Xoá chung cư cũ nát ở TPHCM: Rất cần một "lối thoát hiểm"

28/08/2017 00:00

                               

(TN&MT) - Tháng 3.2017 vừa qua, UBND TPHCM đã chấp thuận phân cấp cho các quận, huyện toàn quyền kiểm định, tháo dỡ hàng trăm chung cư cũ nát, nhằm cải tạo bộ mặt đô thị, nâng cao đời sống của hàng trăm ngàn dân… Tuy nhiên, công việc trên không dễ chút nào, khi còn quá nhiều trở ngại cần được tháo dỡ, trước khi tháo dỡ các chung cư cũ nát.

Phập phồng sống chung với… tử thần

Bà Lê Thị Thái (chung cư Lý Thường Kiệt, đường Vĩnh Viễn, quận 11) cho biết: “Gia đình tôi sống ở chung cư này đã hơn 50 năm. Từ thời cha mẹ, tới đời tôi, nay sang đời các con, cháu tôi cũng tụm nhau sống ở đây. Dù chung cư xập xệ, xuống cấp trầm trọng, nhưng tiền đâu mà đổi nhà ? Hơn nữa, quen sống ở đây rồi, nên khó thay đổi lắm”. Riêng ông Nguyễn Văn Kỉnh (chung cư Liêu Thị Hương, phường 8, quận 11) nói: “Sống trong chung cư cũ nát, nói thiệt, là sống trong nỗi phập phồng, nơm nớp sợ như sống chung với tử thần. Chung cư quá cũ, quá nát, nói dại, lỡ nó sập là chết cả đám. Nhưng biết sao, khi gần như cả đời, gia đình chúng tôi nương náu ở đây”. Tương tự, tại chung cư Ấn Quang (quận 10), là một trong những chung cư cũ nát, xuống cấp nhất ở TP HCM. Hàng trăm hộ dân sống tại đây đang đánh cược sinh mệnh của họ, với hơn  6 tầng chung cư đang từng ngày rệu rạo, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào...

 

TPHCM hiện có gần 480 chung cư cũ, phần lớn được xây dựng từ giữa những năm 1960; trong đó có hơn 100 chung cư, nhà tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, do cơ chế, chính sách chưa phù hợp nên các doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia đầu tư xây dựng mới các chung cư cũ, trong khi nhu cầu của người dân thành phố rất bức thiết.

Tháng 7/2017, UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo hai đơn vị là Sở Quy hoạch và Kiến trúc; Sở Xây dựng khẩn trương hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các quận, huyện trên địa bàn thực hiện cấp giấy phép xây dựng theo quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố mới đây về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân đang sinh sống tại các chung cư bị hư hỏng, xuống cấp.

Theo đó, Sở Xây dựng được giao dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 73/2008/QĐ-UBND về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân đang cư ngụ tại các chung cư bị hư hỏng, xuống cấp, trình Uỷ ban nhân dân Thành phố ngay trong tháng 7/2017; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các quận thực hiện kiểm định toàn bộ các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn Thành phố.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu sửa đổi Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất và Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND về diện tích tối thiểu được tách thửa; báo cáo, đề xuất giải quyết các vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức và cá nhân theo quy định.

Cùng với đó, Sở Nội vụ tổ chức kiểm tra công vụ đối với quy trình thực hiện xác định hệ số điều chỉnh giá đất, để tính bồi thường của Sở Tài nguyên và Môi trường; đảm bảo việc xác định hệ số điều chỉnh giá đất được triển khai kịp thời, phù hợp với quy định pháp luật, không gây ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi đất của các dự án công ích trên địa bàn Thành phố.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, hiện nay, trên địa bàn Thành phố này có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, tập trung ở các quận: quận 1, quận 10, quận 3, quận 5, quận 4.

Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư nguy cơ sụp đổ cao. Các chung cư trên được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D, đây là cấp độ nguy hiểm cao nhất.

Theo kế hoạch mà Sở Xây dựng đề ra, đến năm 2020, TP.Hồ chí Minh sẽ hoàn thành tháo dỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ kể trên. 

 

Trong buổi làm việc với lãnh đạo Thành uỷ TPHCM gần đây, ông Ngô Văn  Luận – Bí thư Quận uỷ quận 11, cho biết:  Quận 11 là một trong những quận đông dân nhất TP HCM. Quận 11 đang rất cần đẩy nhanh tiến độ cải tạo 43 chung cư cũ, xây dựng từ trước năm 1975, nay đang xuống cấp nghiêm trọng.  Trong đó có lô B, D, J chung cư Lý Thường Kiệt (phường 7) và cư xá Nhà Đèn 8 (phường 2) thuộc cấp độ B, C (khẩn cấp)…Tuy nhiên, trên thực tế, tiến độ cải tạo các chung cư sắp sập trên vẫn chưa đạt. Một trong những lý do là các chung cư trên có diện tích đất nhỏ hẹp, không thu hút các nhà đầu tư… Trong khi đó, theo ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TPHCM: Toàn TPHCM, có 474 chung cư cũ, với tổng số khoảng 50.000 căn hộ được xây từ trước 1975, phân bổ ở 15 quận. Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư nguy cơ sụp đổ cao. Các chung cư trên được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D - cấp độ nguy hiểm cao nhất.

Năm 2017, TP HCM phấn đấu cải tạo, sửa chữa 10 chung cư (16 lô), với hơn 116.000m2 sàn xây dựng. Bồi thường giải phóng mặt bằng 5 chung cư (7 lô), gần 28.000m2 sàn xây dựng; với 580 căn còn lại phải di dời; tháo dỡ 5 chung cư (8 lô) bị hư hỏng nặng, nguy hiểm. TP cũng sẽ khởi công 6 chung cư tại vị trí các chung cư cũ đã tháo dỡ với quy mô 1.785 căn hộ. Và theo kế hoạch, đến năm 2020, TP.HCM sẽ hoàn thành tháo dỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ kể trên.

Xã hội hoá cải tạo chung cư cũ, tại sao không?

Một chuyên gia về bất động sản, TS Lê Chí Đại Nhân (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) nói: “Chủ trương của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo TP HCM hết sức ủng hộ các dự án cải tạo chung cư cũ nát, xây dựng từ trước năm 1975. Thế nhưng trên thực tế, đầu tư vào lĩnh vực này rất nhỏ giọt; bởi có quá nhiều rào cản… Thí dụ: giá bồi thường cao, trong khi diện tích đất không đủ cho nhà đầu tư xây dựng gỡ vốn đầu tư. Đặc biệt, hầu hết chung cư cũ trong nội thành, xen lẫn trong khu dân cư đã hình thành hàng chục năm, nên chi phí xây dựng, vận chuyển đều rất cao… Mọi nguyên nhân trên đã không hấp dẫn nhà đầu tư bỏ vốn cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ”.

Mới đây, Cty CP chế biến hạt điều Lạc Long Quân (quận 11) đã đề xuất phương án “xã hội hoá” cải tạo các chung cư cũ nát. Ông Ngô Triều Vân – tổng GĐ Cty CP chế biến hạt điều Lạc Long Quân – cho biết: “Hiện Cty chúng tôi có hơn 4.300 m2 đất tại 168/11 Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, mà nhà nước giao để xây dựng trường nghề. Song, do chủ trương TP di dời trường nghề ra khỏi nội thành, nên DN sẳn sàng dành toàn bộ diện tích đất trên để xây nhà ở xã hội, dùng cho tái định cư các hộ dân bị giải toả tại các chung cư cũ nát của quận 11. Sau khi tái định cư cho dân  xong, DN sẽ đầu tư xây dựng mới hoàn toàn chung cư mới tại ngay địa điểm các chung cư cũ… Nhà nước không phải bỏ vốn, chỉ tạo điều kiện về chính sách, điều chỉnh quy hoạch sao cho thông thoáng, thì các dự án cải tạo chung cư cũ nát sẽ có lối ra”.

Thật vậy, một kế hoạch táo bạo nhằm “xã hội hoá”, xây dựng lại các chung cư cũ nát (trước mắt, thí điểm trên địa bàn quận 11) đã được ông Vân trình lên UBND TP HCM. Song, để thực hiện được mục tiêu trên, vấn đề cốt lõi là UBND TP phải cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ, chuyển mục đích sử dụng khu đất 168/11 Lạc Long Quân, từ xây dựng trường nghề sang xây dựng nhà tái định cư cho các hộ dân.v.v… Một cán bộ lãnh đạo quận 11 nhận xét: “Phương án “xã hội hoá” cải tạo chung cư cũ nát của Cty CP chế biến hạt điều Lạc Long Quân rất thiết thực đối với quận 11 nói riêng và TP HCM nói chung. Nhưng, bước đầu phải tạo điều kiện tái định cư, di dời dân từ các chung cư cũ, thì DN mới xây dựng mới chung cư. Muốn vậy, phải điều chỉnh quy hoạch đất từ trường nghề sang tái định cư, mới có thể di dời dân. Điều này lại thuộc thẩm quyền của UBND TP”.

UBND cấp quận, huyện đã được UBND TP phân cấp công nhận chủ đầu tư, phê duyệt phương án tạm cư, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…UBND quận, huyện được phép ủy quyền phê duyệt đề cương, báo cáo kinh tế-kỹ thuật, quyết toán về công tác kiểm định và sửa chữa chung cư cũ. Đồng thời, các cơ quan này còn được công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ. Đặc biệt, quận huyện cũng được ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp nhà chung cư cũ; phê duyệt phương án phá dỡ, phương án di dời, bố trí tạm cư và phương án cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp.v.v… Thế nhưng, còn rất nhiều cản ngại khác đòi hỏi cấp TP mới có thể giải quyết. Bằng không, chỉ tiêu tháo dỡ, cải tạo đạt 50% con số 474 chung cư, từ nay đến năm 2020 trên toàn TPHCM sẽ vẫn còn xa vời.

Tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương thí điểm tăng cường phân cấp, ủy quyền cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án thí điểm từng vấn đề, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị; đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Chính phủ, giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ động xây dựng đề án gắn với trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, làm việc với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ để xin ý kiến Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, có việc phân cấp cho UBND cấp quận, huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm: Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương; giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Xây dựng, Nội vụ, Công an, Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương UBND Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang trong tình trạng hư hỏng nặng, cấp độ cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ trong thời gian ngắn với điều kiện phải đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện dự án khả thi, an toàn và hiệu quả cao nhất; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật.

Hoàng Hưng

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xoá chung cư cũ nát ở TPHCM: Rất cần một "lối thoát hiểm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO