Yên Bái: Sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng

Thanh Ngà| 10/02/2020 17:43

(TN&MT) - Trong những năm qua, nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mà công tác bảo vệ rừng được nâng lên, người dân có thêm thu nhập. Đặc biệt, Yên Bái là địa phương đã và đang sử dụng có hiệu quả tiền DVMTR, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Người dân khi được nhận tiền DVMTR không chỉ sử dụng chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, mà họ đã cùng nhau đóng góp xây nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông, xây hố rác công cộng hay cùng nhau kéo đường điện thắp sáng đường quê…Việc làm này đã được cán bộ và người dân tại xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã và đang thực hiện trong nhiều năm qua.

Một số địa phương của tỉnh Yên Bái đã sử dụng có hiệu quả tiền DVMTR

“Sau mỗi lần được nhận tiền DVMTR chúng tôi đã vận động người dân cùng nhau góp tiền làm đường, mỗi năm làm từ 200 – 500 mét, chỗ khó đi làm trước chỗ dễ làm sau. Ngoài làm đường, chúng tôi còn vận động bà con cùng đóng góp xây nhà văn hóa, xây 9 bể chứa rác tập trung để bà con vứt bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng vào đó để xử lý, tránh tình trạng vứt bừa bãi ra ngoài môi trường”, đó là chia sẻ của ông Hoàng Văn Cầm – Trưởng thôn Nậm Chắn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên.

Sau khi được nhận tiền DVMTR người dân thôn Nậm Chắn, huyện Lục Yên cùng nhau góp tiền xây bể chứa rác tập trung nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường

Cũng nhờ bảo vệ rừng mà chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rất nhiều, Bà Hoàng Thị Đam – Thôn Nậm Chắn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên tâm sự: “Từ ngày có tiền DVMTR người dân chúng tôi cũng có tiền để cùng nhau đóng góp làm đường, làm nhà văn hóa thôn, xây bể chứa rác thải… chứ không có thì rất khó để đóng góp. Giờ từ thôn ra tới UBND xã rồi lên huyện đi lại dễ dàng hơn trước rất nhiều. Trong năm vừa qua, sau khi cả thôn được nhận tiền DVMTR đã cùng nhau góp tiền để xây nhà văn hóa mới, nhờ đó mà có nhà văn hóa thôn khang trang để hội họp”.

Bà Đam nhớ lại cách đây 10 năm về trước, lúc mà người dân trong thôn trong xã chưa có ý thức bảo vệ rừng cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Người dân chặt cây, đốt rừng làm nương khiến hạn hán mất mùa, mất nước sinh hoạt triền miên, muốn có nước ăn cả thôn phải cùng nhau lên núi xếp hàng để lấy từng can nước về sử dụng. Sau khi được cán bộ xã và huyện tuyên truyền vận động bảo vệ rừng, từ đó người dân mới có nước để sinh hoạt và trồng cấy. Đến nay, ai cũng có ý thức bảo vệ rừng, chỉ cần phát hiện có người tự ý chặt cây, phá rừng sẽ bị báo cho chính quyền địa phương để xử lý.

Lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Lục Yên cùng tổ đội bảo vệ rừng xã Lâm Thương đi kiểm tra rừng tại thôn Nậm Chắn

Ông Hoàng Kiên Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có 2.725ha diện tích có rừng, ngay từ đầu năm xã đã có kế hoạch bảo vệ rừng, lên phương án phòng cháy chữa cháy rừng và chỉ đạo chỉ đạo các thôn bản làm tốt công tác bảo vệ rừng. Riêng thôn Nặm Chắn là xã có diện tích rừng khá lớn, UBND xã đã thành lập các tổ nhóm bảo vệ và có kế hoạch ký kết bảo vệ rừng ngay từ đầu năm. Hàng năm, thôn Nậm Chắn được nhận hỗ trợ tiền dịch vụ môi trường rừng hơn 500 triệu đồng, bà con nhân dân đã cùng nhau sử dụng số tiền đó để xây các công trình phúc lợi phục vụ nhu cầu người dân.

Những cây gỗ quý to hai người ôm không hết nằm ngay gần khu dân cư nhưng không để xảy ra tình trạng chặt cây, phá rừng

Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên được biết, toàn huyện có hơn 20.000ha đất có rừng, hàng năm huyện được giao trồng mới từ 2.000 – 3.000ha rừng. Ngay từ đầu năm huyện đã đôn đốc, chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành nghiệm thu diện tích rừng tự nhiên phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất để tiến hành chi trả tiền bảo vệ rừng theo đúng quy định. Đồng thời, chỉ đạo các xã tiếp tục thực hiện tốt công tác trồng rừng sản xuất năm 2020 theo kế hoạch giao. Mặt khác, đã tăng cường lực l­ượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với các xã, thị trấn­ thường xuyên tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn huyện.

Nhờ rừng mà cuộc sống của người dân được nâng lên

“Đối với huyện Lục Yên trong năm 2018 được nhận 17,3 tỷ đồng từ tiền DVMTR. Sau khi được nhận tiền, tại một số xã trong huyện đã cùng nhau góp tiền xây dựng các công trình công cộng nhằm phục vụ đời sống cho người dân như: Đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, xây bể chứa rác thải…Có thể thấy, sau khi chính sách này được triển khai đã nhận được hiệu quả tích cực, công tác bảo vệ rừng được nâng lên, người dân có thêm thu nhập. Đặc biệt, đối với huyện Lục Yên người dân đã và đang sử dụng số tiền này có hiệu quả góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương”, ông Đặng Văn Tâm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái: Sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO