Yên Bái: Phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ rừng

02/08/2019 18:29

(TN&MT) –Trong những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã chủ động định hướng cho người dân phát triển kinh tế từ rừng với nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể. Từ đó trồng rừng đã mang lại nguồn thu nhập cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, gia tăng diện tích rừng che phủ, gắn phát triển kinh tế rừng với bảo vệ rừng.

Người dân thêm gắn bó với rừng

Yên Bái với diện tích đất lâm nghiệp là 522.983ha. Trong đó, diện tích rừng là 433.641ha, độ che phủ đạt 63%. Trong 3 năm (2016-2018) toàn tỉnh trồng mới 45.740ha rừng các loại, bình quân mỗi năm trồng mới 15.246ha công tác trồng rừng đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong năm 2019, diện tích trồng rừng kế hoạch là 16.000ha, trong 6 tháng trồng đạt 13.100ha, đạt 81,9% kế hoạch.
 

A1(1)
Trung bình mỗi năm, tỉnh Yên Bái trồng mới trên 15.000ha rừng, độ che phủ rừng đạt 63%

Cùng với đó, toàn bộ diện tích rừng trong độ tuổi chăm sóc được các chủ rừng quan tâm chăm sóc và bảo vệ tốt, bình quân mỗi năm diện tích rừng được chăm sóc khoảng trên 30.000ha. Ngoài việc tăng về số lượng thì năng suất và chất lượng rừng trồng của tỉnh Yên Bái cũng ngày càng tăng lên. Sản lượng gỗ rừng trồng tăng theo từng năm, năm 2011đến 2018 tăng 1,5 lần từ 300.000m3 lên 488.000m3.

Yên Bình là huyện có diện tích rừng lớn nhất toàn tỉnh với 44.343ha, giá trị sản xuất lâm nghiệp trong năm 2018 đạt 265.825 triệu đồng. Trong đó, sản phẩm rừng trồng và chăm sóc rừng đạt 21.097 triệu đồng, bảo vệ rừng 719 triệu đồng. Tỷ lệ che phủ rừng từ 51,21 % năm 2016 lên 54,7 % năm 2018. Bình quân hàng năm trồng mới từ 2.500-2.800ha. Nhờ thu nhập từ rừng mà người dân trong thôn,xã ngày càng đổi thay, cuộc sống của người dân khấm khá lên nhiều.

Điển hình như hộ gia đình anh Đặng Văn Tuấn – thôn 1, xã Xuân Long, huyện Yên Bình, gia đình anh Tuấn hiện có 20ha rừng chủ yếu được trồng các cây: Keo, bạch đàn và bồ đề. Anh Tuấn cho biết, 20ha rừng của gia đình anh hiện đang trong độ tuổi từ 3 năm đến 10 năm tuổi, cứ khoảng 9-10 năm gia đình anh khai thác một lần, mỗi ha cũng cho thu nhập từ 60-70 triệu đồng/lần khai thác.
 

A2(1)
Các cơ sở chế biến gỗ ngay tại địa phương đã tạo liên kết cho bền vững

“Nhờ thu nhập ổn định và gối vụ nên cuộc sống của gia đình anh ngày một khá lên. Gia đình tôi sống chủ yếu dựa vào 20ha rừng, mỗi năm gia đình cũng được nhận thêm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng với gần 5 triệu đồng. Hơn nữa thị trường thu mua gỗ trên địa bàn cũng rất ổn định. Nhờ đó đã tạo được động lực cho chúng tôi phát triển kinh tế từ rừng”, anh Tuấn phấn khởi chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Điển – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình được biết: Bắt đầu từ năm 2015, huyện Yên Bình triển khai dự án trồng rừng bền vững (có sự liên kết giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền) cấp chứng chỉ rừng FSC. Khi người dân tham gia cấp chứng chỉ này sẽ được bao tiêu sản phẩm gỗ trồng với giá cao hơn ngoài thị trường từ 10-15%.

Tuy nhiên, khi người dân tham gia cấp chứng chỉ phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm rừng trồng theo quy định của hội đồng quản lý rừng FSC về môi trường, về xã hội, và kinh tế. Trong quá trình chăm sóc chúng tôi không được sử dụng thuốc diệt cỏ, không được đốt thực bì, phải có bảo hộ lao động khi chăm sóc rừng. Từ đó chất lượng rừng được nâng lên, thu nhập của người dân ngày được cải thiện. Mặt khác, sẽ bảo tồn được tính đa dạng sinh học của rừng, nguồn nước, đất và hệ sinh thái trong rừng.

Tạo liên kết bền vững

Để người dân sống được nhờ rừng không xâm hại và tác động đến rừng tự nhiên, tỉnh Yên Bái có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chính sách hỗ trợ người dân phát triển rừng theo hệ thống từ trung ương đến địa phương như: Chính sách chi trả DVMTR, hiện nay tỉnh Yên Bái có tổng diện tích rừng có cung ứng DVMTR là trên 171.167ha, được nhận trên 118 tỷ đồng; chính sách từ chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; chương trình 30a…Tuy nguồn hỗ trợ chưa cao nhưng đã tạo được động lực, khuyến khích người dân tích cực trồng rừng và phát triển kinh tế từ rừng.
 

A4
Thu nhập ổn định từ rừng giúp người dân thêm gắn bó với rừng

Đặc biệt, trong những năm gần đây tỉnh Yên Bái chú trọng và phát triển công nghiệp chế biến gỗ là hướng đi mũi nhọn, tạo liên kết bền vững giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền.

Ông Nguyễn Thái Bình – Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 490 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 89 tổ chức và 401 hộ cá thể tập trung chủ yếu tại các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và TP.Yên Bái. Các sản phẩm chủ yếu: Đũa gỗ, gỗ xẻ, ván ghép, ván ép, viên nén năng lượng…Ngoài ra trên địa bàn còn 6 doanh nghiệp chế biến bột giấy, giấy đế, vàng mã; 14 nhà máy chế biến tinh dầu quế.

“Tuy nhiên các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn vẫn ở mức quy mô nhỏ, lẻ, thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ, sản phẩm đầu ra chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh ngành lâm nghiệp của tỉnh. Thế nhưng các cơ sở này đã tạo được động lực thúc đẩy cho công tác trồng rừng, nâng cao giá trị kinh tế ngành lâm nghiệp tạo liên kết bền vững cho người dân. Từ đó góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”, Nguyễn Thái Bình nói.

Có thể thấy, trồng rừng gắn với chế biến gỗ tại tỉnh Yên Bái là hướng phát triển kinh tế bền vững. Nhất là trong bối cảnh rừng tự nhiên tại nhiều nơi trên cả nước vẫn bị xâm hại thì định hướng để người dân phát triển kinh tế gia tăng diện tích rừng che phủ, hạn chế xâm hại đến rừng tự nhiên là mô hình cần được nhân rộng. Bởi trồng rừng không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn tạo tác động rất tích cực tới môi trường nhất là khi chúng ta đang đứng trước rất nhiều thách thức của biến đối khí hậu.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái: Phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO