Xử lý chất thải bệnh viện: Cần cả thế, lực và công nghệ

12/06/2014 00:00

(TN&MT) - Chất thải y tế là mối lo lớn nhất trong công tác kiểm soát ô nhiễm, đến mức thế giới xếp các cơ sở y tế là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

(TN&MT) - Chất thải y tế là mối lo lớn nhất trong công tác kiểm soát ô nhiễm, đến mức thế giới xếp các cơ sở y tế là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ở Việt Nam, giải quyết vấn đề này đặc biệt khó khăn, bởi cơ sở khám chữa bệnh không sinh lời, tồn tại nhờ nguồn tài chính Nhà nước hoặc từ nguồn thu bệnh nhân.
   
Chất thải ngành y – vấn nạn toàn cầu
   
Nhức nhối của ngành y
   
  Theo thống kê, mức tăng chất thải y tế hiện nay là 7,6%/năm. Dự kiến đến năm 2015, tổng lượng chất thải rắn y tế là 600 tấn/ngày và năm 2020 là 800 tấn/ngày. Với khối lượng chất thải y tế lớn như vậy, nếu không được xử lý một cách triệt để chắc chắn sẽ tiềm ẩn những nguy cơ với môi trường và cuộc sống hàng ngày.
   
  Thực tế, gần như 100% bệnh viện có thực hiện phân loại chất thải từ nguồn, nhưng khó có thể đảm bảo thực hiện tốt hoàn toàn do điều kiện nhân lực của từng bệnh viện rất khác nhau. Việc phân loại rác thải rắn y tế còn chưa đúng quy định, còn lẫn vào chất thải sinh hoạt. Phương tiện thu gom như túi, thùng đựng chất thải thiếu và chưa đồng bộ, hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn. Không có phương tiện vận chuyển riêng biệt, chuyên dụng, nơi lưu giữ không bảo đảm vệ sinh, có nhiều nguy cơ gây rủi ro do vật sắc nhọn rơi vãi, nhiều côn trùng xâm nhập.
   
  Chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Hà Nội, qua khảo sát của Sở Y tế, lượng rác thải rắn y tế từ hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong năm 2013 là khoảng gần 3 triệu kg chất thải thông thường và 548.320 kg chất thải y tế nguy hại.
   
  Để xử lý hết số chất thải này, trong những năm qua, ngành y tế cũng như các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã nỗ lực đầu tư các trang thiết bị xử lý chất thải. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở y tế đều đang gặp khó khăn về kinh phí trong thực hiện các quy định về xử lý rác thải, vận hành hệ thống xử lý mà còn cả vấn đề vệ sinh bệnh viện. Đơn cử như Bệnh viện Đống Đa, ước tính năm 2014 sẽ phải chi khoảng 1,2 tỷ đồng cho công tác vệ sinh bệnh viện, chưa kể kinh phí cho vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải; kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện thu gom, lưu trữ, vận chuyển, tiêu hủy chất thải rắn.
   
Ì ạch về công nghệ
   
  Trong bối cảnh đất nước còn nghèo thì việc chú trọng các công nghệ có mức đầu tư hợp lý thể hiện rất rõ ý thức tiết kiệm, hiệu quả của ngành y tế song nếu như không có sự tính toán khoa học thì rất có thể sự tiết kiệm đó sẽ có “phản ứng ngược”.
   
  Phương pháp xử lý chủ yếu hiện nay là bằng lò đốt, nhưng số lò đốt hiện đại, đốt tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường còn ít. Số còn lại là các lò đốt công suất nhỏ và trung bình, lò đốt thủ công để phục vụ xử lý chất thải tại chỗ hoặc cho cụm bệnh viện, trong đó có nhiều lò đốt đã cũ, không được sử dụng thường xuyên hoặc vận hành không hết công suất…
   
  Ước tính mỗi ngày có khoảng 350 tấn chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở y tế, trong đó có 40,5 tấn là chất thải rắn nguy hại, mức độ gia tăng khoảng 7,6%/năm. Trong đó, có khoảng 60 - 70 tấn là rác thải độc hại, phải xử lý. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 số chất thải rắn được đốt bằng lò đốt hiện đại và có thể đảm bảo an toàn môi trường…
   
  Số còn lại được tiêu huỷ bằng nhiều hình thức như thiêu ngoài trời, đốt bằng lò thủ công, chôn trong khuôn viên bệnh viện,  hoặc thải trực tiếp ra bãi rác chung. Điều đáng lo ngại là những cách thức tiêu huỷ này đều chưa đảm bảo vệ sinh an toàn đối với môi trường xung quanh nơi có đông dân cư sinh sống. Khảo sát của Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường cho thấy, cả nước mới chỉ có gần 200 lò đốt chuyên dụng. Trong đó, có 2 xí nghiệp đốt rác tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, còn lại là các lò đốt rác cỡ trung bình và cỡ nhỏ. Tuy nhiên gần 200 chiếc lò đốt này hiện phải xử lý rác thải y tế cho 435 bệnh viện, chiếm khoảng 40% số bệnh viện. Hơn nữa, các lò đốt rác chủ yếu tập trung ở các bệnh viện tỉnh trở lên và một số bệnh viện tuyến huyện thuộc các thị xã, thành phố.
   
  Còn lại có tới 33% bệnh viện tuyến huyện và tỉnh không có hệ thống lò đốt chuyên dụng, phải xử lý chất thải y tế nguy hại bằng các lò đốt thủ công. Đối với chất thải lỏng y tế được phát sinh từ các hoạt động chuyên môn và sinh hoạt của nhân viên bệnh viên, bệnh nhân và người thăm nuôi, thì có tới 62,3% số bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, hệ thống xử lý nước thải của nhiều bệnh viện còn bị xuống cấp, công nghệ xử lý chưa đảm bảo được tiêu chuẩn môi trường.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý chất thải bệnh viện: Cần cả thế, lực và công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO