Xem xét kỹ việc cấp phép nhận chìm chất thải nạo vét DA Nhiệt điện Vĩnh Tân 1

05/11/2016 00:00

  (TN&MT) - Sở TN&MT Bình Thuận  đề nghị chủ dự án cần nghiên cứu tận dụng tối đa vật liệu nạo vét để san lấp các khu vực lấn biển của Cảng tổng...

 

(TN&MT) -Mặc dù đã đồng ý về mặt chủ trương về vị trí bãi đổ chất thải nạo vét cảng biển nước sâu của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân 1; song, để triển khai thực hiện có hiệu quả, không ảnh hưởng đến môi trường và kinh tế - xã hội, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) xin ý kiến thẩm định hồ sơ cấp phép giấy phép nhận chìm ở biển của Công ty TNNH Điện lực Vĩnh Tân 1.

Nạo vét dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - Ảnh: Báo Nhân Dân
Nạo vét cảng biển dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - Ảnh: Báo Nhân Dân

Có chủ trương nhận chìm chất thải nạo vét cảng biển nước sâu DA Nhiệt diện Vĩnh Tân

Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết: Tại công văn số 3519/UBND-KT ngày 29/7/2010 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc thỏa thuận vị trí dự kiến làm bãi đổ chất thải nạo vét Cảng biển nước sâu Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xét đề nghị của Sở TN&MT tại Công văn số 1535/STNMT-CCBVMT ngày 20 /7 /2010 về việc thỏa thuận vị trí dự kiến làm bãi đổ chất thải nạo vét Cảng biển nước sâu Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân), theo đó, UBND tỉnh xét thấy việc nạo vét và đổ thải vật liệu nạo vét là một hạng mục của báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án “Hệ thống cảng biển nước sâu Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân” đã được Bộ TN&MT tổ chức họp thẩm định vào ngày 01/3/2010 nên UBND tỉnh đồng ý không yêu cầu Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân lập báo cáo đánh giá tác động môi trường riêng cho khu vực đổ thải vật liệu nạo vét Cảng biển nước sâu.

Đồng thời, UBNS tỉnh cũng đồng ý về mặt chủ trương về vị trí bãi đổ chất thải nạo vét cảng biển nước sâu Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Tuy nhiên, UNBD tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân phải cung cấp đầy đủ thông tin về tài nguyên môi trường biển tại vùng dự án, nghiên cứu khả năng ảnh hưởng và các biện pháp, giải pháp giảm thiểu tác động đến Khu bảo tồn sinh thái biển Cù Lao Câu cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội (nuôi trồng, đánh bắt hải sản, sản xuất muối, sản xuất giống thủy sản, du lịch); Bổ sung kết quả phân tích mẫu trọng xa để xem xét khả năng tận dụng chất thải nạo vét làm vật liệu san lấp nhằm tận thu khoáng sản và giảm thiểu các tác động môi trường gây ra do việt đổ chất thải nạo vét…để trình Bộ TN&MT xem xét, phê duyệt.

Theo ông Hồ Lâm, mặc dù địa phương đã đồng ý về mặt chủ trương, song để cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân thực hiện dự án trên thì tỉnh Bình Thuận đã và đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để xem xét thẩm định hồ sơ xin cấp phép.

Cụ thể, mới đây Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận về việc xin ý kiến thẩm định hồ sơ cấp phép nhận chìm ở biển, trong đó có đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho ý kiến về ảnh hưởng của vị trí và hoạt động nhận chìm đối với phát triển kinh tế xã hội và các vấn đề liên quan tại địa phương. Theo đó, Sở TN&MT đã được UBND tỉnh Bình Thuận giao chủ trì, phối hợp tham mưu góp ý hồ sơ dự án và có báo cáo gửi về Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Tại báo cáo, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã nêu rõ: Vị trí khu vực biển được lựa chọn để sử dụng cho hoạt động nhận chìm phù hợp với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN&MT  phê duyệt tại Quyết định số 1571/QĐ-BTNMT ngày 24/7/2014 về việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường của Dự án xây dựng bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1; Vị trí nhận chìm có tọa độ và diện tích khoảng 30 ha nằm trong tọa độ cụ thể trên biển và diện tích là khoảng 300ha; Khối lượng vật liệu nạo vét đổ thải lớn (theo Quyết định số 1571/QĐ-BTNMT là 1.569.524 m³) nếu đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền thì cần phải có diện tích tương đối lớn, trong khi đó địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp không có mặt bằng để thực hiện nhiệm vụ này.

Đồng thời, việc đổ thải trên đất liền có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường khu vực đổ thải và vùng lân cận do đó việc đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền không hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Cần xây dựng phương án thực hiện chi tiết hơn

Cũng trong báo cáo gửi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã khẳng định diện tích khu vực biển sử dụng để nhận chìm 30 ha là chưa thuyết phục. Bởi, theo nhận định của Sở TN&MT, nếu thực hiện dự án thì tác động của dự án đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau là có thể xảy ra và tác động mạnh nếu để xảy ra sự cố, vì đây là nơi có hệ sinh thái biển phong phú, điển hình của vùng biển nhiệt đới với nhiều loại san hô và thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng. Đồng thời, trong quá trình thực hiện nạo vét và đổ thải có thể xảy ra các sự cố như: bùn thải xả trực tiếp xuống biển; xà lan va đập gây chìm; sự cố cháy nổ, tràn dầu... Trong khi đó chủ dự án chỉ nêu một số biện pháp phòng ngừa là chưa đủ và cần bổ sung các giải pháp xử lý khi có sự cố, rủi ro xảy ra trong quá trình nạo vét, đổ thải…

Ngoài ra, diện tích khu vực biển sử dụng để "nhấn chìm" ở biển nằm trên tuyến vận tải ven biển cho tàu, làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải. Bên cạnh đó, theo báo cáo, dự án có tổng khối lượng nạo vét khoảng 918.533 m³. Tuy nhiên, số liệu này chưa khớp với số liệu trong báo cáo đánh giá tác động đã được Bộ TN&MT phê duyệt là 1.569.524 m³.

Với những lý do trên, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đề nghị chủ dự án cần nghiên cứu tận dụng tối đa vật liệu nạo vét để san lấp các khu vực lấn biển của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, thuộc Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân; Thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình thi công nạo vét vận chuyển và đổ thải; Bổ sung các giải pháp xử lý khi xảy ra sự cố, rủi ro trong quá trình nạo vét, đổ thải…

  Linh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem xét kỹ việc cấp phép nhận chìm chất thải nạo vét DA Nhiệt điện Vĩnh Tân 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO