Xây dựng tầm nhìn bền vững

Phương Anh| 28/11/2019 11:01

(TN&MT) - Phát triển bền vững là nấc thang cao nhất đo lường mức độ phát triển. Bộ Chỉ số Doanh nghiệp bền vững - CSI là “chiếc gương” phản chiếu tầm nhìn và lớn mạnh của doanh nghiệp.

Hội đồng Doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công Bộ Chỉ số CSI 2019.

Bền vững ba trục: Kinh tế - xã hội và môi trường

Việt Nam với tư cách là quốc gia có trách nhiệm với các cam kết quốc tế và trước hết vì sự phát triển bền vững của đất nước. Trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, các Bộ luật, Luật, Chiến lược, Quy hoạch... của đất nước, của các ngành, lĩnh vực đều nhắc đến phát triển bền vững. Đó là minh chứng khẳng định, Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này.

Ảnh minh họa

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, ngay sau Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT nghiên cứu, đề xuất việc sử dụng Bộ Chỉ số CSI để theo dõi, đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước ở Trung ương và các địa phương.

Năm 2020, theo Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, VCCI sẽ báo cáo Thủ tướng Đề án nhân rộng áp dụng Bộ Chỉ số CSI, đảm bảo nguyên tắc không làm tăng thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp. Nhắc đến CSI cũng chính là nhắc đến phát triển bền vững doanh nghiệp.

Ngay trong buổi công bố Bộ Chỉ số CSI 2019, tối 26/11, ông Võ Tân Thành chia sẻ: “Chúng ta ngồi đây để đặt ra một câu hỏi, thế hệ con cháu sau này sẽ kế thừa điều gì từ chúng ta? Liệu có phải chúng ta sẽ để lại cho đời sau rừng trọc, biển cạn, nguồn nước ô nhiễm hay một bầu trời nhuốm màu xám khói bụi? Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu sự phát triển mà chúng ta theo đuổi chỉ nhanh mà không bền vững. Chỉ có cái lợi trước mắt mà quên đi cái lợi lâu dài”.

Ông Thành cho biết, trong quá trình tiếp xúc, nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề với VCCI rằng, họ rất mong muốn phát triển bền vững nhưng chưa biết bắt đầu ra sao và làm thế nào? Bộ Chỉ số CSI chính là câu trả lời cho những băn khoăn này.

Thông qua cung cấp thông tin theo Bộ Chỉ số CSI, doanh nghiệp có thể hệ thống các thông tin về quản trị doanh nghiệp bao gồm quy trình, cách thức tổ chức quản lý, sản xuất, hiệu quả hoạt động, các quy định và văn bản pháp luật cần tuân thủ, từ đó, có thể cải thiện và phát huy chiến lược phát triển bền vững.

Năm 2019, Bộ Chỉ số CSI tiếp tục được sử dụng làm thang đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Bộ Chỉ số CSI 2019 được tính gọn từ 131 chỉ tiêu xuống chỉ còn 98 chỉ tiêu ở 3 lĩnh vực là kinh tế - xã hội và môi trường; trong đo, 90% là các chỉ tiêu tuân thủ pháp luật. Các chỉ tiêu cũng được phân nhóm khoa học hơn, cập nhật hơn với thông lệ quốc tế và pháp luật trong nước, có tính ứng dụng cao và phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng hơn.

VCCI mong muốn chuyển tải được các giá trị về phát triển bền vững, đặc biệt là Bộ Chỉ số CSI có thể đến với các doanh nghiệp trong cả nước không phân biệt quy mô, hay thành phần kinh tế, qua đó, đảm bảo tất cả các doanh nghiệp ngay từ khi mới thành lập đều có ý thức hướng đến hoạt động kinh doanh nhân văn, bền vững.

Bộ Chỉ số CSI tập trung chỉ tiêu ở 3 lĩnh vực là kinh tế - xã hội và môi trường

Cần “xanh hóa” quá trình phát triển

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường đang trở thành nội dung trọng tâm trong quản lý phát triển theo hướng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự khan hiếm, cạn kiệt tài nguyên và sự suy giảm, suy thoái chất lượng môi trường sống đang là thách thức.

Trong thực tiễn quản lý, hành động, chúng ta còn “thịnh hành” suy nghĩ chi phí bảo vệ tài nguyên thiên nhiên chủ yếu thuộc loại “tiêu tốn” mà chưa phải loại “sinh lợi”, nghĩa là chúng “giúp” cho quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội mà chưa đem lại giá trị gia tăng cho quá trình này. Hệ quả là người ta thường hạn chế hay tiết giảm chi phí bảo vệ tài nguyên và môi trường hơn là tăng.

Nhìn theo giác độ ngôn ngữ  kinh tế, chúng ta không phải người thừa kế mà là người đi vay các tài sản tự nhiên và phải có trách nhiệm trả cả gốc lẫn lãi, trong đó, người chủ nợ là các thế hệ kế tiếp. Con số thiệt hại về tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở nước ta hay được viện dẫn, nhắc tới là vài phần trăm so với GDP (3 - 5%). Bỏ qua tổn thất, thiệt hại về tài nguyên thiên nhiên cũng đồng nghĩa là cung cấp tín hiệu sai cho các quyết định phát triển.

Những cảnh báo về “lời nguyền” tài nguyên đã được các nhà khoa học đưa ra trong những năm gần đây đối với các nước đang phát triển hy vọng nhiều vào mô hình kinh tế thị trường. Tuy vậy, trung tâm của mô hình kinh tế thị trường là dựa vào sự gia tăng, sự kích thích và thỏa mãn tối đa lợi ích kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của con người. Để thỏa mãn tối đa nhu cầu tiêu dùng của con người với mục tiêu thu lợi nhuận thì càng phải khai thác tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Do vậy, lời khuyên được đưa ra là các quốc gia đang phát triển nên chú ý nhiều hơn tới củng cố và duy trì nền tảng vững chắc, lâu dài, bền vững cho quá trình tăng trưởng và phát triển. Cụ thể là đặt tài nguyên thiên nhiên và môi trường vào trung tâm của các quyết định phát triển, tức là “xanh hóa” quá trình phát triển, từ tư duy cho đến hành động. Đó chính là điểm khác biệt trong tiếp cận tăng trưởng, phát triển xanh so với tiếp cận phát triển theo hướng bền vững hiện nay là lồng ghép các vấn đề tài nguyên và môi trường trong các quyết định phát triển.

 Tăng trưởng, phát triển xanh là cách thức phát triển được Đảng và Nhà nước ta lựa chọn để thực hiện phát triển đất nước. Dù là quyết sách nào thì rõ ràng “nghị quyết một, quyết tâm mười, hành động phải hai mươi” luôn đúng. Tư duy đúng là cơ sở, nền tảng tiên quyết cho các quyết định và hành động phát triển.

Cùng với đó, hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, “thượng tôn pháp luật” là những giá trị “cốt lõi” bảo đảm thực thi hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng tầm nhìn bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO