Xây dựng mô hình "Làng thích ứng thông minh với BĐKH"

24/02/2016 00:00

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu hiện là thách thức chính đối với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực bền vững. Nhu cầu về lương thực và thực phẩm ngày càng tăng trong khi khả năng sản xuất lương thực có nguy cơ giảm do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đã gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội và mất cân bằng an ninh lương thực.

Xây dựng mô hình mẫu

Để giải quyết thách thức này, chương trình “Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực” (CCAFS) là chương trình dài hạn của Tổ chức Tư vấn quốc tế về nghiên cứu Nông nghiệp (CGIAR) đã tiến hành nghiên cứu các nguy cơ, mối đe dọa đối với nông nghiệp và an ninh lương thực trên thế giới do sự thay đổi bất thường của thời tiết và biến đổi của khí hậu toàn cầu, đồng thời tìm ra các giải pháp giúp các cộng đồng dân cư nông thôn dễ tổn thương thích ứng tốt với biến đổi khí hậu...

Sau một thời gian nghiên cứu, CCAFS chỉ ra rằng, những vùng có tỷ lệ nghèo đói cao cũng chính là vùng có sản lượng nông nghiệp rất thấp và chịu ảnh hưởng lớn nhất của các vấn đề liên quan đến yếu tố thời tiết. Đây là những khu vực đã được xác định là "điểm nóng" về biến đổi khí hậu. Do vậy, tăng sản lượng nông nghiệp một cách bền vững chính là câu trả lời cho tương lai của an ninh lương thực toàn cầu và hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Và chiến lược về sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu là điểm khởi đầu phù hợp nhất cho một nền nông nghiệp bền vững.

Tại Việt Nam, CCAFS hiện đang hợp tác với các đối tác (quốc tế, quốc gia, địa phương) và cộng đồng dân cư bản địa để xây dựng và phát triển "Làng/thôn/ấp thích ứng thông minh với BĐKH” thành một mô hình mẫu trong thực hiện các giải pháp ngay tại địa phương nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường khả năng thích ứng của người dân với biến đổi khí hậu, xây dựng khả năng phục hồi đối với ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, đồng thời cải thiện đời sống và thu nhập cho nông dân.

Mục tiêu của "Làng/thôn/ấp thích ứng thông minh với BĐKH” hướng đến việc nâng cao khả năng hoàn thành, đáp ứng các mục tiêu về an ninh lương thực và phát triển; góp phần tăng năng suất cây trồng vật nuôi và khả năng phục hồi trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự thay đổi bất thường của thời tiết; giảm nhẹ sự ấm lên toàn cầu bằng cách giảm thải khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp tại những vùng có thể.

Để thiết lập “làng/thôn/ấp thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu”, điểm được lựa chọn phải là nơi thấy rõ tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp, hệ sinh thái, sinh kế người dân địa phương; có tiềm năng, tính khả thi áp dụng các giải pháp khoa học kĩ thuật trong thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; Bên cạnh đó không thể thiếu sự mong muốn hợp tác lâu dài, tin cậy từ lãnh đạo chính quyền và người dân địa phương.

Được mùa sắn tại Yên Bái

Nhân rộng mô hình tại Yên Bái

Những ngày cuối tháng 2/2016. tại Thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, (Yên Bái), một dự án “làng/thôn/ấp thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu” đã được khởi động chính thức. Thôn Mạ là một trong hai thôn tại Việt Nam được chọn để làm thí điểm cho việc thử nghiệm các loại hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu do chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết cực đoan như hạn hán, giá lạnh cùng với tình trạng suy giảm chất lượng đất.

Dự án mang tên “Các kỹ thuật nông nghiệp tổng hợp nhằm nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và sinh kế của vùng nông thôn Đông Nam Á’’, được điều phối bởi Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) trong chương trình nghiên cứu của CGIAR về biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực (CCAFS).

Ông Bùi Lê Vinh, điều phối viên dự án CIAT cho biết: "Chúng tôi đã lắng nghe những chia sẻ từ phía các đối tác và các bên liên quan về cách thức ứng phó hiệu quả với sự thay đổi thời tiết tại địa phương. Hiện nay chúng tôi đang trong quá trình xác định kỹ thuật mà người nông dân có thể áp dụng để cải thiện khả năng thích ứng của họ". Năm biện pháp canh tác tại địa phương đã được xác định là có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ được thực hành bởi người nông dân và tiếp tục được hoàn thiện dựa trên các hỗ trợ về khoa học và công nghệ từ các đối tác của dự án. Các mô hình mẫu gồm có thâm canh nuôi cá lồng, trồng băng cỏ xen sắn trên đồi dốc, cải thiện năng suất chăn nuôi.

Nông dân trồng sắn tại nơi đây đã thành công trong việc tăng sản lượng sắn và độ phì của đất bằng cách trồng xen cỏ với sắn, đồng thời sử dụng cỏ để làm thức ăn cho gia súc và cá, từ đó cải thiện thu nhập. Biện pháp trồng cỏ chăn nuôi xen lẫn sắn tạo nên các đường ngăn đồng mức trên đồi làm giảm tốc tốc độ của dòng chẩy từ đó ngăn ngừa tình trạng xói mòn đất. Cỏ cũng giúp cải thiện chất lượng và cấu trúc của đất, giúp tăng khả năng thấm của nước vào đất và tăng hàm lượng dinh dưỡng cho cây. Trong khi những cây trồng khác không thể canh tác trên đất dốc và bạc màu thì việc xen canh cây sắn đã mang lại thu đáng kể cho nông dân.

Từ một dự án đã thành công, chính quyền huyện Văn Yên đã khởi xướng việc áp dụng mô hình băng cỏ xen sắn trên diện rộng thay vì hình thức độc canh cây sắn như trước kia. Từ năm 2002, cùng với sự hỗ trợ giống cỏ của CIAT, mô hình đã được giới thiệu và nhân rộng ra 17 xã. Chỉ với 1000 ha ban đầu vào năm 2002, tới năm 2003 diện tích đã tăng lên 2,200 ha, đến nay toàn huyện Văn Yên đã trồng thành công 6,700 ha sắn-cỏ. Hình thức canh tác bền vững này được thực hiện thành công chủ yếu là từ công tác tuyên truyền vận động qua các chương trình khuyến nông, hệ thống loa phát thanh địa phương và thông qua các mô hình thành công thực tế.

Thu Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng mô hình "Làng thích ứng thông minh với BĐKH"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO