Xử lý vi phạm môi trường nông thôn ở Điện Biên: Chưa có hồi kết

29/12/2016 00:00

(TN&MT) - Tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt đang trở thành nỗi lo ngại lớn, đe dọa đến sức khỏe, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Điện...

 

 (TN&MT) - Tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt đang trở thành nỗi lo ngại lớn, đe dọa đến sức khỏe, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

  

Điểm thu gom rác tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, rác đổ ngoài đường.
Điểm thu gom rác tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, rác đổ ngoài đường.

Những bãi rác “bất đắc dĩ”

Tình trạng người dân xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng phổ biến, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đời sống của nhiều người dân. Tại nhiều khu dân cư, sự xuất hiện của những bãi rác ngay con đường đi vào đã trở nên “quen thuộc”.

Tính riêng xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, khu vực dọc Quốc lộ 279, có tới 7 điểm thu gom rác. Tuy vậy, vẫn xảy ra tình trạng người dân đổ rác không đúng nơi quy định, cố tình vứt rác xuống đường, một số hộ dân đổ cả rác thải xây dựng... khiến đường đi trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan. Cùng với đó, việc chọn địa điểm thu gom rác cũng chưa hợp lý, tập trung ở những khu đông dân cư, hệ thống thùng rác không đủ chứa, hư hỏng, nằm không trên lề đường cũng là chuyện không hiếm gặp.

2. Rác thải chất thành đống tại xã Thanh An, huyện Điện Biên.
Rác thải chất thành đống tại xã Thanh An, huyện Điện Biên.

Người dân xả rác bừa bãi đã khiến các tuyến kênh mương của Đại thủy nông Nậm Rốm bị “ép” làm bãi chứa rác. Người dân tuyến trên xả rác bừa bãi ra hệ thống kênh mương và hậu quả là lượng rác đổ dồn về các xã phía cuối kênh như: Noong Luống, Pom Lót, Sam Mứn của huyện Điện Biên, cộng với lượng rác thải tồn đọng từ lâu khiến cho các xã phía cuối tuyến này đương nhiên trở thành những bãi chứa rác khổng lồ. Do rác thải lộ thiên, ngâm trong nước lâu ngày không được xử lý, nên bốc mùi hôi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của nhân dân.

Hồ Co Nôm, xã Noong Luống là một điểm ô nhiễm “điển hình” do rác thải. Hầu hết rác thải sinh hoạt, xác động vật, lọ thuốc bảo vệ thực vật... từ các xã đầu nguồn của tuyến kênh hữu này đổ dồn vào lòng hồ, trước khi chảy ra máng dẫn trực tiếp vào ruộng. Khiến tình trạng nước hồ và khu vực xung quanh ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh là không hề nhỏ.

Rác thải theo kênh thủy nông Nậm Rốm đổ dồn về hồ Co Nôm, Xã Noong Luống, huyện Điện Biên.
Rác thải theo kênh thủy nông Nậm Rốm đổ dồn về hồ Co Nôm, Xã Noong Luống, huyện Điện Biên.

Cần chế tài xử lý triệt để

Được biết, để hạn chế lượng rác thải đổ dồn về phía cuối kênh, UBND huyện Điện Biên đã chỉ đạo các xã tuyến trên làm rào chắn rác. Tuy vậy, việc xây dựng rào chắn này có thực sự đem lại hiệu quả nếu tình trạng xả rác bừa bãi vẫn tiếp diễn?

Ông Trần Xuân Khoản, đội 12, xã Noong Hẹt cho biết: “Việc xây rào chắn rác khiến đoạn kênh mương ngay trước nhà tôi trở thành một bãi rác. Đợt trước, mưa nhiều, rác ở trên đổ về không chảy đi mà ứ đọng ở đó. Cách đây khoảng một tháng, tôi phải trực tiếp lên UBND xã để yêu cầu họ xuống xúc đi, chứ để đó không thể chịu được. Bây giờ, mùa cắt nước, chứ khi nào tháo nước, rác chảy về tồn như kiểu rào chắn, nếu không có người vớt, không cẩn thận gây áp lực cho đoạn kênh yếu phía trên.”

Tại Khoản 1, Điều 20, Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có nêu rõ: Với hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định, bị phạt như sau: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị...

Rào chắn rác ở kênh thủy nông Nậm Rốm, cần lưu ý chắn rác hay “chắn nước”?
Rào chắn rác ở kênh thủy nông Nậm Rốm, cần lưu ý chắn rác hay “chắn nước”?

Bà Trần Thị Thanh Phượng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Điện Biên, cho biết: Mặc dù, pháp luật đã có những quy định rất rõ về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xả rác thải không đúng nơi quy định. Tuy vậy, trong quá trình triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn. Để xử phạt hành vi vi phạm về các vấn đề môi trường, cần thiết phải có những bằng chứng cụ thể, dù hành vi xả rác thải bừa bãi diễn ra liên tục nhưng thời gian thực hiện hành vi vi phạm lại rất ngắn gây khó khăn trong quá trình xử phạt. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 54 Nghị định 179, Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý chất thải sinh hoạt. Tuy vậy, hầu hết các địa phương đều chưa có chế tài xử lý tình trạng xả thải rác bừa bãi.

Ông Nguyễn Quang Bắc, Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Trên địa bàn xã có 3 điểm thu gom rác, UBND xã đã tiến hành tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, tới nay, 20/20 thôn bản trong xã đã đưa việc xử lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường vào trong quy ước, hương ước của địa phương. Tuy vậy, tình trạng người dân xả thải rác bừa bãi vẫn còn xảy ra. Đến nay, UBND xã vẫn chưa áp dụng chế tài nào để xử lý vi phạm hành chính với những trường hợp này.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng xả thải rác bừa bãi, Điện Biên cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc, xử lý những trường hợp vi phạm đảm bảo tính răn đe, đúng với quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Hà Quân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm môi trường nông thôn ở Điện Biên: Chưa có hồi kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO