Biến đổi khí hậu

Xây dựng thị trường các-bon: Cần sẵn sàng từ “bệ đỡ” đến “bệ phóng”

Việt Hùng - Ngọc Trâm (thực hiện) 05/10/2023 - 10:19

(TN&MT) - Theo lộ trình, thị trường các-bon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028. Việc sớm xây dựng chính sách, hoàn thiện và phát triển thị trường này không chỉ dừng lại ở vai trò “bệ đỡ” đẩy mạnh kinh tế trong nước, đảm bảo tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh, mà còn là “bệ phóng” quan trọng, nâng tầm doanh nghiệp Việt vươn ra chinh phục thị trường quốc tế.

Phóng viên Báo TN&MT đã có buổi phỏng vấn ông Lê Anh Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển CODE xung quanh loại hình “hàng hóa đặc biệt” này.

z4754499531953_619cc56768668bc7ec38080e7b76850c.jpg
Phóng viên Báo TN&MT đã có buổi phỏng vấn ông Lê Anh Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển CODE

PV: Thời gian gần đây, các từ khóa như “thị trường các-bon” hay “tín chỉ các-bon” đang là nội dung được các địa phương và doanh nghiệp quan tâm. Viện Tư vấn Phát triển CODE là đơn vị nghiên cứu khá chuyên sâu về lĩnh vực này, xin ông cho biết chủ trương chính sách chung về thị trường này ở Việt Nam?

Ông Lê Anh Hoàng: Để hiện thực hóa những cam kết của Thủ tướng Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính về bằng “0” vào năm 2050 tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng khung hành lang pháp lý nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp và đưa ra chiến lược, mục tiêu trong tương lai, trong đó có xây dựng khung chính sách phát triển thị trường các-bon. Dự kiến, thị trường các-bon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028. Hiện, Chính phủ đã bắt đầu thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính đối với các ngành: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; các quá trình công nghiệp; nông nghiệp và xử lý chất thải. Đây là cơ sở để tính toán hiện trạng phát thải của các ngành kinh tế và xác định hạn ngạch phát thải CO2 phù hợp với từng ngành, đồng thời đánh giá nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính, làm tiền đề tham gia thị trường các-bon sau này.

Theo kinh nghiệm trên thế giới, thị trường các-bon đang có hai loại hình là thị trường các-bon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện. Thị trường các-bon bắt buộc (Compliance carbon market) là việc mua bán các-bon dựa trên các quy định pháp luật và cam kết của các quốc gia trong các công ước, hiệp định, chương trình… quốc tế để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc, các quốc gia, tổ chức tham gia sẽ phải giao dịch để đạt được các mục tiêu cam kết.

Thị trường các-bon tự nguyện (Voluntary carbon market) dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu vết các-bon. Các tín chỉ các-bon được giao dịch trên thị trường này do các tổ chức đóng vai trò là bên độc lập để kiểm định, xác nhận và cấp tương ứng với lượng khí thải nhà kính cắt giảm được. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của cả hai loại hình đều là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

PV: Để hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ các-bon tại Việt Nam khi các dự án về lĩnh vực này trong nước còn khá mới mẻ, theo ông, đâu là những rào cản cần phải vượt qua?

Ông Lê Anh Hoàng: Bên cạnh mục tiêu giảm phát thải về bằng “0”, các doanh nghiệp Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt các quy định mới về “dấu vết các-bon” đối với các hàng hóa xuất khẩu đi các thị trường lớn. Ngành dệt may Việt Nam đã gặp khó khăn và cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước thực hiện chương trình các-bon như Bangladesh, Paskistan do chưa có sự chuẩn bị, chưa thực hiện các chương trình chuyển đổi xanh trong quá trình sản xuất.

Điển hình nhất là Quy định Cơ chế điều chỉnh các-bon qua biên giới (CBAM) do Liên minh châu Âu ban hành. Thị trường châu Âu dưới cơ chế CBAM đặt ra thách thức lớn hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp thép khi châu Âu là thị trường nhập khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam. Hay việc Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học. Các thị trường lớn trên thế giới đã và sẽ tiếp tục bổ sung các quy định về các-bon đối với các hàng hóa nhập khẩu. Đây là xu thế chung trên toàn cầu.

Việc xây dựng thị trường các-bon là chìa khóa thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có một thị trường các-bon trong nước để làm “bệ đỡ” vận hành hỗ trợ các doanh nghiệp trong chiến lược phát triển bền vững và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu có yêu cầu tiêu chuẩn về dấu vết các-bon. Theo đề án Phát triển thị trường tín chỉ các-bon do Bộ Tài chính dự thảo, sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam phải đến năm 2028 mới chính thức vận hành. Mặt khác, giá tín chỉ các-bon của Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế hiện vẫn còn khoảng cách khá xa với giá tín chỉ giao dịch tại EU hay Mỹ.

Do đó, sự không đồng nhất giữa các quy định, thị trường các-bon của Việt Nam và thế giới sẽ khiến các doanh nghiệp tại Việt Nam giảm đi tính cạnh tranh, đồng thời gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và cung ứng sản phẩmcho các khách hàng lớn trên thị trường quốc tế.

Theo đó, việc quan trọng cần sớm triển khai là xây dựng phương án đồng bộ các quy định thị trường Việt Nam với các thị trường quốc tế lớn để có thể thực hiện giao dịch quốc tế. Cùng với đó, cần giao doanh nghiệp phát triển các cơ chế trao đổi song phương với một số nước có nhu cầu giao dịch tín chỉ lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Bởi đa số các dự án phát hành tín chỉ các-bon trong nước hiện tại đều là các dự án tham gia thị trường tự nguyện. Các chủ dự án đều có sự đóng góp cho phát triển bền vững nhưng do sự am hiểu thị trường còn hạn chế và chưa có cơ chế trong nước nên thường ủy quyền cho các công ty tư vấn quốc tế trong việc thực hiện giao dịch tín chỉ quốc tế. Việc giao dịch trung gian dẫn tới chưa tối đa hóa được lợi ích cũng như có thể chịu những thiệt thòi lâu dài do các hoạt động đầu cơ, gom hàng của các tổ chức giao dịch tín chỉ các-bon quốc tế lớn.

z4754500803725_4c7356baf53a0674905ca878b16d48cf.jpg
VQG Tà Đùng (Đắk Nông) - một trong những rừng có nhiều triển vọng phát triển thị trường các-bon. Ảnh: Ngọc Trâm

PV: Vậy những chủ thể sẽ chịu ảnh hưởng và hưởng lợi từ thị trường tín chỉ các-bon tại Việt Nam cần làm gì để vận hành hiệu quả trong cuộc đua này?

Ông Lê Anh Hoàng: Tiềm năng về thị trường tín chỉ các-bon tại Việt Nam được đánh giá là rất lớn. Để sẵn sàng trên cuộc đua thị trường các-bon hướng tới phát triển bền vững, đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các quy định, nguy cơ và giải pháp liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính tác động trực tiếp và gián tiếp tới doanh nghiệp. Từ đó thích ứng nhanh, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, hiệu quả để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và tăng khả năng cạnh tranh về lâu dài. Đặc biệt là thay đổi công nghệ sản xuất, đồng thời nghiên cứu, tính trước tín chỉ carbon cho doanh nghiệp mình.

Thị trường tín chỉ các-bon và thị trường tài chính xanh có quan hệ mật thiết với thị trường chứng khoán, nhất là các doanh nghiệp đã và đang niêm yết. Việc thay đổi công nghệ theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra quyền phát thải sẽ giúp doanh nghiệp thu hút nguồn tài chính dễ dàng với chi phí rẻ, đồng thời, góp phần nâng tầm giá trị trên thị trường thế giới.

Để tìm kiếm nhà đầu tư, huy động nguồn vốn FDI, ngoài các báo cáo, cáo bạch về kế hoạch sản xuất kinh doanh truyền thống, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), giảm nhẹ phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện đã có bộ tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện các báo cáo công khai minh bạch về lĩnh vực biến đổi khí hậu cho các doanh nghiệp. Đây là đơn vị cung cấp các dịch vụ kiểm kê, phân tích và đánh giá rủi ro môi trường; cung cấp các giải pháp về kế toán môi trường, kế hoạch trung hòa các-bon, giảm thải các-bon; tư vấn kinh doanh các-bon…

Chính phủ cùng các cá nhân, nhà đầu tư, doanh nghiệp cần chung tay đồng hành để xây dựng chính sách, hoàn thiện và phát triển thị trường các-bon, từ đó làm “bệ phóng” xây dựng các dự án xanh hướng đến mục tiêu trung hòa các-bon, góp phần vào nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thị trường các-bon: Cần sẵn sàng từ “bệ đỡ” đến “bệ phóng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO