Xe điện sẽ “chiếm lĩnh” đường bộ

Khánh Ly| 25/10/2022 15:06

(TN&MT) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự kiến đến năm 2050, toàn bộ 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành không phát thải khí nhà kính. Để đạt mục tiêu này, vận tải đường bộ sẽ thắt chặt các quy định và tiêu chuẩn về sử dụng nhiên liệu hiệu quả, chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu xanh, ít phát thải bằng cách phát triển phương tiện sử dụng điện, kết hợp với pin nhiêu liệu (hydro).

Đường bộ đang chiếm 80% phát thải ngành giao thông

Số liệu từ Bộ GTVT cho thấy, toàn ngành đã phát thải khoảng 45 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2019. Dự báo, mức phát thải sẽ tăng trung bình 6 - 7% mỗi năm, đạt gần 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến tháng 8/2022, cả nước có gần 3.000 ô tô điện ráp, nhập khẩu, tăng gấp hơn 20 lần so với lượng ô tô điện của năm 2019. Đến nay, cả nước cũng đã có gần 1,8 triệu mô tô, xe máy điện hoạt động, phục vụ nhu cầu dân sinh hằng ngày.

Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% phát thải toàn ngành. Như vậy, tương lai của đường bộ sẽ chuyển đổi động cơ đốt trong hướng tới công nghệ xe điện. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, hiện nay, trên thế giới, năng lượng điện đã được ứng dụng rộng rãi đối với phương tiện giao thông đường bộ. Các nước đang phát triển như Việt Nam, do xuất phát điểm thấp, lộ trình chuyển đổi năng lượng giai đoạn đầu thường chậm hơn khoảng 5 - 10 năm và cần tăng tốc ở giai đoạn sau để bắt kịp mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Bộ GTVT đã đề ra lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang sử dụng điện. Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2030 tập trung khuyến khích sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu các loại phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng động cơ điện. Giai đoạn 2031 - 2050, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu đối với xe ô tô, mô tô, xe gắn máy phát thải khí nhà kính. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành không phát thải khí nhà kính; toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng điện, năng lượng không phát thải. Đồng hành với quá trình chuyển đổi phương tiện là phát triển hạ tầng sạc điện, cung cấp nhiên liệu trên phạm vi toàn quốc; hoàn thiện các cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại và mạng lưới sản xuất điện xanh đáp ứng nhu cầu phương tiện điện hóa.

Đánh giá về thuận lợi của Việt Nam khi chuyển đổi sang xe điện, bà Nguyễn Thị Phương Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng, hiện nay, công nghệ sản xuất xe điện có sẵn và doanh nghiệp Việt đã có thể đầu tư nội địa hóa sản phẩm. Giá thành cũng giảm so với trước nhờ những tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới trong vài năm trở lại đây. Rất nhiều nước đã đi trước và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, cả về lựa chọn công nghệ phù hợp hay phát triển hạ tầng, xây dựng chính sách quản lý, tiêu chuẩn, định mức…

Mặt khác, thách thức không nhỏ đặt ra là cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý theo kịp với yêu cầu triển khai lộ trình chuyển đổi. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chuyển đổi sang phương thức sử dụng nhiên liệu sạch hơn (điện, hydro,…) hầu như chưa có. Nguồn lực tài chính thực hiện các mục tiêu còn hạn chế do các doanh nghiệp vận tải của Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ chế hỗ trợ tài chính của Chính phủ chưa đủ mạnh để tạo sự hấp dẫn về giá của các phương tiện mới, trong khi hỗ trợ quốc tế còn hạn chế.

Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô điện trong nước

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ phát triển xe điện, nhưng mới tập trung vào ưu đãi thuế. Nhìn về lâu dài, việc phát triển ngành công nghiệp xe điện cần phải lồng ghép và tận dụng năng lực hiện có của các doanh nghiệp sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong thông thường.

7(1).jpg

Một góc TP. Hồ Chí Minh

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chiến lược phát triển ngành ô tô điện hóa Việt Nam giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, với một trong các trọng tâm là phát triển các dòng ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường. Trong đó, sẽ bổ sung các chính sách mới phù hợp để thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước hơn nữa, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Từ góc nhìn địa phương, ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nhu cầu hiện nay là phải xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách để đảm bảo hiệu quả trong quá trình thực thi, thu hút nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực phát triển giao thông điện; hỗ trợ khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện. Đặc biệt, cần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đáp ứng lộ trình chuyển đổi sử dụng xe điện. Thời gian tới, TP.HCM sẽ nghiên cứu bổ sung quy hoạch hệ thống hạ tầng trạm sạc vào quy hoạch hạ tầng giao thông thành phố, quy hoạch đồng bộ mạng lưới hạ tầng điện và triển khai đa dạng các phương thức đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc (đặc biệt là hệ thống trạm sạc nhanh, công suất lớn), đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển xe điện theo từng giai đoạn.

Các chuyên gia nhận định, bên cạnh việc giảm phát thải CO2, Nhà nước cần chú ý đến phổ biến hạ tầng trạm sạc và giảm chi phí sản xuất (giá xe). Đây là những vấn đề quyết định đến sự thành công của lộ trình điện khí hóa giao thông đường bộ. Giải quyết những thách thức này cũng chính là cơ hội để ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, phát triển lớn mạnh trong bối cảnh thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe điện sẽ “chiếm lĩnh” đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO