Xử lý các cơ sở y tế gây ô nhiễm nghiêm trọng: Quá chậm!

23/07/2015 00:00

(TN&MT) - Tiến độ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) trong đó có các cơ sở y tế còn chậm trễ làm giảm hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Trung ương quyết liệt, địa phương lơ là?

Theo Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2015 sẽ tập trung xử lý dứt điểm 229 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm 121 cơ sở sản xuất, kinh doanh; 28 bãi rác; 59 bệnh viện, 21 trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động – xã hội, trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm, 6 địa phương chưa có cơ sở nào hoàn thành xử lý ô nhiễm…

Tại Quyết định 1788 có 169 cơ sở y tế trong danh sách cơ sở gây ÔNMTNT, trong đó giai đoạn đến năm 2015, có 53 bệnh viện và giai đoạn đến năm 2020 có 116 bệnh viện phải xử lý triệt để, dứt điểm tình trạng ÔNMTNT. Trong số 169 bệnh viện nằm trong danh sách cơ sở gây ÔNMTNT, chỉ có 1 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và hiện nay bệnh viện này đã được cấp chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và ra khỏi danh sách cơ sở gây ÔNMTNT. Còn lại 168 bệnh viện nằm trong danh sách cơ sở gây ÔNMTNT đều thuộc quyền quản lý của các địa phương và UBND tỉnh/thành phố phải có trách nhiệm giải quyết tình trạng gây ô nhiễm của các cơ sở này.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 9/169 bệnh viện đã được cấp chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định; 68/169 bệnh viện đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy định, hiện đang làm thủ tục để được cấp chứng nhận hoàn thành việc xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường; 32/169 bệnh viện đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT nhằm khắc phục tình trạng ÔNMTNT; 60/169 bệnh viện đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT.

Việc xử lý các cơ sở y tế còn chậm trễ làm giảm hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về BVMT
Việc xử lý các cơ sở y tế còn chậm trễ làm giảm hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về BVMT

Qua công tác kiểm tra của Tổng cục Môi trường cho thấy, việc xử lý các cơ sở thuộc khu vực công ích trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động không khả thi khi áp dụng đối với các cơ sở công ích (bệnh viện, bãi rác). Một số cơ sở công ích khi bị xử phạt vi phạm hành chính về BVMT nhưng đã không chấp hành quyết định xử phạt như: Bệnh viện đa khoa Việt Tiệp, Bệnh viện Lao phổi Hải Phòng... làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Trong khi đó, việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở công ích trong việc xử lý ô nhiễm triệt để cũng chưa được quan tâm thực hiện.

Mặt khác, một số địa phương chưa quyết liệt thực hiện, chưa tổ chức tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch tới các cơ sở, nhiều cơ quan thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để không nắm rõ trách nhiệm và các nội dung cần triển khai thực hiện xử lý triệt để đối với cơ sở gây ÔNMTNT do mình quản lý Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng.... Điều này đã làm giảm hiệu lực thực thi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 1788, hiện Tổng cục Môi trường, kiến nghị ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách Nhà nước nguồn sự nghiệp môi trường và nguồn đầu tư phát triển cho thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT thuộc khu vực công ích nhưng chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để có thời hạn hoàn thành trước ngày 31/12/2015 theo Quyết định số 58/2008, Quyết định số 38/2011 bao gồm: 15 bệnh viện, 5 bãi rác, 6 Trung tâm giáo dục lao động xã hội có tên tại danh mục của Quyết định số 1788; 3 bệnh viện và 6 bãi rác còn tồn đọng tại Quyết định số 64.

 Tổng cục Môi trường sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành về xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình chây ì, không đầu tư thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc xử phạt vi phạm hành chính, tăng cường sử dụng các biện pháp mạnh về xử lý triệt để theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1788.

Luật BVMT 2014 có hiệu lực tạo hành lang pháp lý quan trọng quản lý chất thải y tế, trong đó tại Điều 72 của Luật nhấn mạnh, người đứng đầu của bệnh viện có trách nhiệm xử lý chất thải y tế đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, giám đốc bệnh viện, nó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Trên cơ sở đó, mới đây, Bộ Y tế  cũng đã có Chỉ thị yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; lãnh đạo y tế các Bộ, ngành tiếp tục tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý chất thải bảo vệ môi trường.

Đối với các giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc lãnh đạo Bộ, ngành, cần ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cho các bệnh viện trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để thực hiện đúng tiến độ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở y tế khác trên địa bàn để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Phương Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý các cơ sở y tế gây ô nhiễm nghiêm trọng: Quá chậm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO