Xây dựng, phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia

Văn Dinh| 13/08/2020 00:05

(TN&MT) - Đại học Huế phấn đấu mục tiêu thời gian tới trở thành Đại học Quốc gia theo định hướng nghiên cứu, phấn đấu đến năm 2025 ở trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu Châu Á và 1.000 các trường đại học thế giới, trở thành một trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao...

Đại học Huế vừa tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ Đại học Huế lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Báo cáo nêu rõ nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ Đại học Huế đã vượt qua thử thách, nêu cao tinh thần đoàn kết sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đạt được những thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ Đại học Huế lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Đại học Huế có 147 ngành đào tạo đại học, tăng 40 ngành so với năm 2015, 102 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tăng 12 ngành so với năm 2015; có 55 ngành đào tạo tiến sĩ, tăng 16 ngành so với năm 2015 với tổng số sinh viên, học viên gần 50.000 thuộc của các đơn vị thành viên và trực thuộc.

Năm năm qua, Đại học Huế có hơn 76.900 sinh viên tốt nghiệp (hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học). Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 6 tháng đạt trên 80%, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phát triển toàn diện, khẳng định quy mô và tiềm lực của Đại học Huế. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đạt được kết quả tích cực.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học Huế cho biết, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Đảng bộ Đại học Huế đứng trước tình hình giáo dục đại học đang mở ra nhiều cơ hội mới, sự hợp tác và kết nối toàn cầu đã hiện hữu, công nghệ số thực sự tạo nên động lực cho giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Truyền thống, uy tín và sự gắn bó của Đại học Huế với văn hóa Huế sẽ đem lại sự tin cậy cho xã hội và người học về về một môi trường giáo dục hàn lâm và an toàn. Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 83-NQ/CP, ngày 27/5/2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54-NQ/ TW của Bộ Chính trị, xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đại học Huế lại được khẳng định và có thêm những thuận lợi mới trong lộ trình phát triển thành Đại học Quốc gia giai đoạn 2020 - 2022.

Đại học Huế đang trên con đường xây dựng, phát triển thành Đại học Quốc gia

Do đó, Đảng bộ Đại học Huế xác định phương hướng xây dựng toàn Đảng bộ đoàn kết, thống nhất hành động, nắm bắt thời cơ, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ theo hướng tạo công nghệ nguồn và phát triển nền tảng tri thức số, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Tiếp tục xây dựng đội ngũ viên chức lao động có trình độ chuyên môn và chức danh cao, năng lực tốt để thực hiện tốt hai nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phục vụ xã hội. Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt cho tỉnh Thừa Thiên Huế và cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung; phát huy giá trị cốt lõi của ĐHH là “Khai phóng – Chất lượng – Hội nhập – Hiệu quả”.

“Mục tiêu chung của nhiệm kỳ 2020 – 2025: “Xây dựng, phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia Huế theo định hướng nghiên cứu, phấn đấu đến năm 2025 ở trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu Châu Á và 1000 các trường đại học thế giới, trở thành một trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao”. Để thực hiện được mục tiêu đó, Đảng bộ cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như xây dựng bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, tích cực bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; Xây dựng chiến lược phát triển đào tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục; Tăng cường các hoạt động, các quan hệ hợp tác quốc tế; các giải pháp tăng nguồn thu, công tác kế hoạch tài chính năng động và đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng. Bên cạnh những nổ lực, tăng cường năng lực và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy dân chủ cơ sở, tổ chức Đảng là hạt nhân lãnh đạo, rất cần sự hướng dẫn, chỉ đạo và hỗ trợ từ phía Bộ GD&ĐT, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với tinh thần định hướng của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, chúng ta có thể kỳ vọng một sự đổi mới và phát triển của một Đại học Quốc gia Huế trong năm 2022”, PGS.TS Chương nói.

Ban chấp hành Đảng bộ Đại học Huế khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Phát biểu tại Đại hội, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, Đại học Huế đứng chân trên vùng đất Cố đô giàu truyền thống cách mạng, văn hóa, hiếu học, vai trò vị trí của Đại học Huế luôn gắn liền với lịch sử, quá trình phát triển kinh tế xã hội của Thừa Thiên Huế. Với bề dày truyền thống xây dựng và phát triển, Đại học Huế trở thành một phần tinh hoa của văn hóa Huế, là niềm tự hào của người dân xứ Huế; là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước.

“Bên cạnh các nhiệm vụ xây dựng phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, phát triển quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đề nghị Đại học Huế tăng cường phối hợp với các sở ban ngành, đồng hành với tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng 4 trung tâm lớn của cả nước về văn hóa – du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo”, ông Thọ nhấn mạnh.

Đại hội cũng đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ Đại học Huế khóa VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với 24 thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng, phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO