viet-nam.png
Một lính Pháp tránh đạn. Ảnh Tư liệu Viện LSQS Việt Nam
3.4.-tu-binh-phap-duoc-ap-giai-khoi-dien-bien-phu.-anh-tu-lieu-vien-lsqs..png
Tù binh Pháp được áp giải khỏi Điện Biên Phủ. Ảnh Tư liệu Viện LSQS.
3.5-bo-doi-ta-ben-chiec-may-bay-cua-phap-bi-phao-cao-xa-37mm-ban-chay.-anh-tu-lieu-pkkq.png
Bộ đội ta bên chiếc máy bay của Pháp bị pháo cao xạ 37mm bắn cháy. Ảnh Tư liệu PKKQ

Ngày 3/1/1954, Na-va cùng tướng Cô-nhi và cao ủy Pháp Đờ Găng bay lên Điện Biên Phủ. Chuyến lên Điện Biên Phủ tiếp ngay sau đó có Tham mưu trưởng lục quân của quân đội Pháp BLăng. Không chỉ Na-va, nhiều tướng lĩnh cao cấp của Pháp, Mỹ, kể cả Thủ tướng Pháp Rơ-nê May-ê cũng trực tiếp lên kiểm tra việc tổ chức tập đoàn của điểm Điện Biên Phủ.

Tại đây, họ vẫn khẳng định: Điện Biên Phủ là một pháo đài bất khả xâm phạm, Việt Minh không dám tiến công. Tướng Mỹ Ô Đa-ni-en trưởng đoàn viện trợ quân sự Mỹ sau khi lên thăm Điện Biên Phủ kết luận: Nếu tiến công, Việt Minh sẽ bị đập tan và kiểu thiết lập phòng ngự loại này sẽ dẫn đến đại thắng lợi trong chiến tranh. Tướng Cô-nhi còn ngạo mạn nói với Na-va: “Chúng ta tới đây để buộc Việt Minh phải tiến đánh. Đừng làm điều gì để chúng từ bỏ ý định tiến công”.

Thực ra tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không có trong kế hoạch của Na-va đã đệ trình Chính phủ Pháp. Việc Na-va chấp nhận chiến đấu ở Điện Biên Phủ không phải là một sự là một sự chuyển hướng có tính chiến lược mà chỉ là một thủ đoạn chiến lược. Na-va muốn làm một “cái nhọt tụ độc” tránh sức ép ở đồng bằng Bắc Bộ. Việc chiếm đóng Điện Biên Phủ có khả năng ngăn chặn ta tiến công ở Tây Bắc, xa hơn nữa là Thượng Lào và nhất là có thể thu hút một số đại đoàn của Việt Minh, giảm nhẹ áp lực đối với đồng bằng.

Na-va còn cho rằng: cuộc hành quân lên Điện Biên Phủ sẽ thu hút được một đến hai đại đoàn chủ lực của đối phương, làm phân tán khối chủ lực của Việt Minh, trì hoãn một cuộc giao chiến trong mùa khô 1953-1954 trên chiến trường chính Bắc Bộ.

Những tưởng “con nhím Điện Biên Phủ” sẽ bất khả chiến bại, nào ngờ, khi nhận thấy bị bao vây, Na-va đã phải liên tục bị động, tìm mọi biện pháp đối phó ngay khi Việt Minh chưa tiến công.

Thế là, với việc đưa quân lên lập một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ ở Điện Biên Phủ, chính các chiến lược gia quân sự cả Pháp và Mỹ đã không thấy được rằng: Trong cái thung lũng ở rất xa hậu phương, xung quanh là núi cao, một đạo quân dù mạnh đến đâu cũng giống như đã nằm trong cái túi. Và khi tất cả các đường bộ, cầu hàng không đều bị cắt, việc còn lại là chống chọi và ngồi chờ đối phương thít dần miệng cái túi đó lại!

(1) Véc-đoong: Trận địa phòng ngự kiên cố phía tây Pa-ri của Pháp trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Tại trận địa phòng ngự này, năm 1916, quân Pháp đã đánh bại quân Đức, mở ra bước ngoặt đẩy quân Đức vào thế yếu trên chiến trường Pháp và đi đến thất bại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái túi đựng Na-va
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO