Yêu cầu Trung Quốc điều tiết nước từ các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông

07/03/2016 00:00

(TN&MT) - Đây là một trong những giải pháp được thống nhất từ hội nghị về công tác phòng chống xâm nhập mặn tại TP.Cần Thơ, mới kết thúc lúc 13h, ngày 7/3/2016, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành và các địa phương vùng ĐBSCL…

Theo Bộ NN&PTNT, hạn mặn tại ĐBSCL đã gây thiệt hại gần 139.000ha lúa Đông Xuân, trong đó có 86.000ha bị thiệt hại trên 70% năng suất, 43.000ha bị thiệt hại từ 30-70%. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau (49.000ha), Kiên Giang (34.093ha), Bạc Liêu (11.456ha) và Bến Tre (13.844ha). Hiện có 155.000hộ gia đình (khoảng 575.000 người) bị thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trong đó, có 144.000 hộ chưa được cấp nước tập trung. Đặc biệt, toàn tỉnh Bến Tre hiện chỉ còn 4 xã ở huyện Chợ Lách có nguồn nước sinh hoạt chưa bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Trong số 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL đã có 7 tỉnh bị xâm nhập mặn gây thiệt hại. Riêng tỉnh Bến tre đã có hơn 70% diện tích lúa gieo trồng bị thiệt hại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Cao Đức Phát, đề nghị các địa phương huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ người dân chống hạn mặn. Chú trọng công tác dự báo (cứ 15 ngày 1 lần) về độ mặn các cửa sông, phổ biến sâu rộng đến nhân dân để chủ động ứng phó. Tập trung thực hiện tất cả các biện pháp trữ nước, lấy nước, khẩn cấp ngăn mặn đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân đồng thời quyết liệt các biện pháp bảo vệ lúa, giữ diện tích, không bị ảnh hưởng về năng suất. Bộ trưởng nêu yêu cầu cụ thể: sau khi thu hoạch lúa đông xuân xong ở những vùng cách biển 80km có điều kiện chủ động nguồn nước ngọt thì tiếp tục chỉ đạo sản xuất như năm trước. Vùng cách biển 40 – 50km, cố gắng trữ ngọt, cân nhắc để có thể xuống giống. Ven biển, không có ngọt thì không xuống giống, chờ mưa. Phải tính cơ cấu giống lúa có khả năng chịu mặn. Cây ăn quả, có nguy cơ nhiễm mặn tận dụng nguồn hữu cơ bón gốc, bón bổ sung các loại phân…Tổ chức lực lượng canh gác, sẵn sàng đối phó nguy cơ cháy rừng, đặc biệt là U Minh Hạ. Phải thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, cấp nước kéo ống nước, chở nước… tiếp ứng cho dân, đảm bảo không để người dân nào thiếu nước sinh hoạt.

“Những gì chúng ta thấy ngày hôm nay không phải là câu chuyện nhất thời. Đây là dấu hiệu của cả một quá trình lớn hơn, đó là BĐKH đang diễn biến là có thật, là nghiêm trọng và đến nhanh hơn. Những gì chúng ta thấy ngày hôm nay sẽ lập lại, nghiêm trọng hơn. Chúng ta phải tính đến câu chuyện dài hạn hơn để bảo vệ vùng ĐBSCL, bảo vệ đời sống nhân dân. Trước hết phải điều chỉnh về mùa vụ hình thành cơ cấu sản xuất mới. Phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đủ mạnh, từng bước đủ sức ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL”. Bộ trưởng Cao Đức Phát, nói.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các địa phương vùng ĐBSCL trước mắt cần tới 32.500 tỉ đồng để thực hiện những công trình ứng phó với BĐKH. Ông nhấn mạnh, đây chỉ là những công trình cấp thiết nhất tầm trung hạn để ứng phó với BĐKH. Đề nghị Chính phủ bố trí 215 tỉ đồng để các địa phương khắc phục hậu quả thiệt hại vụ lúa Đông Xuân; bố trí 1.060 tỉ đồng để các địa phương triển khai ngay các công trình cấp bách nhất chống hạn mặn và 8.000 tỉ đồng cho các công trình tác động liên vùng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Trần Hồng Hà, trực tiếp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có công hàm yêu cầu phía Chính phủ CHND Trung Hoa xem xét điều tiết, xả bớt lượng nước tích trữ tại các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông thuộc tỉnh Vân Nam để giải quyết tình trạng xâm nhập mặn cho ĐBSCL. Thứ trưởng Trần Hồng Hà, cho biết hiện tổng dung tích của các hồ chứa của các đập thủy điện này lên tới trên 20 tỉ m3 đã và đang gây tác động rất lớn đến lưu lượng trên sông Mê Kông, là tác nhân dẫn đến tình trạng thiệt hại do xâm nhập mặn, sạt lở ở châu thổ Cửu Long.

-	Thường xuyên đo độ mặn để hướng dẫn người dân tranh thủ lấy nước là việc đang được các dịa phương tập trung thực hiện
- Thường xuyên đo độ mặn để hướng dẫn người dân tranh thủ lấy nước là việc đang được các dịa phương tập trung thực hiện

Thứ trưởng Trần Hồng Hà, cảnh báo từ đây đến cuối tháng 6 nhiệt độ có thể sẽ tăng cao hơn từ 1 - 1,5OC. Lưu lượng nước trên sông Mê Kông thiếu hụt từ 20 – 30% và tiếp tục suy giảm. Triều có thể cao hơn 0,6m. Xâm nhập mặn sông tiền, sông hậu tiếp tục lấn sâu vô từ 60 – 65km. Cao điểm hạn, xâm nhập mặn trong tháng 4 và tháng 5, gay gắt nhất là đến đầu tháng 4. Các địa phương vùng ĐBSCL cần khai thác nước ngầm cung cấp nước ngọt cho dân. Phải theo dõi chặt chẽ và vận hành hiệu quả các cống hiện có.

“Trước mắt, cần đưa các dự án cấp bách vào các chương trình có nguồn tài trợ của nước ngoài để tranh thủ vốn đầu tư triển khai, đặc biệt chú trọng các dự án mang tính giải pháp cấp bách… Về lâu dài, các địa phương, các bộ ngành cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch toàn diện phù hợp với Kế hoạch châu thổ Cửu Long đã được xây dựng trên tinh thần đối tác chiến lược giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan để tiến trình triển khai các giải pháp ngắn hạn trước mắt phù hợp với yêu cầu ứng phó với BĐKH, phát triển bền vững”. Thứ trưởng Trần Hồng Hà, nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Ngoại giao tranh thủ sớm chuẩn bị nội dung công hàm để Thủ tướng phê chuẩn gửi Chính phủ CHND Trung Hoa. Đồng thời tiến hành liên hệ với các quốc gia thành viên trong Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (Campuchia, Lào, Thái Lan) để có sự phối hợp trong việc yêu cầu Chính phủ CHND Trung Hoa điều tiết nước từ các hồ chứa của các đập thủy điện đầu nguồn sông Mê Kông, giải quyết vấn nạn hạn, xâm mặn cho vùng hạ lưu – đặc biệt là châu thổ Cửu Long.

Thủ tướng cũng thống nhất trước mắt ký duyệt hỗ trợ 137 tỉ đồng cho 9 tỉnh vùng ĐBSCL đã có báo cáo đề nghị hỗ trợ thiệt hại cho nông dân. Ngân hàng nhà nước cần khoanh nợ đối với những hộ dân vay đầu tư sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai và giải ngân hỗ trợ cho bà con đầu tư sản xuất vụ tiếp theo. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng với nông dân bàn bạc cách làm.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương huy động hệ thống chính trị tập trung vào cuộc cùng với nhân dân thực hiện sáng tạo các biện pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn. Chú trọng bảo vệ lúa, thủy sản, cây ăn trái, rừng và đảm bảo nước ngọt hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt của người dân.

-	Sử dụng các phương tiện vận chuyển nước tiếp ứng cho các hộ tại Kiên Giang
- Sử dụng các phương tiện vận chuyển nước tiếp ứng cho các hộ tại Kiên Giang

Bộ KH&ĐT phối hợp Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và các địa phương tổng hợp các dự án có tính cấp bách phòng chống hạn mặn từ các địa phương vùng ĐBSCL để nhanh chóng triển khai. Các địa phương cũng chủ động triển khai các công trình dự án trong điều kiện của địa phương cho phép để tập trung ngăn mặn, dẫn nguồn, tiếp ứng nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

“Về kinh phí hỗ trợ thiệt hại thiên tai, đã có qui định rồi, có mức hỗ trợ cụ thể thì phải triển khai thực hiện đầy đủ. Bộ Tài chính cứ thế mà làm, cứ ứng trước vốn, sau quyết toán, kiểm tra lại thôi, không để dân bị thiệt hại, không có điều kiện sản xuất mà phải chờ. Về các dự án từ các nguồn vốn, ưu tiên các công trình ứng phó với BĐKH nhưng phải làm việc kỹ về qui hoạch, nhất là các công trình cải tạo thủy lợi phải chú trọng kết hợp giữa yêu cầu trồng lúa, nuôi thủy sản, ứng phó BĐKH”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lưu ý.

Bài & ảnh: Hùng Long

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu Trung Quốc điều tiết nước từ các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO