Xử lý rác thải trong khu cách ly: Biến nỗi sợ thành “không đáng sợ”

Việt Hải| 01/06/2021 11:06

(TN&MT) - Xử lý rác thải tại các khu cách ly dành cho người nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đang là mối quan tâm lớn của chính quyền và người dân địa phương trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh diễn ra phức tạp.

Urenco 13 - trách nhiệm và kinh nghiệm

Là một trong các đơn vị đảm nhiệm thu gom xử lý rác thải y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này, Công ty Cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13) thực hiện thu gom xử lý rác tại các khu cách ly Trường nghề Thành An - Thanh Trì; Trường nghề công nghệ cao Hà Nội - Nam Từ Liêm; KCL Sơn Tây; KCL Trường Đại học quốc gia Hà Nội, Trường Đại học FPT - Thạch Thất; và một số khách sạn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với ước tính mỗi ngày, mỗi khu cách ly phát sinh khoảng 300 kg rác thải y tế.

Khu vực nhà xưởng hấp chất thải y tế

Trước băn khoăn của phóng viên khi chỉ được tiếp cận hiện trường tại một số khu vực an toàn, Phó Giám đốc Tống Việt Dũng khẳng định: “Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác tại các khu cách ly do công ty đảm nhiệm đang được thực hiện theo những quy định chặt chẽ, quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý nghiêm ngặt, tuyệt đối không để rác trở thành nguồn lây dịch bệnh ra cộng đồng, không để công nhân thu gom, vận chuyển, xử lý rác trở thành vecto truyền bệnh và không để rác ảnh hưởng đến sức khỏe của chính những người đang thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác”.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu cách ly y tế tập trung, thời gian qua, Công ty Urenco 13 đã cơ bản xử lý triệt để những vấn đề liên quan đến rác thải, môi trường. Quá trình thu gom, xử lý đều tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, có quy trình vận hành an toàn, đảm bảo các công đoạn, phương tiện và trang thiết bị đều được khử khuẩn nghiêm ngặt.

Đã phối kết hợp với các cơ quan y tế và Ban Quản lý khu cách ly tuyên truyền cho người cách ly hiểu rằng, rác thải từ khu cách ly có thể là vật thể mang mầm virus phát tán ra cộng đồng trong quá trình tiếp xúc. Vì vậy, thực hiện các quy định về vệ sinh tại khu cách ly, phân loại rác, tuân thủ chặt chẽ đối với các loại rác nguy cơ cao sẽ giảm bớt nguy cơ phát tán, tạo điều kiện cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý được hiệu quả hơn.

Khử khuẩn chất thải y tế nguy hại

Để tạo điều kiện cho người cách ly thực hiện phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định, đồng thời đảm bảo an toàn cho đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh thấp, người cách ly được phát túi đựng rác phân biệt theo màu; tại mỗi hành lang của khu vực cách ly đều được công ty bố trí các thùng nhựa cứng màu vàng có nắp đậy và túi đựng chất thải lây nhiễm; dán thông báo “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.

Công ty đã tăng mạnh tần suất thu gom rác tại các khu cách ly nhằm đảm bảo ngăn chặn mầm bệnh một cách sớm nhất. Đối với một số khu vực đặc biệt nguy hiểm, có thời điểm, rác được thu gom về khu vực tập kết rác nguy hại theo chu kỳ 30 phút/lượt; đồng nghĩa với tần suất khử khuẩn rác tại nơi thu gom, tập kết; khử khuẩn người, thùng chuyên dụng và xe chuyên chở được tăng lên theo mỗi lần thu gom. Riêng đối với công tác vận chuyển về nhà máy để xử lý, phải tính toán đường vận chuyển ngắn nhất, tránh tối đa đi qua khu vực dân cư, nơi tập trung đông người và đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình vận chuyển. Các công đoạn tiếp theo như hấp sấy, khử trùng, đốt… đều đảm bảo hiệu quả, an toàn vệ sinh môi trường và an toàn sức khỏe cho người lao động.

An toàn lao động phải đi đôi với an toàn sức khỏe

Công tác an toàn cho lực lượng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải luôn được Ban lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Không chỉ riêng đối với thời điểm hiện tại mà từ khi dịch bệnh phát sinh, bùng phát trên địa bàn Hà Nội, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội nói chung mà trực tiếp là Công ty Urenco 13 đã chú trọng công tác giáo dục tuyên truyền về đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động đi đôi với đảm bảo an toàn tuyệt đối về chất lượng công việc.

Trong trang phục bảo hộ kín mít, công nhân Tạ Văn Duẩn tại Tổ vận chuyển cho biết: “Chúng tôi thường xuyên được đào tạo tập huấn về an toàn sản xuất để chủ động bảo vệ bản thân. Ngoài ra, trong thực hiện nhiệm vụ, anh em công nhân được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động nên chúng tôi hoàn toàn tự tin làm việc ở các khu cách ly”.

Lò hấp chất thải y tế

Còn tại Tổ hấp sấy, công nhân Đinh Mạnh Thành tự tin chia sẻ: “Ở mỗi ca sản xuất, Tổ trưởng đều yêu cầu anh em sử dụng bảo hộ một lần. Trước và sau mỗi ca sản xuất thì các dụng cụ bảo hộ đều được ngâm dung dịch khử khuẩn. Các đồ bảo hộ một lần cũng được phân loại và xử lý như rác thải y tế. Công tác đảm bảo an toàn này thường xuyên được duy trì và được nâng cao hơn trong thời điểm đối phó với dịch bệnh Covid-19”.

Ngoài ra, anh em công nhân còn được tập huấn đồng bộ toàn bộ quy trình sản xuất. Hàng ngày, trước khi đi vào khu thu gom cách ly, họ đều phải qua các khâu kiểm tra, khử khuẩn nghiêm ngặt; kiểm tra thân nhiệt, cấp phát dung dịch khử khuẩn cơ thể. Công tác khử khuẩn, trước tiên là để đảm bảo an toàn cho công nhân; bên cạnh đó, còn tránh được nguy cơ mỗi công nhân hay công cụ, vật dụng lao động trở thành một vecto truyền virus ra cộng đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Và như vậy, có thể nói rằng, trong lĩnh vực xử lý rác thải y tế trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt qua những đợt dịch như vừa rồi, Urenco 13 luôn là đơn vị tạo được sự tin cậy bởi chất lượng công việc và thái độ phục vụ. Họ đã biến những nỗi sợ từ rác nguy hại thành “không đáng sợ”, góp phần vào thành công của công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Nội nói riêng và trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý rác thải trong khu cách ly: Biến nỗi sợ thành “không đáng sợ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO