Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý loại rác thải này đối với các huyện vùng cao đang là một bài toán khó. Vì thế, các ngành chức năng cần nhanh chóng tìm ra giải pháp bền vững, lâu dài để bà con vùng cao có môi trường sống xanh – sạch – đẹp trong tương lai gần.
Tại các huyện vùng cao tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh từ nhiều năm qua đang xuất hiện nhiều "điểm đen" ô nhiễm rác thải sinh hoạt. Những khu vực tập kết rác thải tự phát không được xử lý đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của bà con vùng cao.
Báo động ô nhiễm
Tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt ở nông thôn thuộc các huyện miền núi tại Thanh Hóa đang ở mức báo động do điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và chịu ảnh hưởng rất lớn của tập quán, thói quen lạc hậu đã tác động xấu tới môi trường sống ở vùng nông thôn niền núi.
Hiện nay, rác thải tồn đọng lâu ngày và xử lý bằng biện pháp chôn lấp, đó là nguyên nhân khiến bãi rác ở xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy luôn trong tình trạng “bội thực”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh.
Khu vực tập kết các loại rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, xác chết động vật được chất cao thành đống, nằm lộ thiên bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi muỗi bu đen khắp nơi. Bên cạnh đó là hàng chục hố chứa nước rỉ rác có màu đen kịt, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm…tất cả tạo nên cảnh tượng vô cùng phản cảm, nhếch nhác. Bãi chôn lấp rác thải tại xã Cẩm Vân được quy hoạch từ năm 2007, là nơi tập trung rác thải của 8/9 thôn. Qua nhiều năm sử dụng, nay diện tích bãi rác không còn, cộng với việc rác thải chỉ xử lý bằng hình thức chôn lấp…từ đó lượng rác thải ngày một nhiều và gây ô nhiễm môi trường
Tại huyện Hoằng Hóa, nhiều điểm tập kết rác thải và bãi rác tại một số xã cũng đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường như điểm tập kết rác tại khu vực Sã Trúc, xã Hoằng Đạo, Hoằng Thanh, Hoằng Lộc, Hoằng Đức. Rác thải tràn lan, chất đống, bốc mùi hôi thối và nước rỉ rác vẫn đang chảy ra môi trường.
Ô nhiễm môi trường bởi bãi rác khổng lồ án ngữ trên đỉnh đồi tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân và bãi rác ở xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân đang trở thành nỗi ám ảnh trong từng bữa ăn giấc ngủ đối với người dân nơi đây. Rác đổ lộ thiên, không được xử lý, ruồi nhặng bâu kín, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Qua quan sát cho thấy, khu vực được xây dựng để đổ và xử lý rác thải thì để không, còn phía đỉnh đồi rác thải được đổ tràn lan, chất thành đống cao như núi, nhiều loại rác thải y tế được vứt vô tội vạ tiềm ẩn lây lan các loại dịch bệnh.
Năm 2015, UBND huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) đã quy hoạch và xây dựng một khu xử lý rác của thị trấn Mường Xén. Khu này được đặt tại bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn. Gọi là “khu xử lý” chứ thực ra bãi rác này mới chỉ đào hố, xây sơ sài rồi đưa vào sử dụng. Vì thế, tuy mới đi vào hoạt động được vài năm nay nhưng bãi rác thải nói trên đã bộc lộ nhiều bất cập khiến cho người dân không khỏi bất an, lo lắng.
Đầu tiên phải kể đến là tình trạng ô nhiễm mà bãi rác thải gây ra đối với hơn 130 hộ dân với gần 600 nhân khẩu ở bản Noọng Dẻ. Do khu vực tập kết bãi rác chỉ cách trung tâm của bản này theo đường chim bay chưa đầy 1km nên mùi hôi thối phát ra từ quá trình phân hủy rác theo hướng gió bao trùm khu dân cư. Đặc biệt, bãi rác này xử lý rác bằng hình thức gom đốt, vì thế khói đốt rác ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh.
Cũng theo phản ánh thì ở bản Noọng Dẻ ngoài hàng trăm hộ dân thì ở đây còn là điểm dừng chân của 3 điểm trường học với hàng trăm học sinh. Hàng ngày các em học sinh vẫn đang phải sống chung với ô nhiễm từ mùi hôi thối của rác thải phân hủy lẫn mùi khói khét lẹt từ khói đốt rác.
Chưa hết, việc bãi rác thải được quy hoạch sát QL7, lại nằm ở vị trí đồi núi cao và nằm trên thượng nguồn của sông suối nên khi trời mưa nước rỉ trong quá trình phân hủy rác theo nước mưa cứ thế ào ào chảy xuống phía các hẻm núi để hòa vào dòng sông Nậm Mộ xuôi xuống phía dưới. Vì thế, nước sông suối ở phía dưới bãi rác này “đón nhận” một lượng lớn nước rỉ rác khiến cho chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng, ô nhiễm.
“Khủng hoảng” với ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt
Tại khối 1 thị trấn Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An), bãi rác tập trung trên địa bàn hiện cũng đang bị quá tải, không được xử lý khiến môi trường ô nhiễm. Từ nhiều năm qua, những đám cháy âm ỉ trong bãi ngày này qua ngày khác, khói độc hại bao trùm khu vực, mùi hôi thối nồng nặc cả ngày lẫn đêm, ruồi nhặng bám đầy nhà khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mục sở thị bãi rác thị trấn Quỳ Hợp rộng hàng nghìn mét vuông, các loại rác thải chất thành đống cao, mùi hôi thối nồng nặc; khói từ những đám cháy âm ỉ làm không khí cả khu vực trở nên ngột ngạt. Vào tháng 4/2021, bãi rác này đã bùng cháy khiến chính quyền và nhân dân phải hết sức vất vả dập lửa.
Tại Hà Tĩnh, số liệu thống kê của Sở TN&MT trong năm 2021, cho thấy lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh 716 tấn/ngày, riêng vùng nông thôn chiếm 72,2% (516 tấn/ngày). Trong đó, rác thải được thu gom, vận chuyển để xử lý ở vùng nông thôn mới đạt 65,9%, còn đô thị đạt trên 82%.
Từ những con số biết nói, cho thấy một lượng lớn rác thải ở vùng nông thôn, vùng núi Hà Tĩnh đang trở thành bài toán bức thiết cần lời giải. Thực tế những năm qua, câu chuyện giải quyết “điểm đen” ô nhiễm môi trường, nhất là vấn đề rác thải ở miền núi đã khiến cơ quan chức năng đau đầu, dư luận bức xúc.
Phải kể đến tình trạng rác thải rắn sinh hoạt tập kết bừa bãi trong khu dân cư và trên các tuyến đường trục chính ở huyện miền núi Hương Khê được xem “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, tình trạng kéo dài gần mười năm nay. Nguyên nhân trên địa bàn huyện chưa có khu xử lý chất thải rắn theo tiêu chuẩn, quy định, bãi rác tự phát đã quá tải, không thể tiếp tục sử dụng.
Theo tính toán của ngành chức năng, lượng rác thải trung bình năm, giai đoạn 2019 - 2033 tính riêng đơn vị thị trấn và 8 xã phụ cận (Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Hương Bình, Hương Thủy) của huyện miền núi Hương Khê khoảng 20,6 tấn/ngày. Sau nhiều năm “khủng hoảng” với ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt, có thời điểm người dân treo rác lên tàu hỏa ra Bắc vào Nam thì đến nay người dân Hương Khê đã có thể đặt kỳ vọng vào Dự án nhà máy rác thải rắn bằng công nghệ lò đốt, công trình đang được triển khai thi công trên địa bàn.
Ông Nguyễn Xuân Quyền, Trưởng Phòng TN&MT huyện Hương Khê cho biết: “UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận kết quả đánh giá tác động môi trường để triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn. Hy vọng, với sự vào cuộc chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đảm bảo các điều kiện về môi trường thì dự án sớm được hoàn thành, đi vào hoạt động ”.
Bài 2: Những mô hình xử lý rác tạm thời