Xây dựng mô hình kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn

27/04/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 27/4, tại Hà Nội, Trường đại học Kinh tế quốc dân đã phối hợp với Bộ tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Nghiên cứu cơ sở khoa học về lý luận và thực tiễn xây dựng mô hình phát triển kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu”.

Chủ trì hội thảo có TS Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; GS. TS Trần Đình Hòa – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, GS. TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Hội thảo cũng có sự tham gia của lãnh đạo các Viện: Khoa học KTTV&BĐKH, Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Khoa học Thủy lợi Việt Nam; lãnh đạo các Trường Đại học: Khoa học Tự nhiên, Tài nguyên và Môi trường… cùng nhiều nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế.

 

Ban chủ trì Hội thảo
Ban chủ trì Hội thảo

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận và tìm kiếm những phương pháp xây dựng mô hình kinh tế phù hợp cho những vùng xâm nhập mặn của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo GS. TS Trần Thọ Đạt, nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL; Thí điểm tại một số huyện điển hình” đang tập trung xây dựng mô hình kinh tế với phạm trù rộng hơn, bao hàm mô hình sản xuất, sinh kế cho người dân địa phương, ngoài ra còn có tính đến các vấn đề di dân, tạo việc làm ổn định, tính bền vững trước những tác động của BĐKH…

Trình bày về cách tiếp cận cảnh quan, theo TS Trần Văn Trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Một mô hình hệ kinh tế sinh thái thích ứng với BĐKH và nước biển dâng cần có sự tổng hợp, phân tích về tính thích nghi sinh thái bản địa, bền vững xã hội – môi trường, hiệu quả kinh tế và khả năng thích ứng các tai biến liên quan đến BĐKH. Từ đó, đề xuất ra các mô hình kinh tế sinh thái phù hợp với đặc thù của từng tiểu vùng cảnh quan, trình độ, quy mô sản xuất và khả năng nguồn vốn.

PGS.TS Vũ Thị Mai, Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý Nguồn nhân lực (Đại học Kinh tế Quốc dân) – Chủ nhiệm đề tài
PGS.TS Vũ Thị Mai, Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý Nguồn nhân lực (Đại học Kinh tế Quốc dân) – Chủ nhiệm đề tài

Theo Viện Trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT Nguyễn Thế Chinh: Thích ứng dựa trên hệ sinh thái phải xem xét điều kiện khí hậu của vùng, từ kiến thức, kinh nghiệm phát triển sinh kế bản địa kết hợp với kiến thức khoa học để xây dựng quy hoạch các giải pháp. Đứng từ góc độ nhà quản lý, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu Nguyễn Văn Tuệ cho rằng: Việc nghiên cứu xây dựng mô hình cần tập trung vào mục tiêu ứng phó với xâm nhập mặn, có thêm những cảnh báo, dự báo về xâm nhập mặn để đề ra các mô hình phù hợp. Khi hoàn thành, đây sẽ là những cơ sở nghiên cứu quan trọng để đưa vào kế hoạch thích ứng Quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Việt Nam đã có Nghị quyết 24 về chủ động ứng phó BĐKH để định hướng những giải pháp thích ứng với BĐKH. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ Môi trường đã có riêng 1 chương về ứng phó BĐKH; Luật KTTV có 1 chương về giám sát BĐKH. Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây cũng nhấn mạnh về việc phát triển kinh tế của ĐBSCL thích ứng với BĐKH theo hướng liên vùng, đa ngành đa lĩnh vực, giải quyết sạt lở, nhiễm mặn… Thứ trưởng cho rằng, mô hình phát triển kinh tế cũng cần xây dựng theo hướng tương tự và bám sát các căn cứ pháp lý. Bộ TN&MT hiện đang xây dựng Trung tâm CSDL về BĐKH ở ĐBSCL, sắp tới sẽ cập nhật toàn bộ thông tin BĐKH và cung cấp cho chính quyền cấp huyện ở khu vực ĐBSCL. Việc xây dựng mô hình kinh tế chung rất hữu ích cho việc xác định các mô hình cụ thể cho mỗi khu vực.

Toàn nh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

 Các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế  tham dự Hội thảo cũng góp ý vào các nội dung cần tính đến như khai niệm nước ảo, dấu chân nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mô hình tính toán cho xâm nhập mặn nước mặt hay nước ngầm, xâm nhập mặn do thiên tai và do tác động của con người, vai trò chính sách trong giám sát áp dụng các mô hình để đạt được hiệu quả cao nhất… Hầu hết các ý kiến đều thống nhất việc cần phải chứng tỏ được hiệu quả kinh tế trong việc đưa ra mô hình, đặc biệt là phải có cách tiếp cận từ cộng đồng kết hợp hài hòa với áp dụng các chính sách.

PGS.TS Vũ Thị Mai, Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý Nguồn nhân lực (Đại học Kinh tế Quốc dân) – Chủ nhiệm đề tài cho biết: Nhóm nghiên cứu đang hướng đến xây dựng mô hình phát triển kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn tiếp cận theo góc độ doanh thu trên 1 diện tích canh tác. Mục đích là làm sao đem lại mức thu nhập cao cho người dân trên diện tích hẹp hoặc điều kiện sản xuất không tốt. Để làm được điều này cần có sự phối hợp với các nhà khoa học để phát triển công nghệ, đồng thời, tính đến vấn đề cơ sở hạ tầng như thủy lợi... Nghiên cứu dự kiến sẽ sử dụng bộ dữ liệu đã dạng trên nhiều lĩnh vực và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ TN&MT, NN&PTNT, các Viện nghiên cứu về BĐKH…

Khánh Ly

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng mô hình kinh tế thích ứng với xâm nhập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO